Ted Engelmann trở lại Hà Nội vào tháng 3/2009 (Ảnh: MS)
Ted Engelmann kể:
-Trong chuyến đi Iraq, tôi đã phát hiện nhiều binh sĩ đang chiến đấu ở Iraq có cha và ông từng tham chiến ở VN. Một cậu lính trẻ, 21 tuổi, tình cờ cho tôi xem một chiếc bật lửa Zippo mà cha của cậu ta đã sử dụng ở VN. Tôi đã chụp ảnh cậu ấy cùng chiếc bật lửa. Trên chiếc bật lửa có khắc “71-72 Vietnam. You have never lived til you’ve almost died” (Tạm dịch: 71-72 tại Việt Nam. Bạn không biết sống là thế nào cho đến khi cận kề cái chết). Mặt sau khắc tên của một đồng đội. Người cha đã tặng chiếc bật lửa cho cậu con trai vì cậu ấy cũng hút thuốc lá.
Chiếc bật lửa được tìm tấy ở Iraq (Ted Engelmann)
Đó là một mối liên hệ rất đặc biệt. Tôi nhìn thấy thế hệ của tôi ở thế hệ của cậu ta. Nói cách khác, việc này giống như thể là nhìn thấy chính bản thân tôi cách đây 40 năm khi tôi ở VN. Những người lính này chiến đấu giỏi song quan điểm của họ vẫn chỉ là những đứa trẻ mà thôi.
Tôi cảm thấy buồn và lạ lẫm vì họ khiến tôi thấy bản thân mình cách đây 40 năm, làm tôi nghĩ khi đó tôi thật là ngốc.
Được biết ông đã chụp khoảng 400 bức ảnh về cuộc chiến tranh VN. Như vậy chưa đủ để ông viết hồi ký hay sao?
-Tôi tới Iraq vì tôi cần thêm tài liệu. Cuốn hồi ký nói nhiều về những ảnh hưởng của chiến tranh lớn dần không chỉ ở những người tham chiến mà còn cả gia đình và người thân của họ. Nếu tôi viết hay và bạn đọc cuốn sách sắp xuất bản này, bạn sẽ thấy những ảnh hưởng mà bạn hiểu rằng đó là cách bạn cảm nhận hoặc một người nào đó bạn quen đang gánh chịu. Đó là những tình huống rất con người, chứ không phải về văn hóa hoặc chính trị.
Hà Nội 1989 (Ted Engelmann)
Tôi cũng chụp những cuộc diễu hành, những tượng đài ở Mỹ, ở Hàn Quốc và ở Australia sau chiến tranh, điều gì đã xảy ra với những người lính, họ đi đâu, làm gì.
Tháng 5 vừa rồi, tôi tới Pháp và Bỉ với một số sinh viên Canada để tìm hiểu về Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bỗng dưng tôi nhận ra rằng nơi đó khởi đầu của chiến tranh hiện đại. Họ có vũ khí hóa học, có súng máy trên máy bay, thay vì kỵ binh, họ sử dụng xe tăng và xe tải.
Tôi nghĩ tôi đã có những bức ảnh về Chiến tranh thế giới thứ nhất, cha tôi chiến đấu và chụp ảnh về Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên, tôi tham gia Chiến tranh VN và giờ đây nước Mỹ đang tiến hành chiến tranh ở Iraq.
Do vậy, tôi đã nói với quân đội Mỹ rằng tôi đang viết hồi ký và liệu tôi có thể tới và ở với một số lính Mỹ để chụp ảnh về vũ khí cũng như văn hóa Iraq, giống như tôi đã làm ở VN hay không. Họ đã đồng ý. Tháng 11/2008, tôi tới Baghdad. Ở đó, tôi được giao cho một đơn vị chiến đấu, gần sân bay quốc tế Baghdad. Đơn vị này chịu trách nhiệm về an ninh ở tuyến đường nguy hiểm nối sân bay với vùng quốc tế (tức vùng Xanh). Nhiều cuộc tấn công đã xảy ra trên tuyến đường này và nhiều người đã thiệt mạng trong những năm qua.
