221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1155995
Chưa có hồi kết cho kỷ nguyên Mỹ ở Iraq
1
Article
null
Chưa có hồi kết cho kỷ nguyên Mỹ ở Iraq
,

Người dân Iraq đã tham gia vào các cuộc bầu cử chính quyền cấp tỉnh hồi cuối tuần - những cuộc bầu cử góp phần định hình tương lai của họ. Dù kết quả là gì đi nữa thì rõ ràng rằng Mỹ đang rút lui và hầu hết người Iraq sẵn sàng tiễn Mỹ.

Nhân viên bầu cử lăn tay cho một cử tri cao tuổi tại Baghdad (Reuters)
Những dấu hiệu tách rời hiện hữu ở mọi nơi. Vào những ngày trước bầu cử, có thể lái xe an toàn từ khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc tới Baghdad và tới Basra ở phía nam mà không thấy bóng dáng của bất kỳ đoàn xe hộ tống nào của Mỹ. Tại vùng Xanh - nơi tọa lạc tòa nhà chính phủ Iraq - trung tâm mua sắm chính của quân đội chuẩn bị đóng cửa và người Mỹ đã rút về đại sứ quán mới của họ. Lính Iraq giờ kiểm soát mọi chốt kiểm soát ở vùng Xanh

Trực thăng và máy bay không người lái có thể lượn trên bầu trời song lính Iraq tuần tra trên mặt đất. Rõ ràng là bầu không khí đã thay đổi, quyền lực đã chuyển dịch và thế giới này không còn như trước.

Tại Mỹ, nhiều người coi cuộc chiến Iraq đã kết thúc mặc dù hơn 140.000 lính Mỹ vẫn đóng trên đất Iraq. Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố Iraq không phải là cuộc chiến của ông. Ông muốn tập trung vào Afghanistan. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đơn giản là Mỹ không có tiền để chi hàng trăm triệu đôla mỗi ngày ở Iraq.

Mọi tranh cãi ở Washington về cách thức và thời gian rút quân Mỹ trong năm nay cũng được người Iraq hết sức quan tâm và bàn luận sôi nổi. Họ muốn thể hiện rằng họ có thể tự quản lý và tiếp quản nhiệm vụ giữ gìn an ninh từ Mỹ để Mỹ có thể rút quân đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cuộc chiến tranh đã kết thúc. Tại hai tỉnh Nineveh và Diyala, các chiến dịch quân sự chống nổi dậy vẫn đang được tiến hành và quân đội đang theo dõi mọi dấu hiệu hoạt động của các nhóm cực đoan Sunni ở những vùng bất ổn quanh Baghdad. Hiện giờ, các vùng còn lại của Iraq hầu như rất yên tĩnh.

Các cuộc bầu cử cấp tỉnh sẽ sát hạch sự ổn định chính trị: Liệu người Iraq có thể bắt đầu giải quyết được những căng thẳng sắc tộc và bè phái qua cuộc bầu cử này hay không. Tiến trình tách rời với Mỹ chính thức bắt đầu vào tháng 11/2008 khi Quốc hội Iraq thông qua một thỏa thuận an ninh mới với Mỹ. Thỏa thuận này định ngày rút quân Mỹ là vào cuối năm 2011 và gần như đã làm thay đổi cán cân quyền lực ngay lập tức.

Triển vọng của người dân Iraq cũng thay đổi. Họ tin tưởng hơn rằng những vấn đề của họ phải do chính họ giải quyết. Người Mỹ không thể giải quyết những vấn đề đó và chỉ làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn mà thôi. "Sự hiện diện của lính Mỹ chẳng mang lại điều gì ngoại trừ sự phá hủy và rối loạn trên đường phố. Sẽ tốt hơn nhiều cho chúng tôi và cho họ nếu họ ở nguyên trong các căn cứ của họ", Omar al-Dulaimi, 57 tuổi, một nhân viên chính phủ ở Baghdad nói.

