Dường như lo ngại về những tác dụng phụ của các gói kích cầu kiểu như Mỹ đang làm, nên châu Âu đang trong trạng thái rất hững hờ với những kế hoạch kích cầu to lớn đang diễn ra rầm rộ khắp năm châu.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet. (Ảnh: AFP) |
Châu Âu không thích kiểu can thiệp sâu rộng như Mỹ
Những cú can thiệp sâu rộng theo kiểu Mỹ sẽ khó có thể giúp gì cho các nước châu Âu mà chỉ làm cho hệ thống tài chính trở nên rối loạn, mất quy củ và làm dấy lên nguy cơ lạm phát mà thôi.
Đó là nhận định của Jean-Claude Trichet - Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) - một nhân vật quan trọng trong làng tài chính thế giới.
Khi câu lạc bộ các nước G20 đang chuẩn bị hội họp tại Thủ đô London của Anh vào ngày 2/4 thì giới quan sát lại đang tập trung cao độ vào cuộc đụng độ có thể sẽ xảy ra giữa châu Âu và Mỹ về những phương án đối phó với khủng hoảng toàn cầu hiện nay.
Phương án ưa thích của Mỹ là tưới đẫm nền kinh tế đang khủng hoảng với nguồn tài lực khổng lồ dường như không bao giờ cạn của mình, trong khi châu Âu lạ giữ nguyên tắc thận trọng vốn có và có vẻ còn cưỡng lại các kế hoạch giải cứu khổng lồ kiểu như của Mỹ.
Đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc châu Âu có vẻ như chưa thiết tha lắm với các nỗ lực giải cứu kinh tế mà các nước khác đang ào ạt tiến hành. Và chính các lãnh đạo châu Âu cũng đang chịu sức ép từ chính trong nước mình, về việc họ đã không nhanh chóng vung tiền ra tăng thanh khoản cho thị trường tài chính nước nhà, như Mỹ đã và đang làm.
Nhưng liệu chính sách của châu Âu hiện nay có phù hợp với tình hình hiện tại của lục địa già? Câu hỏi này đã được đặt ra ngay từ đầu và cho đến nay, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet vẫn muốn vin vào quan điểm đó. Theo ông thì, không nhất thiết châu Âu hay nước nào đó phải theo đuổi một chính sách giải cứu mà nước khác đã thực hiện để khắc phục khủng hoảng.
Ngại tác dụng phụ
Ông Trichet giữ vững quan điểm rằng, các kế hoạch giải cứu khổng lồ kiểu như của Mỹ sẽ mang lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn như: lạm phát, tăng gánh nặng thuế, thâm hụt ngân sách quốc gia mà chưa chắc đã đạt được mục đích chính là hồi phục niềm tin cho cộng đồng đầu tư.
"Và nếu đưa ra kế hoạch giải cứu, ít nhất chính quyền phải bảo đảm với dân chúng rằng, tất cả sẽ có lối thoát, có đường lùi nếu như kế hoạch bị đổ vỡ. Phải bảo đảm rằng không vì cấp cứu trước mắt mà để lại hệ lụy tai hại cho thế hệ con cháu của chúng ta sau này”, ông Trichet tuyên bố.
"Kích hoạt nền kinh tế phải dựa trên cơ sở lòng tin. Mà lòng tin theo tôi thì không gì tốt hơn là chứng tỏ được cho người dân thấy rằng, chính phủ biết giữ cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn với các mục tiêu trung hạn và dài hạn”, ông Trichet nhấn mạnh.
Cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn với các mục tiêu trung hạn và dài hạn chứ không phải là hy sinh mục tiêu trung hạn và dài hạn để phục vụ mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Thông điệp của châu Âu vậy là đã rõ.
Và lập trường đó của châu Âu vậy là đã khác hẳn quan điểm của người Mỹ vốn thích dùng toàn lực để khoanh vùng vết thương ngay lập tức, chấp nhận các tác dụng phụ không thể tránh khỏi.
Châu Âu không thích chạy đua với Mỹ
Cũng dễ hiểu, bởi ai cũng thấy châu Âu đã kỳ công thế nào, đã tốn kém thế nào và cố gắng thế nào mới giữ được ổn định và bắt đầu phát triển cho khu vực trong thập kỷ trước, thời điểm nhạy cảm khi mà đồng tiền chung châu Âu bước vào cuộc sống mỗi nước thành viên.
Trichet không nói về điều đó, song rõ ràng những động thái của ông cùng toàn thể châu Âu dường như đã chứng minh rằng họ phải bảo vệ điều đó.
Hơn nữa, các kế hoạch giải cứu khổng lồ kiểu Mỹ không phải là một cuộc đua và do vậy, châu Âu không nhất thiết phải chạy theo.
Và nếu có chạy theo, chắc chắn chỉ ở phần nào đó chứ không phải hoàn toàn, thì may ra chỉ những nền kinh tế gắn chặt với kinh tế Mỹ, có nhiều điểm tương đồng với kinh tế Mỹ như Đức, Hà Lan, các nước vùng Scandinavia và một số nước thiên về xuất khẩu ở Đông Âu, bởi những nước này không có được nền tảng tiêu dùng trong nước mạnh như phần còn lại của châu Âu.
Chắc chắn, trong hội nghị tới, căng thẳng về vấn đề này sẽ diễn ra giữa châu Âu và Mỹ. Theo Trichet thì: “Mỹ cần ngay lập tức làm những gì đã quyết một cách có trách nhiệm nhất. Hãy làm nhanh, làm mạnh như cần phải làm. Song đừng phung phí vào những vấn đề vô ích”.
Không rõ thông điệp trên Trichet muốn chuyển tới Chính phủ Mỹ hay là chuyển tới Quốc hội Mỹ. Có vẻ như là chuyển tới Quốc hội Mỹ, nơi mà các quyết sách của chính quyền Obama có thể bị ngăn lại, một phần hoặc tất cả.
"Đây không phải là một cuộc đua!", Trichet nhấn mạnh, "Chúng ta chỉ làm những gì chúng ta cho là phù hợp với nền kinh tế của mình".
-
Nhật Vy (Theo BusinessWeeks)