221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1143696
Một số dấu mốc đáng nhớ của khủng hoảng kinh tế 2008
1
Article
null
Một số dấu mốc đáng nhớ của khủng hoảng kinh tế 2008
,

Khủng hoảng tài chính đang ngày càng lan rộng, thấm sâu vào từng nền kinh té, trong đó có cả Việt Nam.

Soạn: HA 981330 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bảng chỉ đường Phố Wall ở New York. Ảnh Economists.

Mỹ chính thức thừa nhận nền kinh tế đang suy thoái

"Nước Mỹ lâm vào suy thoái từ tháng 12/2007", tuyên bố trên được đưa ra hôm 1/12 bởi các nhà kinh tế thuộc Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) và được chính phủ Mỹ chính thức thừa nhận.

Nhà Trắng đã chính thức thừa nhận kết luận của NBER và cho biết đang cố đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế bằng cách cải thiện thị trường tài chính, tín dụng, và nhà đất.

Theo số liệu chính thức từ chính phủ, GDP thụt lùi 0,2% trong quý IV/2007 nhưng tăng 0,8% trong quý I/2008 và 2,8% trong 4 tháng tiếp theo. Sau đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới một lần nữa đi xuống 0,5% trong quý III/2008.

Tuy nhiên, NBER cho biết việc xác định suy thoái không chỉ được dựa trên GDP mà còn nhiều chỉ báo kinh tế khác. Một trong những yếu tố quan trọng khác được tính đến là thị trường việc làm, vốn sụt giảm liên tiếp từ tháng 12 năm ngoái. Số liệu hàng tháng về thu nhập, sản xuất, bán lẻ đều cũng được nghiên cứu.

Trước khi tuyên bố chính thức được đưa ra, nhiều chuyên gia đã nhận định nước Mỹ rơi vào suy thoái. Ông Michael Fowkes, Nhà Phân tích tại Investor"s Observer, cho biết: "Nỗi sợ suy thoái giờ đã trở thành hiện thực. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là tình trạng này sẽ tồi tệ tới mức nào và kéo dài trong bao lâu".

Tình hình căng thẳng của kinh tế Mỹ hiện nay đang khiến số người nộp đơn xin phá sản ở nước này tăng vọt. Đáng chú ý, số nợ bình quân mà những người Mỹ phá sản lần này đang gánh cao hơn rất nhiều so với những người phá sản trong những lần suy thoái trước ở Mỹ.

Giá nhà sụt giảm, thu nhập co lại và nguồn tín dụng gần như cạn kiệt đang là những thách thức khốc liệt mà người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt. Mặc dù những lý do thường gặp khiến những con nợ gặp khó ở Mỹ phải nộp đơn xin phá sản như mất việc, chi phí y tế cao, ly dị… vẫn là những lý do quan trọng, những áp lực từ sự đi xuống của nền kinh tế đang góp phần phân loại những ai có thể và không thể vượt qua cơn sóng gió hiện nay.

Các luật sư về phá sản cho biết, không chỉ số đơn xin phá sản tăng lên, số tiền nợ trong thẻ tín dụng mà những người nộp đơn đang mang cũng tăng mạnh do những con nợ này phải vật lộn với khoản phải trả hàng tháng cho khoản vay thế chấp nhà. Không ít người đang phải gánh khoản nợ thế chấp lớn hơn giá trị căn nhà mà họ mua bằng khoản vay đó do sự sụt giảm của giá nhà ở Mỹ.

15 nước EU rơi vào suy thoái

Liên tiếp trong hai quý, hai và ba, GDP 15 nước sử dụng đồng tiền chung euro đạt mức âm, đánh dấu sự suy thoái đầu tiên trong lịch sử hình thành khu vực gần một thập kỷ qua.

Số liệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế trong khu vực ở mức âm 0,2% trong quý ba, sau khi đã xuống dốc với tốc độ tương tự trong quý hai. GDP giảm trong hai quý liên tiếp là một minh chứng rõ ràng cho thấy kinh tế rơi vào suy thoái.

