Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố một nghiên cứu trong đó nêu rõ, châu Á được xem là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng toàn cầu.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố một nghiên cứu trong đó nêu rõ, châu Á được xem là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng toàn cầu. Ảnh Reuters.
Nghiên cứu này nêu ra ước tính rằng cuộc khủng hoảng toàn cầu đã quét sạch 50.000 tỉ USD giá trị tài sản ngành tài chính của châu Á trong năm 2008. Trong số này, riêng mức thua lỗ mà các nước đang phát triển phải gánh chịu là 9.600 tỉ USD.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Rajat Nag cho rằng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, năm nay, châu Á sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5%. Đó là một kết quả khá khả quan nếu chỉ nhìn bề ngoài. Nhưng trên thực tế mức tăng trưởng của khu vực này đã giảm mạnh nếu so với tỷ lệ tăng trưởng 6,9% năm 2008 và 9% năm 2007.
Ở nhiều nước châu Á, việc xóa đói giảm nghèo phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế vốn đã bấp bênh, nay lại càng bấp bênh hơn. Mỗi khi khu vực này mất đi 1 điểm tăng trưởng, điều đó có nghĩa là sẽ có thêm 21 triệu người phải sống trong cảnh nghèo đói.
Châu Á hiện có khoảng 620 triệu người sống với mức thu nhập dưới 1 USD/ngày, 700 triệu người chưa được sử dụng nước sạch và 1,9 tỷ người không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh y tế.
Về giải pháp cứu vãn nền kinh tế châu Á, người đứng đầu ADB cho rằng, nếu Mỹ, châu Âu và Anh, có thể chi hàng trăm tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ ngân hàng và phục hồi kinh tế của họ, thì châu Á lại cần phải có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thì mới có thể trụ vững trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
-
Nhật Vy (Theo Reuters, AFP, BBC)