May mắn là không ai nhắm bắn tôi song tôi đã rất sợ hãi. Trải nghiệm trước đây của tôi là chiến tranh du kích ở VN. Còn đây là chiến tranh đô thị và những tay súng bắn tỉa có thể lẻn vào những tòa nhà cao tầng và nhắm bắn tôi. Có 3-4 vụ đánh bom liều chết cách không xa chỗ tôi ở và chúng tôi nghe thấy tiếng nổ. Một trong những vụ đó là việc xe của một phóng viên nổ tung khi anh ta để xe trên đường và đi đâu đó.
Trở lại Mỹ, tôi vẫn cảm thấy tất cả những sự căng thẳng này. Tôi chợt nhận ra rất nhiều những điều đang xảy ra với các binh sĩ ở Iraq cũng đã xảy ra với tôi.
Hai anh em ở Ngọc Hà, 1989 (trái) và 1999 (Ted Engelmann)
Chuyến trở lại Việt Nam lần này có ý nghĩa gì đối với ông?
-Một trong những người lính ở đơn vị chiến đấu nơi tôi ở đã hy sinh vào ngày 14/2/2009. Cái chết của cậu ta khiến tôi đau đớn trong một thời gian dài. Tôi không muốn cuốn hồi ký kết thúc bằng cái chết của một người lính. Và tôi quyết định trở lại VN để tìm Hòa Bình, một em bé mà cách đây 20 năm tôi đã chụp ảnh và đặt tên tại Viện bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở Hà Nội. Tôi cũng muốn tìm hai anh em một gia đình ở Ngọc Hà.Tôi nghĩ trẻ em là hy vọng. Nếu tôi tìm được Hòa Bình, tôi sẽ cảm thấy tốt hơn và làm cho cuốn sách của tôi khép lại bằng hy vọng.
Hai cuộc chiến mà ông chứng kiến có điểm gì giống và khác nhau, thưa ông?
Chiến tranh Iraq và VN đều dựa trên sự dối trá của các chính trị gia và các chính quyền Mỹ lúc đó. Tổng thống Johnson đã dùng sự kiện vịnh Bắc bộ để gây chiến vào tháng 8/1964. Tất nhiên là chúng ta biết sự kiện vịnh Bắc bộ không xảy ra theo cách đó. Vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq cũng là lời nói dối mà chính quyền Bush đã tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm làm người Mỹ sợ hãi và ủng hộ chính quyền Bush phát động cuộc xâm lược Iraq.
Một bà mẹ và hai cậu con lai ngồi trước khách sạnh Palace, Sài Gòn, tháng 3/1989. Họ chuẩn bị rời VN theo Chương trình ra đi có trật tự (Ted Engelmann).
Đối với người dân trong hai cuộc chiến, họ đều đợi chờ ngày người Mỹ dời đi. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, có một sự kết nối văn hóa chặt hơn. Có khoảng 30.000 trẻ em có bố là lính Mỹ và mẹ là người Việt Nam được sinh ra trong thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 500 cựu binh Mỹ tìm kiếm con của họ. Viêc này không xảy ra ở Iraq.
Cuộc sống của người dân Iraq vẫn diễn ra bình thường ở khía cạnh chẳng hạn như mua bán. Tuy nhiên, ở Baghdad cũng như nhiều thành phố khác, người Shiite và Sunnis đã từng sống cạnh nhau một cách tương đối yên bình trước chiến tranh mặc dù họ có quan điểm khác nhau về tôn giáo. Giờ đây, sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, những người này di chuyển và lập ra các khu vực riêng biệt của người Shiite và Sunnis. Họ nhìn nhau và sợ nhau. Thật khó có thể đưa họ trở về trạng thái trước kia. Đó là một vấn đề.
Vậy còn vấn đề tâm lý của các binh sĩ, ông thấy khía cạnh này thế nào ở hai cuộc chiến?
