221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1141662
Châu Á nhìn lại một năm 2008
1
Article
null
Châu Á nhìn lại một năm 2008
,

Nếu thế kỷ này được coi là kỷ nguyên của châu Á, thì 2008 được xem là năm của Trung Quốc: Sau khi vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, Trung Quốc đang thách thức vị trí thứ ba của Đức và thế chỗ Nhật trở thành quốc gia dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.

Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 mở màn bằng "một bữa tiệc âm thanh và ánh sáng". (Ảnh: THX)

Sự kiện Olympic được tổ chức ở nước này hồi tháng 8 được xem là một kỳ Thế vận hội lớn nhất, rõ nét nhất từ trước tới nay. 2008 còn có thể là năm của Trung Quốc, tuy nhiên không theo cách mà Chính phủ nước này mong chờ. Đó là vụ động đất lịch sử ngày 12/5 mạnh 8 độ richter làm gần 80.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, trong năm, châu Á cũng nổi lên bởi còn nhiều yếu tố khác, đó là cuộc chiến khốc liệt vẫn tiếp diễn tại Afghanistan và Iraq, là bất ổn chính trị tại Pakistan và Thái Lan, là cuộc khủng bố kinh hoàng ở Mumbai, Ấn Độ. Đó là chưa kể một cuộc chiến lâu dài đã kết thúc, ở Nepal, vương triều tồn tại bao lâu này đã chính thức sụp đổ, nước Cộng hòa ra đời.

Khai mạc Olympic Bắc Kinh

Đó có phải là khoảnh khắc Trung Quốc minh chứng sức mạnh thế giới đang chuyển dần về phía đông? Rằng thế giới có thể thán phục phép màu kinh tế Trung Quốc? Sự thực là, Thế vận hội Olympic 2008 đã khai mạc tại Sân vận động quốc gia Bắc Kinh (còn gọi là sân vận động Tổ chim) cực kỳ hoành tráng.

Trung Quốc lần đầu tiên dẫn đầu trong bảng tổng sắp huy chương vàng, kình ngư người Mỹ Michael Phelps đoạt kỷ lục với 8 huy chương vàng... Thành công của Thế vận hội đã củng cố vị trí của Trung Quốc như một cường quốc mới nổi.

Khủng bố kinh hoàng tại Mumbai

Cả thế giới lo ngại về việc quân khủng bố thay đổi tâm điểm tập trung từ Iraq, Afghanistan sang tiểu lục địa Ấn Độ khi 10 tay súng được cho là thuộc một tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Pakistan, đã tiến hành những vụ xả súng đẫm máu ở Mumbai - Thủ phủ tài chính Ấn Độ.

Vụ tấn công xảy ra ở một ga xe lửa, một rạp chiếu phim, một bệnh viện và hai khách sạn cao cấp vào ngày 26/11. Lực lượng an ninh Ấn Độ đã mất ba ngày mới kiểm soát được tình hình, tiêu diệt 9 trong 10 tay súng. Vụ khủng bố khiến hơn 170 người thiệt mạng, trong đó có hàng chục người nước ngoài. Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan bị kéo căng.

Nhân viên nhân đạo bị Taliban giết hại

Gayle Williams, một tình nguyện viên thuộc Tổ chức từ thiện Anh tại Afghanistan đã bị hai tay súng bắn chết ở thủ đô Kabul ngày 21/10. Taliban đã nhận trách nhiệm và cáo buộc cô cải đạo. Cái chết của Gayle đã thể hiện cho sự hiện diện ngày một lớn của Taliban ở Afghanistan trong vài tháng nay, thậm chí cả những khu vực quanh Kabul.

Trong khi đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu vẫn tiếp tục những chiến dịch tiêu diệt các chiến binh cực đoan ở khu vực biên giới Pakistan giáp Afghanistan, một số vụ việc đã gây thương vong cho dân thường khiến quan hệ giữa Washington và Islamabad bị ảnh hưởng.

Thái Lan cả một năm bất ổn vì biểu tình. (Ảnh: AP)

Làn sóng nữ đánh bom tự sát tại Iraq

Ngày 1/2, hai phụ nữ đã làm nổ tung thân mình ở một khu chợ đông đúc thuộc Baghdad làm gần 100 người thiệt mạng. Việc sử dụng phụ nữ trong các vụ đánh bom liều chết ngày một gia tăng tại Iraq được xem là nét nổi bật của phong trào nổi dậy ở Iraq năm nay. Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, bạo lực Iraq vẫn đang trên đà giảm dần.

Động đất Trung Quốc

Trận động đất 8 độ richter xảy ra ngày 12/5 là thảm họa tự nhiên lớn nhất ở Trung Quốc trong 30 năm nay, làm gần 80.000 người thiệt mạng. Phản ứng nhanh của Chính phủ Trung Quốc đã được phương Tây hoan nghênh. Tuy nhiên, hàng nghìn cái chết của các học sinh khi nhiều trường học đổ sập trong cơn địa chấn lại khiến người ta dấy lên hoài nghi về chất lượng công trình xây dựng của nước này.

Thất bại của ông Musharraf

Hai tháng sau khi cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto bị ám sát, Đảng Nhân dân Pakistan của bà và những đảng đối lập khác đã nỗ lực thay đổi Chính phủ của Tổng thống Musharraf. Ông Musharraf thất bại trong cuộc bầu cử, và buộc phải rời nhiệm sở trong tháng 8. Một tháng sau đó, chồng của bà Bhutto, ông Asif Ali Zardari lên nắm quyền.

Biểu tình ở Thái Lan

Trong một năm chính trị bất ổn, Thái Lan thay đổi hết thủ tướng này sang thủ tướng khác. Nền kinh tế vốn đã chịu tác động của khủng hoảng toàn cầu, lại thêm chao đảo bởi cuộc biểu tình của phe chống chính phủ, đỉnh điểm là cuộc phong tỏa hai sân bay tại thủ đô Bangkok cuối tháng 11 khiến hàng trăm nghìn du khách mắc kẹt. Công nghiệp du lịch - ngành mang lại nguồn thu lớn cho Thái Lan - bị đình trệ.

Bão Nargis

Bão Nargis ngày 2/5 đã quét khắp Tiểu vùng Irrawaddy và Rangoon, số người thiệt mạng ước tính vào khoảng 100-200.000 người. Liên Hợp Quốc thống kê rằng, khoảng 1,5 triệu người bị ảnh hưởng.

Vương triều ở Nepal kết thúc

Nepal hôm 28/5 đã trở thành nước Cộng hòa non trẻ nhất thế giới sau khi Quốc hội mới nhóm họp và bỏ phiếu chấm dứt 240 năm chế độ quân chủ. Với đa số phiếu ủng hộ, chỉ có 4 trong số 601 nghị sĩ phản đối sự thay đổi, Quốc hội Nepal thống nhất bãi bỏ sự cầm quyền của hoàng gia.

Theo thông báo từ Quốc hội, đề xuất được phê chuẩn ghi rõ Nepal "là một quốc gia độc lập, không thể chia tách, có chủ quyền, thế tục, là nước Cộng hòa dân chủ hoàn toàn. Mọi đặc quyền của hoàng gia sẽ tự động chấm dứt. Cung điện chính của nhà vua Gyanendra phải bị bỏ trống trong vòng 15 ngày để chuyển thành bảo tàng".

  • Kỳ Thư (Theo Telegraph)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,
/script>