Những tên hải tặc Somalia đang cho xuồng cao tốc áp sát nhằm cướp tàu MV Faina chở vũ khí của Ukraine hồi tháng 10/2008 (Ảnh AFP)
"Đây là một món quả năm mới dành cho các chủ tàu Ấn Độ. Nếu người Malaysia không đến kịp thời thì tàu của họ chắc chắn đã rơi vào tay hải tặc", Noel Choong - một quan chức của Trung tâm cảnh báo cướp biển thuộc cơ quan hàng hải quốc tế, nói.
Tàu chở dầu Ấn Độ đang trên đường hướng tới kênh đào Suez thì bị hai chiếc xuồng nhỏ áp sát tấn công. Một trong hai chiếc xuồng chở 7 tên hải tặc vận đồng phục kiểu nhà binh.
Ông Choong cho biết: "Bọn chúng tiến gần tới tàu Ấn Độ và bắt đầu nã súng máy, bắn vào đài chỉ huy của thuyền trưởng và khu vực lân cận".
Theo quan chức này, những tên cướp biển tình nghi đến từ Somalia đã tìm cách trèo lên tàu nhiều lần trong khi xả đạn không ngừng nhưng thất bại.
Thuyền trưởng của con tàu gặp nạn đã cho tàu tăng tốc tối đa nhằm thoát khỏi hải tặc và phát tín hiệu cầu cứu. Một tàu khu trục nhỏ của Malaysia có tên KD Sri Inderah Sakti ở cách đó 15 hải lý đã nhận được tín hiệu kêu cứu và phái một trực thăng quân sự hạng nhẹ Fennec tới giải nguy cho tàu Ấn Độ chỉ trong vòng vài phút.
Ông Choong nói, khi phát hiện thấy trực thăng, bọn cướp biển đã ngừng nã đạn và trốn chạy. Thuỷ thuỷ đoàn trên tàu Ấn Độ không bị thương vong gì nhưng tàu bị hư hại một số chỗ.
Trung tá Jane Campbell, phát ngôn viên của Hạm đội số 5 tại Bahrain, tuyên bố hải quân Mỹ không nhận được thông tin tức thời về bất kỳ vụ tấn công đầu năm mới nào của hải tặc ngoài khơi Somalia.
Thông tin về việc đại diện Malaysia giải nguy cho tàu Ấn Độ xuất hiện đúng vào thời điểm ngày càng có nhiều nước cử tàu chiến tới tham gia lực lượng hải quân quốc tế chống hải tặc, nhằm bảo vệ các tàu bè qua lại một trong những tuyến đường đường biển quan trọng nhất thế giới. Cách đây hai tuần, các đại diện Malaysia thuộc lực lượng quốc tế này cũng đã giải cứu một tàu Trung Quốc ở ngoài khơi Somalia.
Thống kê của cơ quan hàng hải quốc tế cho thấy, hải tặc đã tiến hành 111 vụ tập kích ở Vịnh Aden trong năm 2008 và chúng đã 42 lần cướp tàu thành công. Hiện hải tặc vẫn đang bắt giữ 14 tàu thuyền của các nước cùng hơn 240 thành viên thuỷ thủ đoàn làm con tin đòi tiền chuộc.
Các chuyên gia nhận định nạn cướp biển hoành hành ngoài khơi Somalia là do tình trạng hỗn loạn kéo dài hơn một thập niên qua tại quốc gia châu Phi này.
Somalia - đất nước với khoảng 8 triệu dân đã không có chính phủ hoạt động đúng chức năng kể từ khi các tư lệnh quân đội lật đổ nhà cầm quyền độc tài năm 1991 và sau đó quay lại tấn công lẫn nhau.
-
Thanh Bình (Theo AP, AFP, Reuters)