Trong chuyến công du Hàn Quốc lần đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton dường như đã làm tốt điều bà cam kết, đó là lắng nghe những gì Hàn Quốc nói.
Lập trường mà Hillary thể hiện tại Seoul về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và một số việc hóc búa liên quan tới liên minh rất thu hút được sự quan tâm, vì nó được coi như phép thử về quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc dưới thời chính quyền Barack Obama.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: AFP) |
Phát biểu sau cuộc họp kéo dài một giờ với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan sáng 20/2, Hillary tuyên bố ủng hộ lập trường của Hàn Quốc về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, về mối đe dọa tên lửa cũng như sự bế tắc trong quan hệ liên Triều.
Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ tránh đề cập tới chương trình nghị sự song phương, vốn đòi hỏi sự khéo léo khi giải quyết, gồm trì hoãn phê chuẩn thoả thuận tự do thương mại và vai trò quân sự mà Hàn Quốc nên giữ tại Afghanistan.
Hillary đã khẳng định rõ "bạn thù" của Washington trên bán đảo Triều Tiên. "Những thành tựu về dân chủ, phồn vinh mà Hàn Quốc đạt được đối lập với cảnh bần cùng ở phía bắc", Ngoại trưởng Mỹ phát biểu trong một cuộc họp báo có sự hiện diện của người đồng nhiệm Hàn Quốc.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói, CHDCND Triều Tiên sẽ không có được một mối quan hệ khác với Mỹ nếu tiếp tục từ chối đối thoại với Hàn Quốc. Theo hãng thông tấn Yonhap, những nhận xét này giúp Chính phủ bảo thủ Hàn Quốc yên lòng trước những lo ngại Bình Nhưỡng có thể "chỉ hội đàm với Mỹ".
Theo truyền thông Hàn Quốc, căng thẳng giữa hai miền gần đây đã dâng cao, sau việc CHDCND Triều Tiên cảnh báo xung đột vũ trang với Hàn Quốc và những thông tin cho rằng, Bình Nhưỡng chuẩn bị thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Trong cuộc họp báo hôm nay, Hillary gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng, nước này nên ngừng đưa ra những lời đe dọa. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi các cuộc hội đàm trực tiếp với CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ hội đàm 6 bên, gồm cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Nga.
Về những vấn đề song phương nhạy cảm với Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ hầu như không đụng tới. Khi được hỏi, liệu bà có muốn Hàn Quốc gửi quân tới Afghanistan hay không, Hillary tuyên bố, hai phía sẽ tiếp tục trao đổi.
Ngoài ra, trong khi Ngoại trưởng Hàn có những giải thích dài dòng về việc cần sớm phê chuẩn hiệp định tự do thương mại giữa Hàn Quốc và Mỹ, thì Hillary đưa ra tuyên bố rất ngắn gọn rằng sẽ tập trung vào vấn đề này nhưng từ chối đi sâu vào thảo luận.
Khi ở thăm Hàn Quốc, Hillary đã bổ nhiệm Stephen Bosworth, một nhà cựu ngoại giao, làm phái viên chịu trách nhiệm giám sát chính sách của Washington với Bình Nhưỡng. Vai trò cấp cao này được đưa ra nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng về giải trừ vũ khí.
-
Hoài Linh (Theo Yonhap, AP)