221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1171264
Hillary Clinton với gánh nặng Trung Đông
1
Article
null
Hillary Clinton với gánh nặng Trung Đông
,

 

Khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bắt đầu cuộc hành trình 36 giờ đồng hồ tới Israel và các vùng lãnh thổ Palestine, bà sẽ cảm thấy sức nặng của một cuộc xung đột vô cùng khó giải quyết đã kéo dài 60 năm đang đè lên vai mình.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thảo luận về tình hình ở Gaza. (Ảnh: AFP)

Trong nhiều thập niên qua, các nhà ngoại giao Mỹ đã đi đầu trong nỗ lực giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, một nhiệm vụ đến nay vẫn còn dang dở.

TIN LIÊN QUAN
 
"Điểm cốt lõi là thời gian", Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh trước khi lên đường tới Israel.

"Chúng ta không thể chấp nhận thêm thất bại và trì hoãn nếu không muốn hối tiếc về kết quả mà những quyết định khác nhau mang lại. Và giờ không phải là lúc buộc tội lẫn nhau. Đây là lúc nhìn về phía trước".

Những lời bình luận trên được Hillary Clinton đưa ra ở khu thắng cảnh Sharm el-Sheikh của Ai Cập, nơi bà là nhân vật thu hút nhiều sự chú ý tại cuộc họp của khoảng 70 quốc gia tài trợ cho Dải Gaza.

Với cuộc chiến ở Gaza hồi tháng 1 vẫn hiển hiện trong tâm trí, bà Hillary bắt đầu lắp ghép từng bộ phận của cái gọi là "Tiến trình Hòa bình Trung Đông". Thậm chí trước khi cuộc chiến nổ ra, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và người Palestine đã mất dần sức sống.

Chính quyền dân tộc Palestine (PNA), được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận, cũng cắt đứt các cuộc hội đàm với Israel, viện dẫn Nhà nước Do Thái không nghiêm túc về hòa bình.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hoan nghênh sự hào phóng của các nhà tài trợ song nhấn mạnh rằng mục tiêu chính vẫn là đối thoại với Israel để đạt tới giải pháp cuối cùng.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đặc phái viên Mỹ về tiến trình hòa bình Trung Đông George Mitchell tại hội nghị quốc tế về viện trợ Gaza ở Ai Cập ngày 2/3. (Ảnh: Reuters)

Ngay từ khi bắt đầu, tân Ngoại trưởng Mỹ phải giải quyết hai vấn đề chính yếu.

Thứ nhất là vấn đề thành lập ở Israel một chính phủ mới sẵn sàng chấp nhận công thức của hội nghị Annapolis (được tổ chức ở Mỹ vào cuối năm 2007).

Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 vừa qua ở Israel, đảng Likud của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu là đảng lớn thứ 2 trong Quốc hội. Tổng thống Shimon Peres đã giao cho ông Netanyahu trọng trách thành lập chính phủ tiếp theo.

Kadima, đảng lớn nhất, do Ngoại trưởng Tzipi Livni đứng đầu, đến nay vẫn từ chối tham gia liên minh do Likud đứng đầu và đang gây sức ép đòi Netanyahu thành lập một chính phủ hẹp của những đảng cánh hữu.

Kadima khăng khăng rằng, chính phủ dưới sự dẫn dắt của ông Netanyahu sẽ xa lánh tiến trình hòa bình và bỏ rơi những tiến bộ đã đạt được kể từ hội nghị Annapolis.

Có tin Netanyahu đã đề nghị trao cho Kadima quyền ngang bằng trong Nội các và trong hoạch định các chính sách cho tân chính phủ. Tuy nhiên, một chính trị gia cấp cao thuộc Kadima, ông Haim Ramon, nói rằng có một điều ông Netanyahu không chấp nhận: "Hai nhà nước của hai nhân dân".

Thực tế, trong tuyên ngôn của mình, một số đối tác trong chính phủ của ông Netanyahu kiên quyết bác bỏ ý tưởng thỏa hiệp lãnh thổ, một nguyên tắc cơ bản của hội nghị Annapolis.

Ngay cả khi Netanyahu tạo ra một chính phủ có thể vượt qua rào cản này và chấp nhận một lập trường ủng hộ đàm phán, Hillary Clinton vẫn sẽ giải bài toán khủng hoảng chính trị ở phía Palestine.

Vấn đề thứ hai là tạo dựng lại lòng tin giữa Israel và người Palestine vốn đã bị chiến dịch kéo dài 22 ngày của quân đội Nhà nước Do Thái làm tan vỡ.

Israel phải chứng tỏ cho "người Palestine thấy nhiều lợi ích trong đàm phán nếu mục tiêu của họ là kiểm soát vận mệnh của chính mình, sinh sống trong hòa bình và chân giá trị trong một nhà nước đứng vững về mặt kinh tế", bà Clinton nói.

"Đối với người Palestine, điều đó có nghĩa là đã đến lúc phải phá vỡ vòng tròn của từ chối và kháng cự, phải cắt đứt những sợi dây do những kẻ lợi dụng nỗi đau khổ của dân chúng nắm giữ, đồng thời chứng minh cho thế giới thấy những gì mà tài năng và kỹ năng của những người đặc biệt có thể tạo dựng và vun đắp".

Hillary Clinton biết rõ rằng, một mình Mỹ khó có thể làm tốt vai trò trung gian cho một thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine.

Thực vậy, nhiều nhà phân tích không tin Bộ Tứ Trung Đông (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu) có đủ khả năng thuyết phục người Israel và người Palestine gạt bỏ sang một bên những hận thù quá khứ và tiến bước trên một con đường mới.

Tuy nhiên, để lắng nghe cả hai bên nói gì, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải thể hiện cho cả Israel và PNA hiểu rằng, bà là người thực sự tin cậy và sẽ để lại dấu ấn riêng trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

  • Thanh Hảo (Theo THX)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,