221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1178662
6 năm cuộc chiến Iraq: Chiến thắng vẫn ngoài tầm tay
1
Article
null
6 năm cuộc chiến Iraq: Chiến thắng vẫn ngoài tầm tay
,
Sau 6 năm với hơn 4.000 binh sĩ tử trận, cuối cùng thì cuộc chiến Iraq cũng di chuyển vào "hộp thư đi" gồm những vấn đề quốc gia của Mỹ - đánh giá này dựa trên việc cuộc chiến ấy biến mất khỏi các cuộc đàm luận quốc gia. 

Lính Mỹ tuần tra đêm ở Baghdad. (Ảnh: AFP)

Chiến thắng vẫn còn ngoài tầm với?

Một cuộc thăm dò dư luận do USA Today/Gallup thực hiện ngày 18/3 cho thấy, 51% người được hỏi đã đánh giá tích cực về cuộc chiến Iraq, tăng 28% so với hồi tháng 1/2007. Khoảng 64% tin rằng, Mỹ có thể thắng cuộc chiến và 42% tin Mỹ sẽ thắng.

Trong khi đó, theo các quan chức cấp cao Mỹ, Chính phủ Iraq đã đáp ứng được 17/18 tiêu chuẩn về chính trị, kinh tế và an ninh được đặt ra cho họ cách nay hơn 2 năm.

TIN LIÊN QUAN
Với bất cứ cách tính nào - thương vong của người Mỹ và người Iraq, sự cộng hưởng chính trị hay hoạt động kinh tế, chiến dịch "tăng viện" mà Tổng thống Bush công bố hồi tháng 1/2007 đã thực sự tạo ra một Iraq an toàn hơn, ổn định hơn.

Thế nhưng, các quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc sẽ không thẳng thừng nói rằng, họ đã thắng cuộc chiến.

Thiếu tướng John Kelly, cho đến cách đây một tháng là chỉ huy Lực lượng đa quốc gia tại miền tây Iraq, trò chuyện với Fox News rằng, thắng lợi đang "ở ngay góc góc đường".

"Chúng ta sẽ giành thắng lợi, chắc chắn vậy", ông khẳng định. Nhưng Kelly cũng tránh đụng đến từ "chiến thắng" bởi vì bản chất của một cuộc chiến tranh không đối xứng.

"Tôi lưỡng lự khi sử dụng từ ’chiến thắng’ hoặc ’đã chiến thắng’ chống lại một hệ tư tưởng", Thiếu tướng Kelly nói thêm trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện tại căn cứ mới của ông ở Trại Pendleton. "Ý tôi là, trong 40 năm nữa, hoàn toàn có thể có một kiểu al-Qaeda quá khích nào đó kích nổ một quả bom ở trung tâm Baghdad, hoặc điều khiển một chiếc máy bay đâm vào tháp Sears ở Chicago".

"Nhưng tôi sẽ nói rằng, bạn có thể tuyên bố chiến thắng - nếu bạn thực sự cảm thấy cần phải như vậy, vào thời điểm mà các lực lượng an ninh, quân đội và cảnh sát Iraq đứng ra gánh vác toàn bộ trách nhiệm an ninh và các lực lượng chiến đấu của Mỹ rút khỏi đất nước này vì không còn cần thiết nữa", ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng từng nói trong một lần tới thăm trại LeJeune ở Bắc Carolina cùng với Tổng thống Obama: "Tôi không nghĩ họ (các binh sĩ Mỹ) cần được bảo rằng, họ đã thành công. Vì họ biết rõ điều đó".

"Bộ trưởng và những người làm việc trong tòa nhà này thường bất đắc dĩ mới sử dụng những thuật ngữ như đang chiến thắng hoặc đã chiến thắng", phát ngôn viên Geoff Morrell của Lầu Năm Góc bình luận. "Đó không phải là cách chúng tôi dùng để mô tả tình huống ở chiến trường. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận nhiều tiến bộ lớn đã đạt được. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm".