Thông tin chính thức phát đi từ cơ quan chức năng EU là đòn trời giáng với giới đầu tư sau 9 năm thành lập khu vực đồng tiền chung châu Âu.

"Không phải chờ cho tới khi số liệu GDP quý ba được công bố người ta mới nghĩ EU rơi vào suy thoái. Những số liệu và nghiên cứu gần đây cho thấy GDP trong quý tư thậm chí còn tồi tệ hơn vì cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng để lại hậu quả nặng nề", ông Howard Archer, chuyên gia kinh tế trưởng của hãng Global Insight bình luận.

Không khí tại Đức, đầu tàu kinh tế của cả khu vực, ảm đạm nhất. GDP quý ba ở đây giảm tới 0,5% sau khi đã giảm 0,4% trong quý hai. Tây Ban Nha, Italy cũng gia nhập câu lạc bộ suy thoái. Riêng Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong eurozone, tăng nhẹ 0,1%.

Tình hình tồi tệ cũng đe dọa các nước ngoài khu vực đồng tiền chung. Tại Anh, GDP quý ba đã giảm 0,5%, lần đầu tiên sau mười sáu năm qua. Ngân hàng Trung ương Anh quốc cho biết nước này đang đứng trước nguy cơ thiểu phát.

Kinh tế Italia rơi vào cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ 16 năm qua

Cơ quan thống kê nhà nước Italia (ISTAT) ngày 16/11 khẳng định nền kinh tế Italia đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên kể từ năm 2005 và là cuộc suy thoái nặng nề nhất kể từ cuối năm 1992.

Theo ISTAT, tăng trưởng GDP của Italia trong quý III/08 đã giảm 0,5% so với quý II và giảm 0,9% so với cùng kì năm ngoái. Trong quý II, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới này cũng giảm 0,4% so với quý I.

Do GDP giảm trong 2 quý liên tục, nền kinh tế Italia đang chìm trong một cuộc "suy thoái kĩ thuật" và gần như chắc chắn tăng trưởng trong cả năm 2008 sẽ ở mức âm, lần đầu tiên kể từ 16 năm nay. Những dự đoán lạc quan nhất của ISTAT trong năm 2009 cho thấy, tăng trưởng GDP của Italia tiếp tục ở mức âm -0,6% thậm chí -0,7%, đồng thời là mức tăng trưởng thấp nhất trong các quốc gia thuộc khối G8.

Hiệp hội giới chủ công nghiệp Italia (Confindustria) -cơ quan đại diện cho giới chủ Italia- nhận định, nước này cần thực hiện các biện pháp để giảm suy thoái, trong đó có việc cắt giảm thuế doanh nghiệp, xóa bỏ các loại thuế đánh vào lợi tức tái đầu tư và tiến hành các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Italia (Codacons) thì cho rằng nền kinh tế Italia suy thoái không phải do khủng hoảng về thị trường vốn, mà chủ yếu là do sự khủng hoảng của các khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Do đó, việc chính phủ cứu vớt các doanh nghiệp là điều vô ích, bởi cách tốt nhất là giúp đỡ người tiêu dùng để tăng sức mua trên thị trường.

Theo các nhà phân tích, cuộc suy thoái kinh tế lần này có khả năng nghiêm trọng tương đương với cuộc đại suy thoái xảy ra trong 2 năm 1993-1994, khi tăng trưởng GDP đạt mức âm trong 6 tháng liên tiếp.

Khủng hoảng tài chính lan rộng tại Nga

Khủng hoảng tài chính tại Nga đang ngày càng trầm trọng khi đồng Rúp mất giá mạnh và 2 tháng qua, chính phủ đã phải chi 57,5 tỷ USD giữ giá đồng tiền này.

