Quân đội Mỹ đang chuyển các thiết bị chiến trường qua Jordan và Kuwait trong cuộc thử nghiệm những tuyến đường rút lui trước khi thực sự rời khỏi Iraq, giới chức quân sự cho hay.
Các đoàn xe, chở xe bọc sắt, vũ khí và nhiều thiết bị khác, đánh dấu bước đầu tiên của Lầu Năm Góc trong việc đương đầu với công tác hậu cần phức tạp là di chuyển những kho vũ khí khổng lồ ở Iraq trong vòng 6 năm tới.
Các đoàn xe được trực thăng hộ tống của Mỹ (Ảnh AP) |
"Bởi vì Lầu Năm Góc đang bắt đầu xem xét cắt giảm lực lượng nên họ tìm cách đưa nhiều thiết bị ra khỏi Iraq", Terry Moores, phó trợ lý tham mưu trưởng phụ trách hậu cần cho quân đoàn lính thuỷ đánh bộ thuộc Bộ chỉ huy trung tâm hôm 21/2 cho hay. "Chúng tôi bắt đầu từ từ nhưng đã đẩy nhanh tốc độ trong vài tháng gần đây".
Hiệp ước an ninh Iraq-Mỹ, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2009, kêu gọi Mỹ rút khỏi các thành phố của Iraq trước ngày 30/6 và hoàn toàn rời khỏi Iraq vào năm 2012. Lịch trình này có thể được đẩy nhanh nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama giữ cam kết khi tranh cử, đó là, đưa quân khỏi Iraq trong vòng 16 tháng kể từ khi nhậm chức.
Khi chứng thực trước Hạ viện Mỹ hồi đầu tháng này, cơ quan chịu trách nhiệm giải trình chính phủ (GAO) tuyên bố, Lầu Năm Góc cần tái xác định chiến lược rút lui và GAO không quan tâm đến hạn chót của hiệp ước an ninh hay dự định đẩy nhanh lịch trình rút quân của Obama. Trở ngại lớn nhất được đặt ra với Mỹ là làm thế nào chuyển hàng chục nghìn nhân sự và hàng triệu tấn thiết bị khỏi Iraq, giám đốc điều hành GAO nói.
Trước đây, Mỹ đã đưa hầu hết các thiết bị phục vụ chiến tranh qua ngả Kuwait, một trong những địa điểm chính để dàn quân cho cuộc chiến năm 2003. Hiện, Mỹ đang duy trì 140.000 lính tại Iraq.
"Sức chứa của các căn cứ ở Kuwait và những nước láng giềng có thể hạn chế tốc độ đưa thiết bị và vật liệu khỏi Iraq", báo cáo của GAO cho biết. Cơ quan độc lập này đề xuất hàng loạt lộ trình rút lui qua ngả Jordan, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỹ, những nơi Mỹ đã xây cầu vượt cho xe tăng hạng nặng trên những đoạn nối giữa biên giới Iraq và cảng Địa Trung Hải là Iskenderun và Mersin.
Đô đốc Mike Mullen, chủ tịch tham mưu trưởng liên quân từng nói Lầu Năm Góc đã kiểm tra các đường rút quân đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Hai quốc gia này đều là đồng minh của Mỹ và đều ủng hộ kế hoạch rút quân của Mỹ, đô đốc Mullen nói.
Lực lượng lính thuỷ đánh bộ đã chuyển 17 chuyến hàng xe cộ và vũ khí, tổng số 20.000 mục, qua cảng Aqaba của Jordan và dùng các nhà thầu để chuyển những thiết bị này lên tàu chở hàng thương mại hoặc tàu của hải quân Mỹ, ông Mullens nói khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ căn cứ của hạm đội số 5.
Cùng lúc, lục quân cũng chuyển hàng trăm xe bọc sắt và các phương tiện không bọc sắt qua ngả Kuwait, đại tá lục quân Ed Dorman, người làm trong bộ phận hậu cần và cung cấp cho các quân đoàn đa quốc gia tại Iraq nói. "Chúng tôi đã giảm bớt những gì có trong tay", quan chức trên tiết lộ và bổ sung thêm rằng những thiết bị trên đã được đưa về những căn cứ ở Kuwait hoặc Mỹ.
-
Hoài Linh (Theo AP)