Có vẻ như là một nghịch lý, nhưng quả thực, mặt tích cực đầy bất ngờ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu lại được thể hiện qua chất lượng không khí và nhịp độ giặt giũ quần áo ở nông thôn Trung Quốc.
Dân chúng ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vẫn quen đo lường mức ô nhiễm không khí bằng độ bẩn trên quần áo mặc hàng ngày. Nhiều năm trước, khi thời kỳ bùng nổ kinh tế tạo ra nhu cầu khổng lồ về than đá và sắt thép, ở khu vực này, một chiếc áo trắng chỉ có thể giữ được trong vài giờ. Chưa hết ngày đã có viền đen quanh cổ và tay áo.
|
Trước đây, chỗ nào ở Thái Nguyên cũng bám bồ hóng đen sì như thế này. (Ảnh: Global Post) |
Khi hàng trăm nhà máy trong và xung quanh Thái Nguyên bị đóng cửa để đảm bảo môi trường cho Olympic Bắc Kinh năm ngoái, những chiếc áo sạch đã có thể giữ được trong hai ngày. Giờ đây, sau 6 tháng lâm vào suy thoái kinh tế, nhu cầu về năng lượng và kim loại từ các lò luyện của Trung Quốc giảm đáng kể, những bộ quần áo đẹp đã có thể giữ được trong ba ngày mà không cần giặt.
Triệu Kế Hồng, nhà môi trường học 25 tuổi đang tìm cách khuyến khích các công ty địa phương áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, cho biết: “Gần đây tôi không cần phải ra tiệm giặt là quá nhiều”.
Chất lượng không khí tăng
Nếu có điểm sáng nào trong tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu đối với Trung Quốc thì đó chính là sự cải thiện trong không khí, nước và đất. Guồng sản xuất chậm lại một cách đột ngột trong những tháng gần đây đã góp phần làm giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ở những nơi nổi tiếng ô nhiễm như Thái Nguyên, trung tâm than đá của Trung Quốc, suy thoái kinh tế lại đồng nghĩa với bầu trời trong xanh hơn và không khí trong lành hơn.
Tuy những làn khói nâu xám vẫn lởn vởn trong không khí, mùi khét nồng khó chịu và những dấu vết đen xì của bụi than vẫn còn đầy rẫy xung quanh, nhưng cư dân thành phố này vẫn tin rằng môi trường đã được cải thiện.
"So với trước đây, không khí đã sạch hơn rất nhiều trong vòng 6 tháng qua”, Vương Lôi, một công nhân xưởng thép chống rỉ lớn nhất Thái Nguyên, khẳng định. Trong năm nay, hoạt động sản xuất của xưởng đã giảm nhiều, lương của bộ phận quản lý cũng giảm đi 20%.
Từ nửa năm trước, nhu cầu về năng lượng, bê tông và sắt thép đã bắt đầu giảm mạnh ở tỉnh Sơn Tây, nơi chiếm tới một phần ba trữ lượng than đá của Trung Quốc. Trước đó, khi Olympic tổ chức ở Bắc Kinh, cách Sơn Tây hơn 400km về phía đông, nhiều nhà máy ở tỉnh này bị đóng cửa, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhiều năm liền đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Thế vận hội kết thúc vào tháng 8, khủng hoảng kinh tế lại ập tới, những nhà máy sản xuất than cốc và bê tông không thể tiếp tục hoạt động, trong khi các nhà máy lớn thu hẹp sản xuất vì nhu cầu giảm.
|
Một góc thành phố Thái Nguyên, Trung Quốc. (Ảnh: Corbis) |
Cơ hội cải thiện môi trường
Nhìn ở một góc độ nào đó, suy giảm kinh tế đã nhanh chóng làm được điều mà các nhà môi trường ở Trung Quốc đã không thể thực hiện trong nhiều năm: Đóng cửa những nhà máy thường xuyên coi thường các quy định bảo vệ môi trường, nhân tố chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, nước và đất vô cùng tồi tệ ở những nơi như tỉnh Sơn Tây.
Những nhà máy như thế đã biến Trung Quốc, với nền công nghiệp phụ thuộc nặng nề vào than đá, thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới các loại khí thải gây biến đổi khí hậu
Tuy vậy, theo Vương Văn Bình, cán bộ Phòng thương mại sắt thép Thái Nguyên, những nhà máy nhỏ và kém hiệu quả - cũng là các đơn vị coi thường luật môi trường nhất – bị loại đầu tiên khỏi thị trường khi kinh tế suy giảm. “Chúng ta có thể coi khủng hoảng tài chính như một cơ hội để đóng cửa các nhà máy nhỏ, cạnh tranh kém”, ông Vương nói
Nhưng những diễn biến tích cực ở Thái Nguyên hay các nơi khác chắc chắn không phải là giải pháp dài hạn cho vấn đề ô nhiễm ở Trung Quốc. Chính phủ nước này vừa quyết định chi 586 tỉ USD trong vòng 2 năm để kích cầu và kích thích tăng trưởng kinh tế, vì vậy các nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng có thể trở lại hoạt động bất cứ lúc nào.
Các nhà máy đang mong mỏi hồi phục sẽ dễ dàng lờ đi yêu cầu sử dụng các biện pháp quản lý chất thải như trước đây. Đó là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm thậm chí còn tồi tệ hơn
Trương Kiến Vũ thuộc Cục Bảo vệ Môi trường Bắc Kinh nhận định, triển vọng tương lai không hề chắc chắn. “Mọi thứ trên giấy tờ có vẻ rất tốt, nhưng mấu chốt lại nằm ở các doanh nghiệp”, ông Trương nói
Chính phủ Trung Quốc cam kết kế hoạch kích thích kinh tế sẽ đi kèm với quản lý chặt chẽ ô nhiễm. Nhưng không ai có thể đảm bảo rằng Thái Nguyên hay các thành phố khác sẽ không ô nhiễm trở lại như cách đây một năm.
Triệu Kế Hồng nói về tương lai một cách thực tế hơn: “Các ngành công nghiệp nặng sẽ dần dần rời khỏi thành phố, nhưng sẽ phải mất nhiều thế hệ để thực sự thay đổi được mọi thứ. Hiện ô nhiễm vẫn là vấn đề không thể tránh khỏi ở Thái Nguyên”.