Tối 9/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện cuộc họp báo vào giờ vàng đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ngoài chủ đề chính là cuộc khủng hoảng tài chính, người đứng đầu nước Mỹ cũng trả lời những câu hỏi liên quan tới chính sách ngoại giao.
VietNamNet xin giới thiệu toàn bộ nội dung cuộc họp báo này.
"Chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái", Barack Obama phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: AP) |
"Cứu hoặc tạo ra 4 triệu việc làm"
Phóng viên Jennifer Loven, Hãng tin AP: Xin cảm ơn Tổng thống, lúc sáng nay ở Indiana, ông đã nói điều gì đó rất gây chú ý. Ông nói, đất nước này có thể chết chìm trong một cuộc khủng hoảng nếu không có hành động nào được thực hiện và chúng ta không thể đảo ngược được điều này.
Tổng thống có thể cho biết, điều gì mà ông biết hay nghe được đã khiến ông cho rằng tình trạng suy thoái ở Mỹ có thể kéo dài khi những cuộc khủng hoảng khác trong lịch sử lại không phải như vậy?
Và liệu Tổng thống có nghĩ rằng, ông có nguy cơ mất đi sự tín nhiệm hoặc khiến vấn đề kinh tế trầm trọng hơn khi dùng thứ ngôn ngữ ’kinh khủng’ như vậy không?
Tổng thống Mỹ Barack Obama: Không, không, không... Tôi cho rằng những gì tôi nói cũng là điều mà các nhà kinh tế học khác từng nói trên khắp các diễn đàn chính trị. Đó là, nếu bạn trì hoãn những hành động cần thiết khi kinh tế đang trong cảnh ngặt nghèo thì bạn có nguy cơ tạo ra một vòng xoáy tiêu cực và chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để thoát ra khỏi đó.
Chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra ở Nhật Bản hồi những năm 1990. Khi đó, họ hành động không đủ nhanh và táo bạo, nên kết quả là nước Nhật phải hứng chịu cái gọi là một thập niên bị đánh mất - trong suốt thập niên 1990, Nhật không có được sự tăng trưởng kinh tế đáng kể nào.
Vì vậy, thứ mà tôi đang cố gắng nhấn mạnh là những gì mà người dân ở Elkhart, Indiana đã hiểu. Đó là, tình trạng suy thoái hiện nay không phải là thông thường. Chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái.
Chúng ta đã mất đi 3,6 triệu việc làm nhưng có lẽ điều gây lo lắng nhất là hầu hết một nửa số việc làm bị mất lại rơi vào 3 tháng trước. Điều này có nghĩa rằng, các vấn đề trở nên xấu đi chứ không phải tốt hơn lên.
Hiện giờ, những gì tôi nói ở Elkhart sáng nay thì cũng chính là điều tôi lặp lại vào tối nay. Đó là, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải có một số động thái quan trọng và có ý nghĩa.
Bước đầu, chúng ta phải thành công trong việc phục hồi kinh tế và tái đầu tư. Và chúng ta phải đạt được tiến bộ. Một cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tối nay đã đưa tiến trình này lên Thượng viện và Hạ viện cũng đã thông qua một đạo luật. Tôi hy vọng trong vòng vài ngày tới Hạ viện và Thượng viện sẽ xóa nhoà các bất đồng và dự luật sẽ xuất hiện trên bàn làm việc của tôi.
Đã có những chỉ trích từ nhiều phía về dự luật này vì vậy xin cho phép tôi giải thích vài thắc mắc trong số đó.
Một số phê phán gắn với những ý tưởng cơ bản rằng, chính phủ nên can thiệp toàn diện vào mọi thời điểm của cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, lại có một số người, rất chân thật thản nhiên nghĩ rằng, chính phủ không cần phải can thiệp vào thị trường. Và thực tế có vài người từng cho rằng, Tổng thống Roosevelt đã sai khi can thiệp trở lại vào Thỏa thuận mới. Họ đang tham gia cuộc chiến mà tôi cho rằng đã được giải quyết từ khá lâu rồi.
