Ở ngoại ô Lusaka, Angelique và Watze Elsinga đã làm nghề trồng hoa hồng xuất khẩu suốt 14 năm qua. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giờ đây đã buộc họ từ bỏ ngành này.
- Thời suy thoái: Chợ ế ẩm, khách chủ yếu đi dạo
- Vì sao nhân tài bỏ Mỹ về quê?
- Nhật lại gánh thêm khủng hoảng tâm thức
Ngành trồng hoa xuất khẩu lao đao bởi suy thoái. (Ảnh: Daylife)
Cuộc sống của hàng trăm công nhân và những người phụ thuộc họ đang hết sức bấp bênh. Giá hoa hồng đột ngột giảm mạnh ở châu Âu do nhu cầu sụt giảm và thừa nguồn cung, việc trồng hoa xuất khẩu đã không hề sinh lợi nhuận.
Và những người dân ở Zambia đã buộc phải bán trang trại bởi không thể lo đủ các khoản vay ngân hàng.
Valentine buồn
"Đó là một ngày ảm đạm", Angelique Elsinga nói khi đi quanh trang trại với 8 nhà kính trồng hoa lớn - nơi cung cấp 40 triệu bông hồng xuất khẩu năm ngoái. "Giá cả rẻ mạt tới mức thà chúng tôi bỏ hoa còn hơn xuất khẩu sang châu Âu".
Họ đã khóa các đường ống dẫn nước tưới ở 7 nhà kính, chỉ trồng hoa cung cấp cho thị trường địa phương và quay sang sản xuất rau xanh.
Giá cả và nhu cầu mua hoa hồng thường ở mức đỉnh điểm vào mỗi ngày Giáng sinh hay Valentine. Nhưng năm nay lại khác hẳn. "Chúng tôi phải ngừng hoạt động trong hai tuần trước Giáng sinh, điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra", Watze Elsinga cho biết.
"Và ngay trước ngày Valentine, nhà cung cấp yêu cầu chúng tôi không gửi hoa thêm nữa, kho hàng của họ đã đầy ắp. Chúng tôi cũng chưa từng chứng kiến sự rớt giá hoa thê thảm tới vậy".
Sụp đổ đột ngột
Mới chỉ sáu tháng trước, công việc của họ dường như vẫn được đảm bảo khi họ ký được hợp đồng cung cấp dài hạn với nhà bán buôn hàng đầu Hà Lan, Blooms.
Nhưng trong tháng 10, công ty này đột nhiên nói với họ rằng, công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng vì nhu cầu tiêu thụ hoa giảm mạnh. "Chúng tôi bất ngờ vì cuộc khủng hoảng này xảy ra quá nhanh", Elsinga nói. "Là người trồng hoa, chúng tôi không thể kiểm soát được giá cả, tỉ giá hối đoái, hay rất nhiều chi phí phụ trội".
Với Elsingas, người từ Hà Lan tới Zambia từ 14 năm trước, trang trại vừa là một tổ chức xã hội vừa là nơi kinh doanh. Họ xây dựng nhà ở cho công nhân, trung tâm sinh hoạt cộng đồng và trường học cho 600 em nhỏ. Họ có gần 200 người làm việc.
Giờ đây, Elsingas sẽ buộc phải sa thải hầu như tất cả, chỉ giữ lại vài người để chuyển sang trồng rau.
Cuộc sống của những người trồng hoa ở Zambia đã trở nên khó khăn hơn do giá hoa sụt giảm mạnh. (Ảnh: Corbis)
Khó khăn chồng chất
Theo Luke Mbewe, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Cây trồng xuất khẩu Zambia (Zega), các nhà xuất khẩu hoa của nước này đang ngày càng gặp khó khăn hơn so với những đối thủ cạnh tranh từ các nước châu Phi khác như Kenya, Tanzania, và Uganda.
Họ phụ thuộc vào một mạng lưới cung cấp an toàn, với các bông hoa tươi được giữ lạnh và không có bệnh, nhanh chóng chuyển từ một trang trại tới thị trường châu Âu trong vòng 48 giờ.
Và ở Zambia, chi phí vận chuyển ngày một tăng. Việc thiếu lịch trình chính xác và cụ thể của các chuyến bay dịch vụ cũng đồng nghĩa với thực tế là nhà xuất khẩu hoa phải thuê máy bay chở hoa tới thị trường. Ngoài ra, nguồn cung cấp điện cũng không ổn định, khi công ty Zesco do nhà nước quản lý đã nhiều lần cắt điện trong suốt năm ngoái.
Giá trị đồng tiền bản địa sụt giảm khiến chi phí phân bón, nhiên liệu và các nguyên liệu đầu vào ở trang trại cũng gia tăng. Theo Mbewe, một số trang trại đã ngừng sản xuất và giờ đây, ông lo ngại đó sẽ là tương lai của ngành công nghiệp này.
Zambia vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Hơn 60% dân số sống dưới mức 2 USD/ngày. Để tăng tính cạnh tranh, các nhà trồng hoa xuất khẩu của Zambia cần nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ và những nguồn lực bên ngoài.
Chưa rõ là các biện pháp toàn cầu đối phó với khủng hoảng, sẽ được đem ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở London tháng 4, có nhanh chóng ảnh hưởng tới ngành trồng hoa xuất khẩu ở quốc gia châu Phi này hay không?
-
Kỳ Thư (Theo BBC)