Trong khi đó, nguy cơ thâm hụt ngân sách của Nga rất lớn và kinh tế khó khăn, bởi thời kỳ thịnh vượng nhờ giá dầu lửa cao đã chấm dứt.

Trong khi đó, do những biến động về tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại tệ của Nga đã giảm khoảng 97,6 tỷ USD trong 2 tháng qua.

Trước tình hình dự trữ ngoại tệ sụt giảm, ông Ignatyev cho biết Nga quyết định cắt giảm các khoản đầu tư mua trái phiếu của các công ty cho vay thế chấp đang khó khăn của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac trong 2 tháng (tính từ 1/11), từ 65,6 tỷ USD xuống còn 20,9 tỷ USD.

Trước đó, các quan chức Nga hồi tháng 7 tiết lộ nước này đã đầu tư khoảng 100 tỷ USD mua trái phiếu của các công ty Mỹ, một phần trong số này nằm trong tài sản của các công ty Fannie Mae và Freddie Mac.

Theo giới phân tích, tình trạng tài chính khó khăn nói trên của Nga có thể cản trở mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn của nước này.

Nền kinh tế Nga vốn ổn định và mạnh lên trong thời gian khá dài nhờ xuất khẩu dầu lửa được giá, nhưng hiện đứng trước nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính và giá dầu thế giới giảm mạnh, chỉ còn chưa đầy 40 USD/thùng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga A. Kudrin vừa thừa nhận rằng, giá dầu giảm cũng có nghĩa là dự trữ tài chính của Nga có thể cạn kiệt trong năm tới.

Ông A. Dvokorvik, cố vấn kinh tế của Chính phủ Nga nhận định rằng, đồng Rúp Nga có thể sẽ mất giá hơn nữa. Theo giới phân tích, khi mức giá dầu trung bình thấp hơn 70 USD/thùng trong vòng vài tháng thì ngân sách của Nga sẽ thâm hụt ngay trong hai tháng đầu năm 2009 và buộc chính phủ nước này phải điều chỉnh chương trình phát triển kinh tế.

Tổng thống Nga D.Medvedev cho biết chính phủ đang thực hiện các giải pháp nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng nghiêm trọng hiện nay.

Tổng thống Nga D.Medvedev cho biết chính phủ đang thực hiện các giải pháp nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Ảnh AP.

Kinh tế Nhật chính thức rơi vào suy thoái

Các số liệu thống kê công bố cho thấy, kinh tế Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất ở châu Á - đã chính thức rơi vào suy thoái. Đây là lần suy thoái đầu tiên của nền kinh tế này trong 7 năm trở lại đây.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 3 vừa qua, GDP của Nhật tăng trưởng âm 0,1% so với quý trước, sau khi đã tăng trưởng âm 0,3% trong quý 2. Từ đầu năm tới nay, GDP của Nhật đã sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo định nghĩa mang tính kỹ thuật, một nền kinh tế bị coi là suy thoái khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

Theo giới quan sát, việc kinh tế Nhật rơi vào suy thoái không phải là một sự kiện gây bất ngờ. Trước đó, khủng hoảng tài chính đã “lái” kinh tế Nhật tới bờ vực suy thoái.

Sự chao đảo của thị trường tài chính quốc tế đã khiến giới đầu tư “carry trade” ồ ạt rút vốn khỏi những thị trường có lãi suất cao để chuyển về các đồng tiền có lãi suất thấp mà họ vay trước đó để đầu tư. Trong hoạt động đầu tư “carry trade”, các nhà đầu tư vay tiền ở một nước có mức lãi suất thấp hơn để đầu tư vào các loại tài sản ở các quốc gia có mức lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch.

Mặt khác, những đồng tiền có lãi suất thấp cũng được giới đầu tư coi là các “vịnh tránh bão” an toàn trong thời điểm khủng hoảng.

Điều này khiến các đồng tiền có lãi suất thấp - trong đó có Yên Nhật và USD - tăng giá mạnh.