Hầu hết các nhà kinh tế đều nhất trí thừa nhận, dù bạn bình thản hay âu lo về việc chính phủ can thiệp vào nền kinh tế khi bạn gặp một vấn đề kiểu như những gì mà chúng ta đang có - thứ bắt đầu ở Phố Wall, rồi chuyển sang phố chính, đột nhiên các doanh nghiệp không được cho nợ, người đầu tư rút lại tiền, công nhân bị sa thải và bắt đầu hạn chế chi tiêu - thì khi bạn ở trong tình huống đó, chính phủ là một nhân tố quan trọng để đưa ra một số nhu cầu bổ sung vào nền kinh tế.
Chúng ta có thể mất đi các nhu cầu trị giá 1 nghìn tỷ USD trong năm nay và thêm một nghìn tỷ USD trong năm tới. Điều này có nghĩa là nền kinh tế có một lỗ hổng.
Đó là lý do tại sao con số mà chúng tôi gợi ý ban đầu là xấp xỉ 800 tỷ USD lại được nêu ra. Đó không phải là vài con số ngẫu nhiên tôi chọn, mà nó là ý kiến của các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ, những nhà kinh tế bảo thủ và tự do mà tôi từng trao đổi. Họ nói tới quy mô của cuộc khủng hoảng và sự thật là nó đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng với chúng ta là phải có một dự luật đủ tầm cỡ để có thể cứu hoặc tạo ra 4 triệu việc làm.
Nó cũng có nghĩa là bạn sẽ bị mất một số việc làm nhưng cuối cùng chúng ta có thể dần khởi động xu hướng này và khiến nó đi đúng hướng.
Hiện giờ, gói khôi phục và tái đầu tư không phải là thứ duy nhất mà chúng ta phải thực thi. Nó chỉ là một chân của chiếc ghế. Chúng ta sẽ phải đảm bảo thu hút được vốn cá nhân, khiến thị trường tín dụng tiếp tục luân chuyển vì đó là nhựa sống của nền kinh tế.
Và vì vậy, ngày mai (10/2) Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner sẽ công bố một số kế hoạch cụ thể và rõ ràng về việc chúng ta phải làm thế nào để bắt đầu nới lỏng tín dụng một lần nữa. Điều đó nghĩa là sẽ có sự minh bạch và giám sát trong hệ thống. Như vậy, chúng ta sẽ sửa chữa một số sai lầm đã mắc phải với TARP (Chương trình giảm nhẹ những rắc rối về tài sản) - thiếu nhất quán, thiếu rõ ràng - về mặt sẽ xúc tiến chương trình này như thế nào.
Nó có nghĩa là chúng ta tập trung vào vấn đề nhà cửa và cách chúng ta sẽ giúp các chủ sở hữu nhà từng bị tịch biên tài sản hoặc chủ sở hữu nhà đang trả nợ.
Vì vậy, sẽ có một loạt phương pháp mà chúng ta có thể thực thi để giải quyết vấn đề kinh tế. Điểm cốt yếu mà tôi muốn đảm bảo rằng, chúng ta sẽ cứu hoặc tạo ra 4 triệu việc làm, đảm bảo hệ thống tài chính sẽ tái hoạt động và các chủ sở hữu nhà sẽ được trợ giúp.
Tôi sẽ vui mừng khi nhận được những ý kiến tuyệt vời từ các diễn đàn chính trị, từ những đảng viên Dân chủ và Cộng hoà. Cái mà tôi sẽ không làm là quay lại với học thuyết đã thất bại của 8 năm về trước, thứ đang đẩy chúng ta vào cảnh phải sửa chữa vì những học thuyết đó đã được thử nghiệm và thất bại.
