221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1160190
Bầu cử Israel đập tan hy vọng hoà bình Trung Đông
1
Article
null
Bầu cử Israel đập tan hy vọng hoà bình Trung Đông
,

Cuộc tổng tuyển cử 10/2 tại Israel đã kết thúc. Tuy nhiên, việc không đảng nào giành được đa số ghế tại Quốc hội đã mở ra một thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài cũng như đập tan hy vọng tái khởi động tiến trình hoà bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Sau bầu cử, hai ứng viên Thủ tướng hàng đầu - lãnh đạo đảng Kadima trung dung Tzipi Livni và Chủ tịch đảng Likud theo đường lối cứng rắn Benjamin Netanyahu - đều tuyên bố chiến thắng.

Đảng Kadima chỉ giành được 28 ghế trong khi đảng Likud giành được 27 ghế, do vậy cả hai đều không giành được đủ đa số ghế trong Quốc hội 120 thành viên.

Bất ổn chính trị kéo dài

Bà Livni (trái) và ông Netanyahu. (Ảnh: AP)
Đây có lẽ là hậu quả tồi tệ nhất đối với Israel, báo hiệu sự bất ổn chính trị phía trước, cũng như là rào cản đối với mọi nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán hoà bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Do không có đảng nào giành được đa số ghế, nên bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế thủ tướng ở Israel chắc chắn sẽ bị các đối tác trong liên minh cầm quyền kéo theo những hướng khác nhau. Việc này đã xảy ra trong quá khứ, khi các đảng nhỏ hơn buộc chính phủ liên minh phải chạy theo các chương trình nghị sự hẹp hòi của họ.

Là đảng lớn nhất, Kadima sẽ tìm cách tiếp cận Tổng thống Shimon Peres vào tuần tới để xin phép thành lập chính phủ thống nhất dân tộc, với thành phần là các đảng lớn. Đây là một lựa chọn có logic. Tuy nhiên, bà Livni lại thiếu sự ủng hộ của các đảng còn lại. Vấn đề mấu chốt là bà phải thuyết phục được ông Netanyahu gia nhập liên minh.

Thực chất Kadima và Likud có nhiều chính sách và tư tưởng tương đồng. Và theo lý thuyết, việc kết hợp sức mạnh giữa họ có thể dẫn tới một chính phủ trung hữu vững chắc. Tuy nhiên, sự đối kháng giữa ông Netanyahu và bà Livni khiến liên minh giữa Likud và Kadima khó thành. Chẳng hạn ông Netanyahu đã từ chối tranh luận công khai với bà Livni và cả hai đối thủ này đã mở các cuộc tấn công bôi nhọ lẫn nhau.

Cựu Thủ tướng Netanyahu quả quyết rằng, ông nên là Thủ tướng kế tiếp của Israel, chứ không phải bà Livni. Có lẽ ông đúng. Theo các nhà phân tích chính trị, lãnh đạo đảng Likud này có cơ hội tốt hơn trong việc thành lập một liên minh với các đảng tôn giáo nhỏ. Yisrael Beitenu, đảng Dân tộc chống Ảrập, cũng gây ngạc nhiên trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua khi giành được 15 ghế, hơn hẳn 13 ghế của Công đảng.

Do Kadima và Likud đều không giành được đa số trong Quốc hội, lãnh đạo gây tranh cãi của Yisrael Beitenu là Avigdor Lieberman, đang nổi lên với tư cách là nhà trung gian quyền lực then chốt. Phát biểu trước những người ủng hộ đảng này ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, ông Lieberman tuyên bố nghiêng về phía Netanyahu. "Chúng tôi muốn một chính phủ cánh hữu", ông nói thẳng.

Ông Lieberman cũng chỉ trích, chính phủ liên minh do đảng Kadima đứng đầu hiện nay đã tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn với nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas. Các cuộc đàm phán này do Ai Cập làm trung gian.

"Chúng tôi sẽ không đàm phán gián tiếp hoặc trực tiếp với Hamas, cũng như không có thoả thuận ngừng bắn nào", ông tuyên bố. Ông cho biết sẽ gia nhập bất kỳ chính phủ nào miễn là mục tiêu của chính quyền đó là "đánh bại Hamas".

Các nhà bình luận chính trị nói rằng, cử tri Israel đã bỏ phiếu cho cánh hữu do bất mãn về thất bại trong các cuộc hoà đàm với người Palestine và cuộc chiến Gaza kết thúc quá sớm mà không đè bẹp được Hamas hoặc chấm dứt các vụ nã rocket của họ vào miền Nam Israel.

Tan vỡ hy vọng của Obama

Lựa chọn trên của cử tri là một đòn giáng vào những hy vọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Obama hy vọng rằng, chính phủ mới của Israel có thể sẵn sàng đàm phán hoà bình với Palestine và nhiều nước láng giềng Ảrập.

TIN LIÊN QUAN
Chưa hết, Netanyahu và Lieberman đang thúc đẩy chính sách mở rộng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây - hành động mà Palestine nói là trở ngại chính đối với tiến trình hoà bình Trung Đông.

Hai chính trị gia này cũng rất kiên định về việc Israel tiếp tục kiểm soát cao nguyên Golan mà Israel đã chiếm của Syria trong cuộc chiến tranh 1967.

Netanyahu và Lieberman cũng nói rằng quân đội Israel nên trở lại Gaza và loại bỏ Hamas. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Netanyahu nói: "Sẽ không có cách nào ngoài việc lật đổ chế độ Hamas - một tổ chức khủng bố muốn huỷ diệt chúng ta. Cuối cùng, Israel không thể dung thứ cho một căn cứ của Iran nằm ngay cạnh các thành phố của nước này".

Nỗ lực của bà Livni trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Israel trong vòng vài thập kỷ qua ngày càng vô vọng. Bị Netanyahu khước từ, bà sẽ quay sang cánh tả, trong đó có Công đảng và các đảng nhỏ hơn khác.

Tuy nhiên, nữ chính trị gia này, hiện là Ngoại trưởng Israel, sẽ chỉ tập hợp đủ 61 ghế nếu bà thuyết phục được Lieberman liên kết. Trở ngại là nếu bà thành công với Lieberman, Công đảng và các đảng cánh tả khác sẽ từ chối tham gia liên minh.

Các đảng Ảrập, chiếm tổng số 11 ghế, chắc cũng sẽ không gia nhập liên minh do bà Livni đứng đầu do vẫn còn tức giận về cuộc chiến Gaza. Đông đảo người Ảrập ở Israel đã đi bỏ phiếu, sau khi Lieberman tuyên bố, mọi người Ảrập ở nước này phải thề trung thành nếu không sẽ mất quyền công dân Israel.

Dù Tổng thống Peres chọn chính trị gia nào để thành lập chính phủ mới đi nữa, thì người đó cũng sẽ có 42 ngày để thành lập liên minh.

Chắc chắn là, các cuộc mặc cả sẽ kéo dài trong nhiều tuần và Thủ tướng Olmert sẽ vẫn nắm quyền cho tới khi chính phủ mới tuyên thệ. Trước khi bỏ phiếu, người Israel nói rằng, họ muốn một lãnh đạo mạnh mẽ. Tuy nhiên, cái họ có sau cuộc bầu cử này lại là một thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài.

  • Minh Sơn (theo Time)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,