Giờ cả hai bên cảm thấy rằng một điều gì đó đã thay đổi và dù điều gì xảy ra sắp tới đi nữa, Iraq sẽ không quay trở lại con đường trước đây. "Đây là thời kỳ quá độ ở Iraq, đối với cả người dân nước này cũng như quân đội Mỹ. Họ sẽ bầu các chính quyền cấp tỉnh mới. Tôi tin 75-80% chính quyền cấp tỉnh sẽ thay đổi và chúng tôi sẽ bắt đầu giảm số binh sĩ", Tướng Ray Odierno tại Iraq nói.

Quân đội Mỹ giờ ít tham gia vào việc bảo vệ người Iraq. Họ tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo tâm lý rằng người Iraq có thể giải quyết những trở ngại. Mỹ không còn chỉ huy người Iraq nên làm gì và Iraq, đặc biệt là các sĩ quan quân đội, không còn cần sự phê chuẩn của Mỹ trong các quyết định. Ít ra thì đó cũng là việc đang diễn ra tại những khu vực không còn giao tranh.

Quân đội Mỹ đang chậm chạp rút vào hậu trường, nhường sân khấu cho các nhà ngoại giao và người dân. Chắc chắn hai bên còn lâu mới có được quan hệ ngoại giao bình thường. Người Iraq vào bất kỳ khu vực nào gần người Mỹ vẫn phải chịu nhiều cuộc khám xét khó chịu và chờ đợi. Các nhà ngoại giao Mỹ vẫn chưa thể rời đại sứ quán. Họ giống như những tù nhân. Tuy nhiên, Iraq và Mỹ có thể nói về những vấn đề khác hơn sự sống còn.

Iraq cũng đang bắt đầu tìm kiếm một kiểu quan hệ khác biệt, kiểu quan hệ mà không còn bó hẹp ở lĩnh vực quân sự. Thủ tướng Maliki đã đồng ý tài trợ cho một chương trình học bổng lớn nhằm gửi người Iraq sang Mỹ và các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung để nghiên cứu. Tuy nhiên, kỷ nguyên Mỹ tại Iraq vẫn chưa tới hồi kết.

Iraq cần Mỹ không chỉ để ngăn chặn các hành động khủng bố ở quốc gia này mà còn bảo vệ họ khỏi những láng giềng tham lam. Syria và Iran đã can thiệp vào Iraq kể từ cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu cho tới nay. Mặc dù người Iraq thường khó chịu với cách Mỹ khống chế hai cường quốc Trung Đông này song họ lại miễn cưỡng ngăn chặn Mỹ bởi họ sợ các láng giềng của họ hơn.

Đối với Mỹ, Iraq vẫn là một phần thưởng chiến lược gần các điểm nóng Trung Đông (Israel, Lebanon và Syria) cũng như Iran và các quốc gia vùng Vịnh nhiều dầu mỏ. Chẳng tình cờ chút nào khi văn phòng của CIA tại Baghdad là lớn nhất trên thế giới.

Chắc chắn Mỹ sẽ gây nhiều ảnh hưởng ở Iraq hơn bất kỳ quốc gia sản xuất dầu mỏ nào khác và sẽ muốn tiếp tục làm như vậy. Iraq sẽ nóng lòng muốn biểu thị sự độc lập và Mỹ sẽ phải dùng tới các đòn bẩy khác hơn là sự hiện diện quân sự tiếp tục và khổng lồ. Việc này hứa hẹn dẫn tới những căng thẳng lớn khi mỗi bên xác định lại mối quan hệ của họ.

Các cuộc bầu cử chính quyền cấp tỉnh là một bước tiến trên con đường giải quyết những bất đồng giữa các phe nhóm về định hình của Iraq. Nếu các chính quyền tỉnh được thiết lập từ bắc tới nam, từ đông tới tây, Mỹ và Iraq có thể bắt đầu một chương mới. "Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, Mỹ sẽ không cần nhiều binh sĩ ở Iraq. Mỹ cần xem xét những thứ khác ngoài an ninh. Iraq cần Mỹ để bắt đầu một chương mới", Bộ trưởng Nội vụ Iraq Jawad al-Bolani nói.

  • Minh Sơn (theo IHT, BBC)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,