Sự lên giá của Yên Nhật, cùng với sự sụt giảm nhu cầu của thế giới, đã làm khó các nhà xuất khẩu như Canon, Toyota… - vốn là đầu tàu chính của kinh tế Nhật Bản. Các công ty Nhật gặp khó, kéo theo việc cắt giảm đầu tư, sa thải nhân công và sự chao đảo mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Nhật, khiến tình hình kinh tế nước này thêm tồi tệ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng âm 0,1% trong năm nay, so với các mức tăng trưởng âm 0,9% và âm 0,5% ở Mỹ và châu Âu.

Kinh tế Singapore chính thức rơi vào suy thoái 

Ngày 21/11, Bộ Công thương Singapore công bố Tổng sản phẩm nội địa quý 3 tiếp tục giảm 6,8% so với quý 2. Nước này chính thức rơi vào suy thoái.

Báo cáo chính thức của Bộ Công thương Singapore (MTI) được gửi đến các cơ quan truyền thông ngay khi bắt đầu ngày làm việc và không gây ra nhiều bất ngờ. GDP của Singapore trong quý 2 giảm đã 5,3% so với quý 1. Và hồi tháng 10, MTI đã dự đoán GDP quý 3 sẽ giảm chừng 6,3% so với quý 2. Với mức giảm tăng trưởng của GDP trong hai quý liên tiếp, việc công bố suy thoái chỉ là vấn đề thời gian. So với cùng kỳ năm 2007, GDP quý 3 năm nay giảm 0,6%.

Những biến động kinh tế toàn cầu trong thời gian qua đã khiến mọi dự đoán tăng trưởng công khai của các nhà kinh tế nước này trở nên thiếu chính xác. MTI hôm qua cũng điều chỉnh dự đoán tăng trưởng năm 2008 là 2,5%, giảm 0,5% so với dự đoán hồi tháng 10, và chỉ bằng 1/3 mức tăng trưởng năm 2007. Đây là lần thứ tư trong năm MTI hạ dần con số này. Tương tự, dự đoán tăng trưởng GDP cho năm 2009 được rút xuống còn -1% đến 2%, bởi “nền kinh tế đang đối diện với một sự suy giảm diện rộng trong năm 2009”, báo cáo của MTI nhận định.

Ngay sau khi MTI công bố suy thoái, Bộ Tài chính lập tức ra thông báo sẽ dành thêm 2,3 tỷ SGD (1,5 tỷ USD) cho vay trong một năm đối với doanh nghiệp nhỏ bắt đầu từ ngày 1/12 tới. Với nguồn hỗ trợ đó, dự kiến 124.000 lao động có thể được hưởng lợi nhờ hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục được duy trì. Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratnam cũng khẳng định, Chính phủ không có kế hoạch giảm thuế giá trị gia tăng trên hàng hóa và dịch vụ. Mức thuế này hiện tại là 7%, được tăng lên từ mức 5% hồi tháng 7/2007 và đã bị nhiều chỉ trích từ công chúng.

Bộ Tài chính nước này cũng nói rằng, kế hoạch tài chính năm 2009 sẽ được công bố vào ngày 22/1 tới, tức sớm hơn 1 tháng theo kế hoạch thường niên, nhằm định hướng sớm các chính sách kinh tế cho năm tới, bởi theo nhận định của Thủ tướng Lý Hiển Long, nền kinh tế Singapore sẽ phải đối phó với mức tăng trưởng thấp trong nhiều năm tới.

Trung Quốc: nhà máy đóng cửa, đơn hàng thu hẹp, nhân công mất việc

Một thống kê cho thấy, đã có hơn 65.000 nhà máy tại Trung Quốc phải đóng cửa từ đầu năm đến nay và con số này hiện nay vẫn chưa có dấu hiện dừng lại khi các đơn đặt hàng xuất khẩu đang ngày càng bị thu hẹp và cắt giảm.

