221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1178266
IMF: Năm 2009 kinh tế thế giới tăng trưởng âm
1
Article
null
IMF: Năm 2009 kinh tế thế giới tăng trưởng âm
,

Kinh tế thế giới sẽ suy giảm 0,5-1% trong năm 2009, sự sụt giảm toàn cầu đầu tiên trong vòng 60 năm qua. Đây là dự báo ảm đạm nhất mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra.

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do IMF đưa ra (Ảnh: BBC/IMF)

IMF cho hay, "cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài đã phá vỡ các hoạt động kinh tế toàn cầu, ở mức tồi tệ hơn so với các dự đoán trước đây".

Hai tháng trước, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 0,5%. Tuy nhiên, hiện cơ quan này lại nói rằng, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm và dự báo sản lượng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 3 - 3,5% trong năm 2009 và chỉ tăng trưởng 0 - 0,5% trong năm 2010.

Kinh tế Nhật Bản được dự báo suy giảm mạnh nhất (5,8%), trong khi khu vực đồng Euro thu hẹp 3,2% và Mỹ là 2,6%.

Các quốc gia Đông Á, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, cũng đã bị ảnh hưởng mạnh bởi sự suy giảm thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong ngành công nghệ thông tin. Các thị trường đang phát triển và mới nổi được dự báo tăng trưởng chỉ 1,5 - 2,5% trong năm 2009, dưới mức tăng trưởng dân số ở nhiều nước.

Khả năng này sẽ xảy ra bất chấp các kế hoạch kích thích tài khóa lớn mà các nước G20 thực hiện nhằm hồi phục tăng trưởng kinh tế.

IMF cảnh báo các điều kiện kinh tế có thể tiếp tục xấu đi nếu cuộc khủng hoảng tài chính không được các chính phủ trên thế giới chung sức giải quyết. "Nếu việc thực thi các chính sách toàn diện nhằm ổn định các điều kiện tài chính bị trì hoãn thêm nữa, cuộc suy thoái này sẽ sâu sắc hơn và kéo dài hơn", trích báo cáo.

Theo cơ quan này, việc điều chỉnh lại các dự báo phản ánh "biến động tài chính không giảm bớt, dữ liệu âm, lòng tin suy giảm và tác động hạn chế cho tới nay của chính sách phục hồi hệ thống tài chính".

Vấn đề cấp thiết nhất trong việc phục hồi hệ thống tài chính nằm ở nước Mỹ, nơi chính quyền của Tổng thống Obama vẫn chưa tiết lộ các chi tiết của kế hoạch liên kết khu vực tư nhân và nhà nước để mua 1 nghìn tỷ USD các tài sản độc.

Tại hội nghị các bộ trưởng tài chính nhóm G20 hồi cuối tuần trước, việc phục hồi hoạt động cho vay bằng cách giải quyết những vấn đề tồn tại trong hệ thống tài chính được coi là "ưu tiên then chốt" - một thông điệp sẽ được các lãnh đạo doanh nghiệp G20 nhấn mạnh lại tại hội nghị ở London vào 1/4 tới.

Trong khi đó, IMF cũng cảnh báo về một nguy cơ nghiêm trọng: Các nền kinh tế mới nổi sẽ không thể vay tiền từ bên ngoài vì các ngân hàng cũng như giới đầu tư ở các nước giàu rút tiền của họ. "Nguy cơ là lớn nhất đối với các nền kinh tế mới nổi mà phụ thuộc vào dòng vốn xuyên biên giới để bù đắp cho thâm hụt tài khoản vãng lai".

Thực trạng này khiến cho các quốc gia Trung và Đông Âu chắc chắn "bị ảnh hưởng tồi tệ nhất". Còn các nước Baltics gồm Hungary, Romania và Bulgaria phải "chịu tổn thất lớn nhất".

  • Minh Sơn (theo BBC, AP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,