"Mỹ cần tận dụng mọi nguồn lực, bao gồm cả vấn đề ngoại giao, để tiếp cận với Iran". (Ảnh: Corbis) |
"Đối thoại trực tiếp với Iran"
Phóng viên Karen, Hãng tin Reuters: Cảm ơn Tổng thống, tôi muốn hướng sang chính sách đối ngoại. Chiến lược của ông là gì khi đối phó với Iran? Và liệu khi nào ông sẽ bắt đầu thực thi nó? Liệu lịch trình của ông có bị ảnh hưởng bởi các cuộc bầu cử của Iran? Ông có nhận được dấu hiệu nào cho thấy Iran quan tâm đến việc đối thoại với nước Mỹ hay không?
Tổng thống Mỹ Barack Obama: Tôi từng nói khi tranh cử rằng, Iran là một quốc gia có những người đặc biệt. Đó là đất nước có lịch sử và truyền thống đặc biệt, nhưng những hành động của họ trong vài năm qua và cho tới giờ đã không giúp ích gì cho việc thúc đẩy hoà bình và thịnh vượng cả ở khu vực lẫn trên thế giới.
Các cuộc tấn công của họ, việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố như Hezbollah và Hamas, thứ ngôn ngữ hiếu chiến mà họ sử dụng đối với Israel, việc phát triển vũ khí hạt nhân hoặc theo đuổi vũ khí hạt nhân của họ - tất cả những thứ đó tạo nên nguy cơ bất ổn ở khu vực và nó không chỉ đối lập với lợi ích của chúng ta mà còn đi ngược lại lợi ích của hoà bình quốc tế.
Những gì tôi đã nói là chúng ta nên tận dụng mọi nguồn lực của Mỹ bao gồm cả vấn đề ngoại giao, để tiếp cận với Iran. Nhóm đặc trách an ninh quốc gia của tôi hiện đang xem xét những chính sách hiện có với Iran, tìm kiếm những lĩnh vực mà chúng ta có thể đối thoại một cách xây dựng, những điểm mà Mỹ có thể bàn bạc trực tiếp với họ.
Tôi kỳ vọng là trong những tháng tới đây, chúng ta sẽ tìm kiếm những sự khởi đầu để Mỹ có thể ngồi đối diện với Iran qua một chiếc bàn, thương lượng về ngoại giao và cho phép chúng ta đưa chính sách theo một hướng đi mới.
Đã có quá nhiều sự hồ nghi chất chồng trong những năm vừa qua. Do vậy, thay đổi không thể xảy ra chỉ trong một đêm.
Khi chúng ta tiến hành ngoại giao trực tiếp với Iran, điều quan trọng là Iran phải hiểu rằng Mỹ coi việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố là không thể chấp nhận được và chúng ta phải nói rõ là nếu Iran được vũ trang hạt nhân thì nó có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong vùng. Và điều đó sẽ dẫn đến tình trạng mất ổn định sâu rộng trong khu vực.
Do đó, sẽ có một loạt mục tiêu mà chúng ta cần theo đuổi trong những cuộc đối thoại như vậy. Tuy nhiên, theo tôi, sẽ có ít nhất một mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau và tiến bộ.
Tôi cho rằng, nếu bạn nhìn vào cách chúng tôi tiếp cận vấn đề Trung Đông, việc tôi bổ nhiệm ông George Mitchell làm đặc phái viên ở khu vực để giúp giải quyết vấn đề Ảrập và Israel, một số cuộc phỏng vấn mà tôi tham gia, thì bạn sẽ thấy mức độ mà chúng tôi muốn làm mọi thứ một cách khác biệt trong khu vực.
Đã tới lúc Iran phải phát đi một số tín hiệu cho thấy, họ muốn hành xử theo cách khác và thừa nhận rằng, dù có một số quyền với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế thì những quyền đó cũng phải đi cùng với trách nhiệm.
****Còn tiếp****
-
Hoài Linh (Theo CNN)