Sự bùng nổ của thực phẩm nhiễm độc như bê bối sữa bột có hoá chất melamine tại Trung Quốc sẽ còn tái diễn và các nhà quản lý sẽ khó để ngăn chặn nó, các chuyên gia Mỹ về an toàn cảnh báo.
Các em nhỏ TQ nhập viện vì uống sữa nhiễm melamine. (Ảnh: AFP) |
Tại sao lại khó? Đó là vì có rất nhiều cách khác nhau để một sản phẩm có độc tố lọt vào dây chuyền thực phẩm, trong khi chỉ có rất ít thanh tra để ngăn chặn các vụ nhiễm độc vô tình hoặc cố ý.
"Tôi thức cả đêm, lo lắng về điều gì sẽ diễn ra tiếp theo melamine", Steve Solomon, Phó Giám đốc hoạt động vùng của Cục Dược thực phẩm Mỹ nói.
Giả mạo cũng là một vấn đề lớn trong ngành thực phẩm toàn cầu với mức độ gian lận ước tính vào khoảng 50 tỷ USD/năm, John Spink thuộc Trung tâm chính sách an toàn thực phẩm của trường Đại học bang Michigan cho biết. Con số đó chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng số lượng giao dịch ước tính của hàng giả và nó có khả năng tăng thêm do giá lương thực tăng.
Bên cạnh một số kiểu buôn bán hàng giả không hoặc ít đe doạ đối với sức khoẻ - kiểu dán nhãn thực phẩm sai hoặc gán cho một loại cá rẻ tiền tên loại đắt tiền hơn, thì cũng có những vụ gây chết người. Theo ông Spink, về trường hợp sữa bột nhiễm melamine, do phần bổ sung protein bị pha loãng nên nhiều trẻ nhỏ đã chết vì suy dinh dưỡng, dù bụng các em chứa đầy sữa.
Một ví dụ khác về làm giả gây chết người là loại dầu kém phẩm chất nhiễm vào ngũ cốc và khi gia súc ăn loại ngũ cốc này nó sẽ truyền hoá chất vào người tiêu dùng. "Mục tiêu của những kẻ xấu là kiếm nhiều tiền hơn", ông Spink phát biểu tại một họp của Hiệp hội Mỹ vì sự phát triển của khoa học".
Chuyên gia trên cũng nhận xét, trong khi tại một số nước như Trung Quốc cần có hệ thống thanh tra và quy định chặt chẽ hơn, thì vụ lạc nhiễm độc gần đây có dính dáng tới một công ty Mỹ cho thấy, dù có một hệ thống kiểm soát tốt nhất thì không phải mọi tội phạm đều bị tóm. "Giám sát toàn bộ việc sản xuất thực phẩm là không thực tế. Vấn đề và giải pháp đều về lợi nhuận".
Ngoài những vụ cố ý, các vụ gây nhiễm độc do cẩu thả hầu như không thể ngăn chặn được ngay cả ở những công ty có trách nhiệm nhất, Josehph Scimeca, Giám đốc các vấn đề quy định toàn cầu của Tập đoàn thực phẩm khổng lồ Cargill cảnh báo. "Tai nạn sẽ xảy ra".
Thêm vào đó, cây trồng biến đổi gen sử dụng trong ngành dược phẩm và công nghệ cũng đe doạ làm bẩn nguồn cung cấp lương thực với những chất không được phép.
Theo ông Scimeca, trong khi khả năng phát hiện chất độc trong đồ ăn thức uống ngày càng tăng thì an toàn thực phẩm vẫn phải dựa vào một hệ thống ngăn ngừa, vốn được đưa ra để ngăn những chất nguy hiểm khỏi lương thực thay vì thử nghiệm.
Mỗi năm, có gần 10 triệu thùng thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ, chiếm 15% lượng thực phẩm cung cấp cho quốc gia này. Trong số này, chỉ có 1% được kiểm tra và 0,3% mẫu thực phẩm được thử nghiệm.
"Chúng tôi không thể kiểm tra mọi thứ", ông Solomon thuộc Cục Dược thực phẩm Mỹ cho hay. "Chúng tôi chỉ tập trung vào những thứ có nguy cơ cao".
-
Hoài Linh (Theo AFP, The Australian)