-Các binh sĩ Mỹ hiện nay phải làm nhiệm vụ nhiều lần ở Iraq, mỗi lần kéo dài tới 15 tháng. Ngay cả khi trở về Mỹ, họ vẫn phải tham gia huấn luyện trong các trại lính. Vài năm trôi qua và nhiều binh sĩ có rất ít thời gian với vợ con và gia đình. Sự căng thẳng về quan hệ gia đình càng trở nên tồi tệ hơn cùng với điều kiện chiến đấu ở Iraq. Do vậy, một vấn đề mà quân đội Mỹ đối mặt hiện nay là tỷ lệ tự tử của lính chiến đấu tại Iraq cao hơn nhiều so với tỷ lệ tự tử trung bình của dân số Mỹ. Nhiều cựu binh cũng tự tử sau các chuyến làm nhiệm vụ ở Iraq.
Nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở VN đã sử dụng ma túy, rượu cồn và một số người bạn của tôi đã tự tử 6-7 năm sau khi trở lại Mỹ. Điều đó có nghĩa là phải mất một thời gian để những trải nghiệm, sự căng thẳng phát triển, tích tụ, và bộc lộ, tới mức họ không thể chịu đựng thêm và tự tử. Sau năm 1975, chúng tôi bắt đầu thấy mọi việc ngày càng trở nên tồi tệ hơn với nhiều cựu binh.
Nếu nhìn lại những kinh nghiệm ở VN, chúng ta sẽ thấy những vấn đề tâm lý này thường là do các cựu binh Mỹ không thể tái hòa nhập vào gia đình và cộng đồng của họ. Họ chẳng có nơi nào khác để đi, không có ai để họ có thể giãi bày và chẳng ai giúp họ giải quyết các vấn đề tâm lý. Họ cảm thấy bị cô lập và tâm trí trĩu nặng vì những việc đã làm trong chiến tranh. Nếu họ không thể loại bỏ những cảm giác đó và chúng ta không tìm cách giúp họ, họ thường tìm tới cái chết.
Trao trả hài cốt lĩnh Mỹ tại Nội Bài, 1999 (Ted Engelmann)
Quan điểm của riêng ông về chiến tranh?
-Tôi sẽ chỉ chiến đấu khi có một ai đó gõ cửa nhà tôi và làm hại tôi và gia đình hay bạn và gia đình bạn. Mọi người nên tìm cách thảo luận mọi việc hơn là đánh nhau. Khi mọi người ra trận, họ, gia đình và bạn bè bị ảnh hưởng theo một cách nào đó, thường là tiêu cực.
Đài tưởng niệm các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở VN, New Mexico tháng 5/1986 (Ted Engelmann)
Khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta cần tìm cách giúp đỡ nhau thoát khỏi cảnh khó khăn. Sự giúp đỡ đó có thể là tiền bạc, là những tình cảm, hoặc những cách nào đó để giúp mọi người tìm kiếm sự kết nối.
Việc tôi đang làm, sử dụng những bức ảnh và những câu chuyện, là một cách nhỏ để giúp một vài người, và cả chính tôi nữa.
Binh sĩ là nạn nhân của các chính trị gia và dân thường lại là nạn nhân của các binh sĩ. Tổng thống Eisenhower trong bài diễn văn từ nhiệm năm 1961 đã nói rằng hãy coi chừng mối quan hệ quân sự và công nghiệp, cách quân đội và ngành công nghiệp hợp tác với nhau để tạo ra một điều kiện mà sẽ khiến những việc có lợi cho họ xảy ra và họ có một chương trình nghị sự. Tôi nghĩ ông đã nói rất đúng mặc dù lúc đó không nhiều người quan tâm tới câu nói trên.
Ngày nay, tôi muốn bổ sung mối quan hệ đó thành quan hệ quân sự, công nghiệp và chính trị. Và chúng ta đã thấy mối quan hệ này hoạt động ra sao ở Mỹ.
- Minh Sơn (thực hiện)