Tòa án Tối cao Pakistan hôm 24/2 đã cấm lãnh đạo phe đối lập là Nawaz Sharif và anh trai ông giữ các chức vụ do dân bầu. Phán quyết đã đẩy Pakistan tới bờ vực khủng hoảng chính trị khi đất nước Nam Á này đang chống chọi với các chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Cựu Thủ tướng Sharif (trái) và anh trai. (Ảnh: AP)
Quyết định của Tòa án Tối cao có khả năng khiến cho sự chia rẽ giữa ông Sharif, chính trị gia được ủng hộ nhiều nhất ở Pakistan và chính phủ thân phương Tây của Tổng thống Asif Ali Zardari ngày càng thêm sâu sắc.
"Ông Zardari đã nhúng tay vào việc loại bỏ ông Sharif và quyết định hôm nay cũng là theo những ý nguyện của ông ta", luật sư Akram Sheikh của cựu Thủ tướng Sharif phát biểu trước báo giới sau khi Tòa án ra phán quyết.
Sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của ông Sharif chưa đe dọa trực tiếp tới Chính phủ liên minh một năm tuổi của Tổng thống Zardari. Tuy nhiên, phán quyết hôm 25/2 có thể dẫn tới một cuộc đấu tranh quyền lực gây mất ổn định tại Punjab - tỉnh đông dân nhất và giàu có nhất ở Pakistan.
Ông Sharif đã tuyên bố ủng hộ một cuộc tuần hành lớn do các luật sư tổ chức vào tháng tới. Những cuộc biểu tình của các luật sư trong hai năm qua đã góp phần hạ bệ cựu Tổng thống Pervez Musharraf.
Anh trai của Nawaz Sharif là Shahbaz Sharif hiện giữ chức Tỉnh trưởng Punjab. Phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ buộc ông Shahbaz Sharif từ chức tỉnh trưởng.
Tháng 6/2008, Tòa án cấp cao ở thành phố Lahore đã giữ nguyên một phán quyết trước đó. Phán quyết cấm ông Nawaz Sharif tranh cử trong cuộc bầu cử phụ vào Quốc hội. Tòa án nói rằng, ông không đủ tư cách tranh cử do bị kết án liên quan tới vụ cướp một chiếc máy bay năm 1999.
Lúc đó, chiếc máy bay đang chở Tư lệnh quân đội là Tướng Musharraf. Sự việc đã dẫn tới việc ông Musharraf lật đổ ông Sharif trong một cuộc đảo chính và trở thành Tổng thống. Ông Musharraf từ chức năm ngoái.
Đảng PML-N và đảng cầm quyền PPP là hai đảng lớn nhất Pakistan sau cuộc tổng tuyển cử 2008, đè bẹp các đồng minh của ông Musharraf. Hai đảng này đã thành lập một liên minh lỏng lẻo và đã buộc ông Musharraf từ chức. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Sharif bất đồng với lãnh đạo Zardari của PPP về việc phục chức cho các thẩm phán bị Musharraf sa thải.
-
Minh Sơn (theo BBC, AP)