221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1155365
Trò chơi trách móc bắt đầu tại Diễn đàn Davos
1
Article
null
Trò chơi trách móc bắt đầu tại Diễn đàn Davos
,

Cuộc hội ngộ hàng năm của các chính trị gia và lãnh đạo kinh doanh tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos thường là thời điểm để kỷ niệm chiến thắng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và là nơi để các nước đứng ngoài đươc phép gia nhập. Tuy  nhiên, lần này mọi thứ lại rất khác biệt.

Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2009 là Định hình thế giới sau khủng hoảng (Reuters)
Uy tín của các ngân hàng đang xuống thấp. Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nga và Thủ tướng Trung Quốc đã đổ lỗi cho Mỹ về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và kêu gọi cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính thế giới.

Liệu cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày càng trầm trọng này sẽ khiến các lãnh đạo chính trị buộc tội hay hợp tác với nhau, bất chấp những hy vọng tại hội nghị của nhóm G20 vào mùa thu năm ngoái?

Khẩu chiến giữa Trung Quốc và Mỹ về khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu hồi tuần trước, với việc tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ là Tim Geithner chỉ trích Trung Quốc "thao túng tiền tệ" và hành động đó đã dẫn tới thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Trung Quốc.

Trong bài diễn văn đầu tiên ở Davos, Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đã phản công, đổ lỗi cho nhà chức trách Mỹ về cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong số các nguyên nhân khủng hoảng, ông viện dẫn "các chính sách kinh tế vĩ mô không phù hợp của một số nền kinh tế và mô hình phát triển không bền vững của các nền kinh tế đó" - rõ ràng ám chỉ tỷ lệ tiết kiệm thấp và tiêu dùng cao của kinh tế Mỹ - và "thất bại của cơ chế giám sát và quản lý tài chính".

Ông Ôn Gia Bảo cũng đổ lỗi cho các ngân hàng về "việc mù quáng chạy theo lợi nhuận" và "quản lý lỏng lẻo". Những thiếu sót đó đã khiến kinh tế thế giới "rơi vào tình trạng khó khăn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái".

Góp thêm vào những lời chỉ trích trên là Thủ Tướng Nga Putin, người nói rằng "quản lý chất lượng kém" đã "dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tài chính hiện nay". Ông Putin cũng chỉ trích sự phụ thuộc của thế giới vào đồng đôla Mỹ. "Sự phụ thuộc quá mức vào đồng tiền dự trữ duy nhất này là rất nguy hiểm đối với kinh tế thế giới", ông nói.

Dù sự chỉ trích có là gì đi nữa thì các nỗ lực cải cách kinh tế toàn cầu sẽ vẫn phụ thuộc vào các hành động ở Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ chấp nhận một số lời chỉ trích về thất bại quản lý song cải cách kinh tế quốc tế không phải là ưu tiên hiện nay của Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ, kể cả Bộ trưởng Tài chính Geithner, đã không tham dự Diễn đàn Davos để tập trung vào việc thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 825 tỷ USD. Họ cũng đang xem xét các kế hoạch mới nhằm hỗ trợ hệ thống tài chính Mỹ vẫn rất yếu và cải cách hệ thống quản lý ngân hàng.

Có lẽ phải tới tháng 4, khi Tổng thống Mỹ Obama tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế toàn cầu G20 tại Anh, các kế hoạch cải cách kinh tế quốc tế của Mỹ mới được tiết lộ. Và do Mỹ vẫn giữ quyền phủ quyết tại các tổ chức quốc tế then chốt như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), sẽ không thể có những thay đổi lớn nếu không có sự ủng hộ của Mỹ.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ kế hoạch cứu trợ nền kinh tế Mỹ bằng việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Hai nền kinh tế này đã bị ảnh hưởng nhiều hơn mong đợi ban đầu và đang tập trung vào việc bình ổn các nền kinh tế của họ.

Hy vọng trước kia rằng tăng trưởng mạnh tại các nước này sẽ tiếp tục và góp phần kéo thế giới thoát khỏi suy thoái đã đổ sập. Nga vay nhiều ngoại hối để tài trợ cho sự tăng trưởng nhờ vào dầu mỏ. Với đồng tiền quốc gia giảm giá mạnh, cuộc khủng hoảng này "đã ảnh hưởng tới chúng tôi theo cách nghiêm trọng nhất", ông Putin thừa nhận.

Trung Quốc, với tỷ lệ tăng trưởng giảm một nửa do khủng hoảng, đang đối mặt với "những thách thức nghiêm trọng, trong đó có sự sụt giảm nhu cầu từ bên ngoài, khả năng sản xuất dư thừa ở một số ngành, điều kiện kinh doanh khó khăn đối với các doanh nghiệp, thất nghiệp tăng tại các khu đô thị", Thủ tướng Trung Quốc nói.

Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 600 tỷ USD để thúc đẩy nhu cầu trong nước và ngăn chặn bất ổn xã hội cũng như chính trị. Theo họ, chương trình này là một đóng góp quan trọng đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.

Lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã bác bỏ việc quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ông Putin cũng cảnh báo về việc nhà nước can thiệp quá mức vào đời sống kinh tế.

Trong khi thế giới chờ đợi lãnh đạo toàn cầu huy động sự ủng hộ đối với cải cách toàn cầu thì vòng đàm phán Doha vẫn sa lầy và quan điểm của chính quyền Obama về việc tái khởi động các cuộc đàm phán này vẫn chưa rõ ràng.

Các cuộc cải cách khiêm tốn nhằm trao cho các quốc gia mới nổi một vai trò lớn hơn trong IMF và WB đã được thực hiện song các kế hoạch tham vọng hơn đã bị EU phong tỏa.

Các nước đang phát triển lo ngại rằng họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và viện trợ của phương Tây sẽ bị cắt giảm trong thời kỳ suy thoái này.

Cuộc khủng hoảng đã dịch chuyển cán cân sức mạnh trong nền kinh tế thế giới, làm Mỹ suy yếu. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ nếu không có sự tham gia tích cực của Mỹ, liệu có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về tái cơ cấu cách điều hành nền kinh tế thế giới hay không.

Trong khi đó, căng thẳng giữa các khối trên thế giới, giữa nước giàu và nước nghèo có thể dữ dội hơn. Ông Putin đã cảnh báo không có sự lãnh đạo toàn cầu, "khủng hoảng kinh tế có thể làm cho các xu hướng tiêu cực đang hiện diện trong chính trị toàn cầu mạnh lên".

  • Minh Sơn (theo BBC)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,