221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1177990
Vì sao lính Mỹ tại Iraq đào ngũ?
1
Article
null
Vì sao lính Mỹ tại Iraq đào ngũ?
,

Khu vực miền nam nước Đức thơ mộng chắc chắn trái ngược hoàn toàn với khung cảnh chiến sự ở Iraq, nhưng đó chính là nơi mà binh sĩ Andre Shepherd quyết định đến vào tháng 4/2007, khi anh bước ra khỏi căn cứ Mỹ ở Katterbach và đào ngũ. 

Andre Shepherd lắng nghe câu hỏi của các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến phi pháp

Andre Shepherd tin rằng, cuộc chiến ở Iraq là phi pháp. "Với lương tâm trong sáng của mình, tôi không ủng hộ cuộc chiến này nữa", người đàn ông 31 tuổi nói. "Nó cho thấy Saddam Hussein không phải là một mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ và cuộc chiến được phát động đơn giản là để Mỹ tiếp cận được các tài nguyên ở Trung Đông", anh quả quyết.

Sau 2 năm sống lẩn trốn ở Đức, Shepherd quyết định đâm đơn xin tị nạn, dựa vào một điều luật bảo vệ người tị nạn dành cho những binh sĩ có thể bị khởi tố vì đào ngũ nếu đơn vị quân sự liên quan vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo Shepherd, cuộc chiến ở Iraq chính là một sự vi phạm luật pháp quốc tế.

Nếu bị gửi trả lại Mỹ, Shepherd sẽ bị đưa ra trước tòa án binh và nhiều khả năng sẽ phải ngồi tù từ khoảng 6 tháng đến vài năm. "Về mặt lý thuyết, đào ngũ có thể dẫn tới án tử hình", Shepherd nói, mặc dầu binh sĩ Mỹ cuối cùng nhận hình phạt này là vào năm 1945.

"Đào ngũ không phải là một việc dễ dàng, bởi vì tổ quốc sẽ luôn nghĩ rằng bạn là một kẻ phản bội, bất luận lý do là gì, có chính đáng hay không", Shepherd giải thích.

"Tôi không nói tất cả mọi người nhưng có nhiều sự ủng hộ ở Mỹ đối với những gì tôi đã làm. Về gia đình tôi, họ ủng hộ tôi nhưng họ mong tôi hành động khác đi, bởi khả năng tôi không được phép trở về đã gây rất nhiều căng thẳng và tôi xin lỗi bố mẹ mình vì điều đó".

Không ít người ủng hộ

Shepherd chỉ là một trong số 25.000 binh sĩ Mỹ đã bỏ hàng ngũ kể từ khi cuộc chiến Iraq bắt đầu năm 2003. Mặc dầu chỉ 30 người trong số đó hiện sống ở Đức, nhưng nhiều sự kiện cho thấy những binh sĩ đào ngũ nhận được rất nhiều sự ủng hộ trong dân chúng nước này.

Hiện nay, Andre Shepherd đang tích cực chia sẻ những trải nghiệm của bản thân để dân chúng địa phương biết tới nguyện vọng tị nạn của anh.

Rudi Friedrich, thuộc nhóm vận động Các cựu binh Iraq phản đối chiến tranh (IVAW), nói: "Đối với chúng tôi, cuộc chiến này rõ ràng là sai trái và vi phạm nhân quyền. Đó cũng là lý do tại sao bất cứ ai từ chối tham gia vào cuộc chiến và với hậu quả là bị đe dọa bằng các hình phạt và nhà tù, cần được bảo vệ. Đó chính là những gì luật tị nạn ở đây che chở".

Tuy nhiên, ở Berlin, không ít người cảm thấy việc làm của Shepherd sẽ khuyến khích nhiều binh sĩ Mỹ khác đóng ở Đức hành động tương tự. Một số khác cho rằng, việc đồng ý để Shepherd tị nạn sẽ làm cho mối quan hệ với Mỹ thêm căng thẳng.

"Đối với một người lính, đào ngũ rồi nói rằng lương tâm của anh ta không cho phép anh ta phục vụ cuộc chiến không phải là lý do để anh ta được phép tị nạn chính trị", trích lời Wolfgang Bosbach, một chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU).

Nhóm IVAW đang nỗ lực tập hợp sự ủng hộ ở Đức dành cho trường hợp của Andre Shepherd. (Ảnh: Allamericanpatriots.com)

IVAW hiện đang tổ chức một diễn đàn thảo luận để tập hợp sự ủng hộ ở Đức dành cho trường hợp của Shepherd. Mặc chiếc áo phông có in tên của nhóm, Chris Capps-Schubert giải thích rằng anh đào ngũ vì căm phẫn trước cách thức cuộc chiến ở Iraq được phát động.

"Tôi làm việc trong ngành viễn thông và khi tôi phát hiện mình đang lắp cáp cho nhà tù Abu Ghraib, tôi chợt nghĩ: Trời, hóa ra đó là những gì mình làm ở đây", Capps-Schubert nói, ngụ ý về trại giam của Mỹ ở Baghdad, vốn mang nhiều tai tiếng về nạn tra tấn tù nhân Iraq.

Capps-Schubert rời bỏ căn cứ ở Mannheim sau khi trở về từ Iraq và trước khi bị điều động tới Afghanistan. Anh đã tự nộp mình cho tòa án binh vào tháng 5/2007, vì vậy tránh được án tù.

Ngày nay, Capps-Schubert chuyên tư vấn cho các binh sĩ Mỹ cách thức làm thế nào rời khỏi quân đội.

Cũng lắm người coi khinh

Mặc dầu các binh sĩ đào ngũ đang nhận được sự ủng hộ nhất định từ những nhà vận động chống chiến tranh Mỹ, nhưng hành động của Shepherd cũng bị nhiều đồng đội coi khinh.

"Đó chỉ là cách Shepherd tránh né trách nhiệm của mình - không tới Iraq nhưng không ngồi tù vì vi phạm lời thề và đùn đẩy nhiệm vụ cho đồng đội mình", Jonn Lilyea, cựu binh từng tham gia chiến dịch Bão táp Sa mạc, viết trong blog của anh.  

Văn phòng Nhập cư Đức hiện đang xem xét nguyện vọng tị nạn của Shepherd và sẽ đưa ra quyết định trong vòng vài tháng tới. Nếu câu trả lời là "Không", anh chắc chắn sẽ phải ra hầu tòa, một tiến trình có thể kéo dài 5 năm.

Trong khoảng thời gian này, Shepherd được luật pháp cho phép ở lại Đức và không được trở về Mỹ.

Nếu Shepherd bị trả về Mỹ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Anh ta có thể phải ngồi tù và lĩnh trọng tội.

"Bạn sẽ chẳng được quyền bỏ phiếu, không thể nắm giữ chức vụ cao và khó có thể lấy được lòng tin. Bạn sẽ bị làm phiền và phải sống tủi nhục với thân phận là một kẻ thù của đất nước’, Shepherd giải thích. 

  • Thanh Hảo (Theo BBC, France 24)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,