Biểu tình chống chiến tranh Iraq ở New York ngày 19/3. (Ảnh: THX)

"Lòng tin sai lầm"

Ngay sau cuộc chiến do Mỹ đứng đầu được phát động, mọi thứ dường như diễn ra theo cách của liên quân.

Giai đoạn đầu của chiến dịch nhanh chóng thành công, với các thành viên thuộc Sư đoàn Bộ binh số 3 tràn vào Baghdad như vào "vườn không nhà trống", tiếp theo đó Saddam Hussein cùng các quan chức dưới quyền bị lật đổ. Thế nhưng, chính sự thành công đó đã nuôi dưỡng một lòng tin sai lầm rằng "sự thay đổi chế độ" có thể được thực hiện một cách sạch sẽ gọn gàng và dầu mỏ của người Iraq sẽ nhanh chóng tuôn chảy để mang lại sự giàu có cho đất nước này.

Và vụ đánh bom kinh hoàng nhằm vào Thánh đường al-Askari hồi tháng 2/2006, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Shiite ở Iraq, đã dẫn tới một thời kỳ xung đột dữ dội giữa các giáo phái Shiite và Sunni.

Nỗi căm thù của người Ảrập đối với "những kẻ chiếm đóng" Mỹ, cộng với hàng loạt những tính toán sai lầm của các chỉ huy liên quân và các lãnh đạo Mỹ về chiến trường Iraq đã "đổ dầu" vào chảo lửa bất ổn, tạo ra những thất bại khủng khiếp cho người Mỹ. Và thậm chí còn khiến cho lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Harry Reid, phải tuyên bố "thua trận" hồi tháng 4/2007.

Chiến lược "tăng viện" quân Mỹ tới Iraq được thực hiện trong hai năm vừa qua dưới sự giám sát của Tướng David Petraeus đã đảo ngược được tình hình. Tuy nhiên, một số người chỉ trích cuộc chiến, với lý do của riêng họ, vẫn không thừa nhận mọi việc ở Iraq đã được cải thiện.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, vào ngày kỷ niệm 6 năm chiến tranh Iraq, không đề cập đến một thành tích đặc biệt nào mà cuộc đổ máu đã mang lại - cụ thể là thành lập một nền dân chủ đúng chức năng và một đồng minh Ảrập giữa lòng Trung Đông. Thay vào đó, bà tập trung vào phần kết thúc sắp tới của cuộc chiến.

Tại cuộc họp báo trên đồi Capitol, bà Pelosi nói: "Tin tức tốt lành là tân Tổng thống đã yêu cầu chấm dứt cuộc chiến và đưa ra một khung thời gian rút binh lính của chúng ta khỏi Iraq".

Bản thân Tổng thống Obama cũng đã chúc mừng các binh sĩ Mỹ tại Trại Lejeune hôm 27/2, nhấn mạnh họ đã đạt được các mục tiêu chính: Lật đổ chế độ Saddam và cho phép thành lập một chính phủ toàn quyền ở Baghdad.

"Các bạn đã hoàn thành công việc", Tổng thống nhắc lại câu này 2 lần liền.

Tuy nhiên, ông cũng giải thích rằng tại sao "chiến thắng" vẫn còn nằm ngoài tầm với: "Bạo lực sẽ tiếp tục là một phần đời sống ở Iraq. Có quá nhiều câu hỏi chính trị cơ bản về tương lai của Iraq chưa có lời đáp. Có quá nhiều người Iraq tiếp tục phải di dời hoặc sống trong nghèo đói", Obama nói.

Tóm lại, định nghĩa về một "chiến thắng" của người Mỹ ở Iraq là không giống nhau. Tuy nhiên, đối với tất cả mọi người, danh dự và chủ nghĩa anh hùng mà những người lính đã chiến đấu và hy sinh ở Iraq thể hiện đã "rõ như ban ngày".

  • Thanh Hảo (Theo Fox News)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,