Trung Quốc mở rộng giao thương láng giềng bằng Nhân dân tệ nhằm giúp các nhà xuất khẩu đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Ảnh Reuters.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Lao động và Bảo hiểm xã hội Trung Quốc Yin Weimin cho biết, trong hoàn cảnh hiện nay thì vấn đề công ăn việc làm của người lao động là mối lo hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc.

Ông Yin cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng vừa qua, hàng loạt các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã phải đóng cửa hoặc ngừng sản xuất.

Cũng theo ông Yin thì thị trường việc làm sẽ còn tiếp tục co lại trong thời gian tới, mà những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những lao động nhập cư ngoại tỉnh, với con số lên đến khoảng 150 triệu người.

Khu vực sản xuất vẫn chiếm 14% lượng hàng may mặc, đồ chơi và dày da nhập khẩu vào thị trường Mỹ trong năm ngoái đã bị suy giảm một cách nhanh chóng chỉ trong vài tháng gần đây.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 8% để bảo đảm ổn định thị trường việc làm.Ba quý đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9%, sau khi tăng đến 11,9% hồi năm ngoái trong khi con số tăng trưởng được dự báo còn tiếp tục giảm nữa trong thời gian tới.

Theo Bộ Lao động và Bảo hiểm xã hội thì con số thất nghiệp hiện nay ở Trung Quốc là 8,3 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp 10 tháng đầu năm là 4%, trong khi chính phủ dự báo tỷ lệ thất nghiệp cả năm là 4,5%.

Thế giới có 85 tập đoàn phá sản trong năm 2008

Tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard & Poor"s (S&P) cho biết tổng cộng 85 tập đoàn và công ty đã tuyên bố phá sản trong năm 2008 (tính đến hết ngày 11/11), tăng mạnh so với 22 vụ năm 2007 và 30 vụ năm 2006.

Mỹ chiếm tới 70 trong trong tổng số 85 tập đoàn và công ty nói trên, tiếp theo là châu Âu (5), châu Á (4), Canađa (3), Mêhicô (2) và Nga (1). Ngoài ra, Mỹ cũng là quốc gia có số công ty bị đánh giá tín nhiệm ở mức "B-" nhiều nhất (biểu thị tình trạng nền kinh tế có yếu tố đầu cơ) và có tới 75% trong số 207 tập đoàn và công ty bị đánh giá tín nhiệm ở mức thấp nhất trên toàn cầu.

Tổng số nợ của 207 công ty nói trên, chủ yếu thuộc các lĩnh vực như truyền thông, giải trí, sản phẩm tiêu dùng, vật liệu xây dựng, vào khoảng 417,38 tỷ USD. Tỷ lệ vỡ nợ do đầu cơ ở Mỹ đã tăng trong tháng thứ 10 liên tiếp, lên 2,86% trong tháng 10/08, so với 2,68% trong tháng 9/08.

Trong khi tỷ lệ vỡ nợ ở châu Âu tăng từ mức 1,00% trong tháng 9/08 lên 1,01% trong tháng 10/08, thì con số này ở những nền kinh tế mới nổi cũng tăng từ mức 0,17% lên 0,82% trong cùng kỳ. S&P dự đoán tỷ lệ vỡ nợ ở Mỹ sẽ tăng lên mức trung bình 7,6% trong vòng 12 tháng tới.

Năm vụ tuyên bố vỡ nợ gần đây nhất bao gồm tập đoàn Masonite International Inc có trụ sở tại Canađa, tập đoàn sản xuất chất ethanol VeraSun Energy Corp có trụ sở ở Mỹ nộp đơn xin phá sản vào ngày 31/10, tập đoàn Hawaiian Telcom Communications, nhà sản xuất thịt gà Pilgrim"s Pride lớn nhất của Mỹ và tập đoàn American Media Operations.

  • Nhật Vy (Tổng hợp)

Phần II: Phía trước vẫn là khủng hoảng!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,