Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được một thoả thuận tạm thời về tự do thương mại sau gần 2 năm đàm phán. Hai bên tuyên bố sẽ cố gắng giải quyết những vấn đề đang còn tồn tại vào đầu tháng sau.
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Lee Hye-Min (phải) và người đồng cấp EU Ignacio Garcia Bercero bắt tay tại một cuộc họp báo ở Seoul hôm 24/3. (Ảnh: AFP)
Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc ra thông cáo hôm 24/3 cho biết, nước này và EU đã đạt được sự nhất trí tạm thời về hầu hết những vấn đề liên quan trong các cuộc đàm phán bắt đầu từ hôm 23/3. Tuy nhiên, cả hai bên đã không thể đi đến thoả thuận về một số vấn đề gây tranh cãi.
Hàn Quốc và EU sẽ tìm cách đạt được thoả thuận cuối cùng tại vòng thương lượng của các bộ trưởng thương mại song phương ở London vào ngày 2/4 tới.
Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á và EU - khối kinh tế đơn lẻ lớn nhất thế giới đã bắt đầu đàm phán về một thoả thuận tự do thương mại từ tháng 5/2007. Năm ngoái, EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc sau Trung Quốc với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 90 tỉ USD.
EU hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Hàn Quốc với khoản đầu tư khổng lồ lên tới 43,40 tỉ USD vào cuối năm 2007. Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, nhà đàm phán EU Ignacio Garcia Bercero khẳng định, thoả thuận thương mại tạm thời với Hàn Quốc là thành tựu tham vọng nhất mà liên minh từng thương lượng với một đối tác bên ngoài.
Dẫu vậy, ông Bercero khuyến cáo, hai bên vẫn còn khác biệt khá lớn về 2 vấn đề tranh chấp chính là việc hoàn thuế và các quy định về nguồn gốc sản phẩm.
Liên quan đến các quy định về nguồn gốc sản phẩm, Hàn Quốc quả quyết những những món hàng được sản xuất tại một khu công nghiệp được Seoul tài trợ ở CHDCND Triều Tiên cần phải được coi là hàng hoá của Hàn Quốc.
Vì các hãng sản xuất Hàn Quốc nhập khẩu nhiều linh kiện từ Trung Quốc và những nơi khác, nên cả hai bên cũng cần đi đến nhất trí về tỉ lệ nội địa hóa trên một sản phẩm của Hàn Quốc là bao nhiêu phần trăm.
Về việc hoàn thuế, Hàn Quốc muốn EU để nước này trả lại các khoản tiền thuế đánh vào những công ty sử dụng nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu sau khi những sản phẩm hoàn thiện được đem đi xuất khẩu.
Theo Lee Hye-Min, trưởng đoàn đàm phán của Seoul, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Jong-Hoon và Bộ trưởng Thương mại EU Catherine Ashton sẽ trực tiếp và toàn quyền thương thuyết về các vấn đề còn tồn tại.
Các quan chức Hàn Quốc trước đó từng đề xuất việc công bố chính thức thoả thuận tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở London vào ngày 2/4 tới, nhằm nhấn mạnh rằng chế độ bảo hộ nền công nghiệp trong nước không phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nếu thoả thuận tự do thương mại Hàn Quốc - EU được phê chuẩn, nó sẽ loại bỏ tới 97% các loại thuế trong thương mại song phương trong 5 năm tới. Kim Deuk-Gap thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung nhận định, thoả thuận có thể giúp Seoul tăng xuất khẩu hàng năm tới 5% cũng như đẩy mạnh tăng trưởng GDP thêm 3%.
Thoả thuận với châu Âu sẽ là văn bản thay thế đối với Hàn Quốc, sau khi thoả thuận tự do thương mại giữa nước này với Mỹ gặp trở ngại. Seoul và Washington đã kí văn bản ghi nhớ năm 2007, nhưng vẫn cần có sự phê chuẩn của các cơ quan lập pháp hai nước.
Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Obama mới đây tuyên bố muốn tái thương lượng một phần thoả thuận với Seoul - điều mà Chính phủ Hàn Quốc đã công khai phản đối.
-
Thanh Bình (Theo AFP, AP)