Mỹ đã cảnh báo các đồng minh hôm 8/2 rằng cuộc chiến tại Afghanistan có thể khó khăn hơn so với ở Iraq, đồng thời kêu gọi các đồng minh tăng viện binh sĩ cũng như khí tài.
"Tình hình ở Afghanistan không giống những vấn đề khác mà chúng ta đối mặt. Theo quan điểm của tôi, cuộc chiến ở Afghanistan sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với ở Iraq. Đó là một cuộc chiến dài, khó khăn", phái viên Mỹ Richard Holbrooke phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich.
Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan (Reuters)
Ông Holbrooke, người sẽ sớm công du khu vực này, nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama đang xem xét lại cách tốt nhất để chống lại cuộc nổi dậy do Taliban cầm đầu. "Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần những ý tưởng mới, sự phối hợp tốt hơn trong chính quyền Mỹ, với các đồng minh NATO và các quốc gia liên quan khác. Đã tới lúc làm điều đó đúng đắn", ông nói.
Phái viên Mỹ ở Afghanistan và Pakistan này cũng nói thêm rằng các quốc gia láng giềng của Afghanistan phải đóng vai trò trực tiếp, kể cả Iran và đặc biệt là Pakistan - nơi Taliban và al-Qaeda có các căn cứ hậu cần.
Ông Holbrooke cũng chỉ trích các nhà tài trợ đã không giữ đúng cam kết. "Mọi người đứng dậy và cam kết mọi thứ. Tuy nhiên, họ chưa thực hiện cam kết đó và đó là câu chuyện của Afghanistan’’.
Tổng thống Mỹ Obama đã coi Afghanistan là mặt trận chính trong "cuộc chiến chống khủng bố" và đã cam kết gửi thêm 30.000 lính Mỹ tới quốc gia này. Hiện Mỹ có 70.000 quân ở Afghanistan. Tuy nhiên, tư lệnh Mỹ ở Nam Á là Tướng David Petraeus nói rằng lực lượng Mỹ và Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu cũng cần khí tài, các kỹ sư, hậu cần và những chuyên gia huấn luyện.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Hutton cảnh báo sứ mạng tham vọng và lớn nhất này của NATO đang bị đe dọa. Afghanistan rất cần thêm lực lượng chiến đấu để bắt giữ những kẻ nổi dậy.
Trong khi đó, Tổng thống Karzai của Afghanistan lại kêu gọi hòa giải với Taliban và kêu gọi các lực lượng quốc tế làm nhiều hơn để ngăn chặn sự thương vong cho dân thường tại quốc gia này.
"Đã tới lúc tôi kêu gọi tiến trình hòa giải. Chúng tôi sẽ mời mọi lãnh đạo Taliban mà không phải là một phần của các mạng lưới khủng bố, người muốn quay trở lại với đất nước họ, muốn sống theo hiến pháp Afghanistan và muốn hòa bình cũng như một cuộc sống bình thường, tham gia và quay trở lại với đất nước họ", ông nói.
-
Minh Sơn (theo AFP)