221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1179082
Đằng sau phản ứng cứng rắn của Tehran với Obama
1
Article
null
Đằng sau phản ứng cứng rắn của Tehran với Obama
,

Việc lãnh đạo Iran hôm 21/3 thẳng thừng bác bỏ đề xuất đối thoại của Obama diễn ra nhanh và có tác động sâu rộng: Những lời nói của Washington hoàn toàn trống rỗng và không có những thay đổi sâu sắc về chính sách.

Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, phản ứng của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei không chỉ là một đòn mạnh giáng vào nỗ lực chìa tay của Washington với Tehran. Đó còn là một bài học về sự cứng rắn của giới chính trị thần quyền tại Iran và cách Tehran nhìn nhận nhịp độ cũng như sắc thái trong những nước cờ mới của Obama nhằm phá vỡ sự đóng băng quan hệ ngoại giao gần 3 thập kỷ qua giữa hai nước.

"Đây là giai đoạn mặc cả đầu tiên theo phong cách Iran cổ điển: Cứng rắn", GS. chính trị Abdulkhaleq Abdulla thuộc ĐH Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất nói. "Các lãnh đạo Iran không quan tâm tới những nhượng bộ ở giai đoạn này mà hoàn toàn chú trọng vào hệ tư tưởng".

Đối với Giáo chủ Khamenei và cấp dưới của ông, điều đó có nghĩa là tỏ ra trung thành với Cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 cũng như lối hùng biện chính trị chống Mỹ. Mọi cử chỉ vội vàng của giáo sĩ cầm quyền này nhằm cải thiện quan hệ với Washington có thể bị những người theo đường lối cứng rắn quy là phản bội cuộc cách mạng.

Các lãnh đạo thần quyền của Iran cũng đang cân nhắc mọi hành động khởi đầu, thậm chí là những hành động nhỏ nhất, có thể ảnh hưởng ra sao tới cuộc đua tranh ghế tổng thống vào ngày 12/6 giữa người được họ lựa chọn là Tổng thống theo đường lối cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad và phe ủng hộ cải cách do cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi dẫn đầu.

"Đây chính là lý do tại sao đối thoại sẽ là một tiến trình rất chậm, rất phức tạp giữa Mỹ và Iran. Thậm chí giới chính trị thần quyền cũng có thể thực dụng. Khi họ cảm thấy chìa tay với Mỹ sẽ có lợi cho đất nước, họ sẽ tìm ra một cách làm việc đó", Abdulla nhận định.

Hiện vẫn chưa xuất hiện các dấu hiệu tan băng vào mùa xuân này.

Ông Khamenei đã nâng rào quá cao - đòi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại, trong đó có việc từ bỏ chính sách "ủng hộ Israel vô điều kiện" và ngừng cáo buộc Iran đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Iran quả quyết chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm các mục đích năng lượng hòa bình.

"Các ngài đã giải tỏa tài sản của Iran hay chưa? Các ngài đã dỡ bỏ các biện pháp cấm vận hay chưa? Các ngài đã từ bỏ việc vu khống và cáo buộc nhà nước Iran và các quan chức của Iran hay chưa?", Giáo chủ Khamenei đọc diễn văn tại thành phố Mashhad.

Bất chấp đề xuất của Obama, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn liệt Iran là nước tài trợ cho khủng bố vì cho rằng Iran đã ủng hộ các nhóm chiến binh như Hezbollah ở Lebanon. Tại Iraq, các quan chức Mỹ cáo buộc Iran hậu thuẫn các chiến binh Shiite, những người nhằm vào binh sĩ Mỹ.

"Obama đã xúc phạm Iran ngay từ ngày đầu. Nếu các ngài nói rằng đã có sự thay đổi, thay đổi đó ở đâu? Dấu hiệu của sự thay đổi đó là gì? Hãy nói rõ cho chúng tôi biết cái gì đã thay đổi". Tuy nhiên, ông Khamenei đã để ngỏ cánh cửa cải thiện quan hệ với Mỹ, nói rằng "nếu các ngài thay đổi, hành vi của chúng tôi cũng thay đổi".

Phản ứng trên của ông Khamenei quả là cứng rắn sau khi Obama thể hiện sự thay đổi quan trọng về chiến thuật của Mỹ trong thông điệp video hôm 19/3. Trong thông điệp đó, ông đã đề xuất đối thoại trực tiếp với giới lãnh đạo thần quyền của Iran chứ không chỉ khuyến khích các lực lượng cải cách, ủng hộ dân chủ bên trong nước này.

Động thái của Obama dường như thừa nhận hai thực tế then chốt đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ: giới chính trị thần quyền Iran rất cứng rắn và nắm giữ mọi lá bài trong tất cả các quyết định quan trọng.

"Có ý kiến cho rằng Washington sẽ làm cái mà Mỹ đã làm với Libya: đối thoại và các biện pháp khuyến khích đổi lấy các chính sách ôn hòa. Tuy nhiên, Iran là một nơi phức tạp hơn nhiều và có ảnh hưởng ở Iraq, Afghanistan và toàn bộ khu vực", Patrick Clawson, Phó Giám đốc Viện chính sách Cận Đông ở Washington, nói.

Chính quyền Obama chưa đưa ra các chi tiết cho những bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs nói với báo giới hôm 19/3 rằng "nhiều biện pháp khích lệ" hơn sẽ được đưa ra.

Tuần trước, các quan chức Mỹ đã dấy lên khả năng tiếp xúc quan hệ ngoại giao thường xuyên giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Iran khắp thế giới. Vào thứ ba tới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary và các phái viên Iran sẽ có cơ hội đối thoại không chính thức bên lề hôi nghị của LHQ về Afghanistan tại Hà Lan.

Tại Iran, mọi tiếp xúc hoặc thông điệp sẽ được nhìn nhận qua lăng kính của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Một số chuyên gia tin rằng ông Ahmadinejad có thể trục lợi từ những đề nghị đàm phán của Obama bằng cách khẳng định rằng lập trường cứng rắn của ông đối với phương Tây đã buộc Washington ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi đó, phe ủng hộ cải cách có thể phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng tâm lý do họ cảm thấy giờ bị Mỹ bỏ rơi.

Saeed Leylaz, một nhà phân tích chính trị có uy tín ở Tehran, coi ngôn ngữ cứng rắn của Giáo chủ Khamenei chỉ là sự khởi đầu của tiến trình giảm dần căng thẳng với Mỹ, tương tự như hàng chục năm hòa giải chậm chạp với Anh bất chấp một lịch sử đầy biến động có từ thời tranh chấp các giếng dầu cách đây hơn một thế kỷ.

"Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng làm bất ổn Iran. Ông Khamenei lo ngại về việc này. Nếu những lo ngại của Iran được giải tỏa, Tehran sẽ sẵn sàng có quan hệ với Mỹ giống như với Anh", ông nói.

  • Minh Sơn (theo AP)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;