221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1155635
Tại sao Nga muốn hiệp ước an ninh mới cho châu Âu?
1
Article
null
Tại sao Nga muốn hiệp ước an ninh mới cho châu Âu?
,

Nga đang thúc đẩy một "hiệp ước an ninh mới cho châu Âu" để điều tiết các quan hệ Đông-Tây, cho rằng NATO là một di tích Chiến tranh lạnh. Các quan chức NATO nói rằng một hiệp ước như vậy sẽ làm suy yếu liên minh này và làm gia tăng "sự gây hấn" của Nga.

Tên lửa tầm ngắn Iskander mà Nga dự định triển khai gần Ba Lan (AFP)
Các quan chức cấp cao NATO và các nhà ngoại giao đã nhóm họp trong tháng này tại Trung tâm hội nghị Wilton Park gần bờ biển miền Nam nước Anh để thảo luận cách giải quyết những nghi ngờ và chia rẽ về tương lai của NATO trước hội nghị thượng đỉnh 60 năm thành lập NATO vào tháng tư tới.

Lo ngại của NATO

Các vấn đề của NATO tại Afghanistan được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính thức. Tuy nhiên, cảnh báo lớn nhất lại là về nguy cơ đối đầu trong dài hạn với Nga. Một số phóng viên đã được mời tham dự hội nghị này với điều kiện không được nêu tên người nói nếu họ không đồng ý.

Những lo ngại của NATO là rõ ràng, thể hiện qua những tuyên bố sau: "Hành động của Nga ở Grudia có thể trở thành tiêu chuẩn.... Nga không được có quyền phủ quyết về việc quốc gia nào có thể gia nhập NATO. Nếu chúng ta nhượng bộ điều đó, chúng ta tự sụp đổ.... Nga đang ráo riết thiết lập tầm ảnh hưởng và viết lại các quy tắc dựa trên quyền lợi quốc gia Nga chứ không phải các quy tắc quốc tế".

Các nhà chiến lược NATO lo ngại về cái mà họ coi là những hành động hiếu chiến của Nga: Đơn phương công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia. Sử dụng khí đốt tự nhiên làm công cụ chính trị trong tháng 1 nhằm phần nào làm mất uy tín của Ukraine với tư cách là một thành viên tương lai của NATO. Cái mà các quan chức Mỹ cho là việc Nga từ bỏ dân chủ.

Cũng có sự nhất trí rộng rãi rằng châu Âu đã phạm sai lầm. "Châu Âu đã thất bại với Nga", một đại biểu nói. Đau đầu lớn nhất của NATO là thiếu thống nhất về cách đối phó với Nga.

Trong khi phương Tây than vãn về một loạt những sự kiện mà họ coi là đen tối thì Nga đã đề xuất kế hoạch về một hiệp ước an ninh mới cho châu Âu. Nga đã vạch ra các chi tiết của đề xuất này hồi tháng trước và trình lên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nơi Nga là một thành viên cùng với Mỹ và 54 quốc gia khác.

Đề xuất của Nga liệt kê các khối kiến tạo của một hiệp ước như vậy, trong đó có "tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia". Nga khẳng định rằng hiệp ước đó sẽ làm giảm bớt những nghi ngờ và lo sợ lẫn nhau, cải thiện những thỏa thuận giải quyết xung đột hiện nay ở châu Âu và đưa ra những đảm bảo mới cho an ninh bình đẳng của mọi quốc gia.

Đề xuất này cũng chứa đựng cái mà có thể được coi là một mối đe dọa bị che đậy. Nga muốn một thỏa thuận mới về những quy tắc "toàn diện" của trò chơi, "để tránh phải phụ thuộc hoàn toàn vào các công cụ quốc gia... để đảm bảo an ninh". Một nhà ngoại giao nói rằng "đề xuất này của Nga tương tự như các chiến thuật trước kia của Liên Xô và chúng ta sẽ không dễ mắc lừa".

Tuy nhiên, Nga có lẽ có một số đòn bẩy mạnh để làm chia rẽ nội bộ NATO trở nên nghiêm trọng hơn và tìm cách viết lại các quy tắc của quan hệ Đông-Tây. Một số lãnh đạo châu Âu đã tỏ ý cảm thông với lời kêu gọi về hiệp ước an ninh mới này, đặc biệt là Tổng thống Pháp Sarkozy. Tại một hôi nghị thượng đỉnh Nga-EU tại Nice tháng 11 năm ngoái, ông đã ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Medvedev về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế trong năm nay nhằm thảo luận các đề xuất của Nga.

Ông Sarkozy khuyến khích Nga hơn nữa bằng cách nói rằng hệ thống tên lửa phòng thù của Mỹ sẽ không giúp ích cho an ninh của châu Âu. Trái lại, lá chắn này có thể làm tổn hại tới an ninh của châu lục này. Sau đó, ông Sarkozy đã thoái lui và Pháp cùng với các ngoại trưởng khác của NATO chính thức ủng hộ kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở  Đông Âu.

Đề xuất không tồi của Nga

Tuy nhiên, nhiều thủ đô của châu Âu đã ghi nhận thông điệp của Nga, rằng Nga sẽ không phải là mối đe dọa đối với họ nếu NATO thay đổi đường lối về lá chắn tên lửa và về cam kết tập thể của khối này kết nạp Grudia và Ukraine làm thành viên.

Alyson Bailes, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, nằm trong số các nhà phân tích an ninh phương Tây có quan điểm rằng một hiệp ước an ninh toàn diện mới, có tính tới những lo ngại của Nga, không phải là một ý tưởng ngu ngốc.

Hiệp ước này có thể là khuôn khổ cho các hiệp ước mới về kiểm soát vũ khí với Nga mà Tổng thống Obama hứa hẹn tìm kiếm. Và châu Âu không thể mong đợi có quan hệ ổn định với Nga bằng cách phớt lờ phàn nàn của Nga rằng nước này đang bị đe dọa bởi sự mở rộng của NATO dọc biên giới phía Tây của Nga.

Do vậy, Nga muốn sự ổn định hay muốn thể hiện sức mạnh bằng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực? Gần đây Moscow đã gửi đi những tín hiệu khó hiểu.

Tuần này, quân đội Nga tuyên bố ngừng các kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn ở Kaliningrad - vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa hai quốc gia NATO là Ba Lan và Lithuania - với gợi ý rằng ông Obama nên ít nhất là ngừng các kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và CH Séc.

Tuy nhiên, Nga cũng tuyên bố muốn xây dựng một căn cứ hải quân cho Hạm đội biển Đen tại vùng li khai Abkhazia của Grudia. Cho tới nay, Nga vẫn từ chối cho phép các quan sát viên quân sự OSCE quay trở lại Nam Ossetia để khôi phục sự hiện diện của lực lượng an ninh quốc tế tại đây, sáu tháng sau cuộc chiến Nga-Grudia.

Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer đã thẳng thừng phản đối mọi cuộc đàm phán với Nga về những việc mà có thể ngầm phá hoại vai trò là người đảm bảo an ninh cho phương Tây của NATO.

Tuy nhiên, OSCE là một tổ chức riêng biệt, được tạo ra để giải quyết một loạt vấn đề an ninh "mềm", chẳng hạn như kiểm soát biên giới, quản lý an toàn vật liệu hạt nhân cũng như đặt ra khuôn khổ hợp tác chính trị và quân sự. Hy Lạp, hiện đang làm Chủ tịch OSCE, dự định sắp xếp một hội nghị cấp cao vào cuối năm nay theo yêu cầu của Nga.

Vấn đề này sẽ là một thách thức chính trị đối với NATO. Một cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski nói tại Wilton Park rằng hiệp ước an ninh mà Nga đề xuất nhằm "giải tán NATO". Ba Lan sẽ phong tỏa mọi cuộc gặp cấp cao để thảo luận ý tưởng đó.

Chính phủ Ba Lan và CH Séc nói rằng các kế hoạch của họ cho phép Mỹ triển khai lá chắn tên lửa có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh dài hạn của quốc gia. Họ phản đối mọi động thái hủy bỏ các kế hoạch này.

Tuy nhiên, dường như Nga càng trở nên mạnh bạo hơn khi EU không thể tìm được tiếng nói chung phản đối hành động mà họ gọi là sự khiêu khích của Nga: Các nỗ lực kiểm soát nguồn khí đốt cho châu Âu từ phía đông, tăng cường chủ nghĩa dân tộc giữa những người Nga đang sống ở các quốc gia Baltics hoặc việc Thủ tướng Putin đe dọa chĩa vũ khí hạt nhân vào các thành phố của phương Tây để trả đũa việc Mỹ đặt lá chắn tên lửa ở Đông Âu.

Phương Tây đối mặt với tình trạng khó xử: Các thành viên NATO đều muốn nối lại đối thoại mang tính xây dựng với Nga song họ lại bất đồng mức độ nhượng bộ đối với Nga. Những bất đồng này cho thấy quan hệ giữa Nga với phương Tây đang tiến tới giai đoạn bước ngoặt và sẽ được thảo luận tại Hội nghị an ninh Munich vào ngày 6/2 tới. Và tất nhiên chương trình nghị sự cũng sẽ bàn tới hiệp ước an ninh mới cho châu Âu.

  • Minh Sơn (theo BBC)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,