Hãng Reuters đã đưa ra bình chọn các nhân vật trong năm 2008. Số đông trong danh sách top 10 là các chính khách. Hiện diện ở đây có cả một số người "nổi vì tiêu cực".
Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama (Ảnh nymag) |
Kết thúc ngày bầu cử, ứng viên Dân chủ Barack Obama đã làm nên lịch sử khi trở thành Tổng thống Mỹ da màu đầu tiên trong lịch sử nước này. Đêm bầu cử, khi tuyên bố chiến thắng, ông đã nói: "Đổi thay sẽ đến với nước Mỹ".
Phát biểu trong cuộc mít ting vào đêm bầu cử tại Grant Park ở Chicago, Illinois, Obama chúc mừng những thành tựu mà đối thủ Cộng hòa John McCain và bạn liên danh Sarah Palin có được trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông cam kết sẵn sàng làm việc với hai người để thực hiện lời hứa đổi thay đất nước.
Hơn một tháng sau bầu cử, Obama đã đạt kỷ lục trong việc bổ nhiệm đội ngũ nội các mới. Hầu hết các vị trí quan trọng trong chính phủ đã được thông báo tới thời điểm này.
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso (Ảnh MSN) |
Từng giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Taro Aso đã dễ dàng nhận được sự ủng hộ của đa số 2/3 trong cuộc bầu chọn lãnh đạo Đảng LDP cầm quyền ngày 22/9, đánh bại 4 đối thủ khác. Với kết quả này, Aso sẽ lên làm Thủ tướng thay Yasuo Fukuda.
Taro Aso là một chính trị gia rất khác biệt so với hai Thủ tướng tiền nhiệm Shinzo Abe và Yasuo Fukuda. Ông là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản theo Công giáo Roma. Ông hút xì gà Cuba, yêu truyện tranh, đeo dây chuyền vàng.
Aso nổi tiếng với các quan điểm bảo thủ, chủ trương theo đuổi một đường lối cứng rắn với CHDCND Triều Tiên và phản đối sửa đổi luật cho phép phụ nữ lên ngôi Nhật hoàng. Aso muốn Nhật Bản thông qua một chính sách ngoại giao cứng rắn hơn.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (Ảnh abc) |
Ông Medvedev là vị tổng thống thứ ba, cũng là tổng thống trẻ nhất của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã thập niên 90, đã giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử ngày 2/3 do có sự ủng hộ của Tổng thống Putin.
Nhiều người cho rằng, sự trung thành bấy lâu của Medvedev với Putin là phẩm chất chính để ông được Putin lựa chọn là người kế nhiệm. Nhưng cũng có người khẳng định, ông Medvedev sẽ trở thành một tổng thống mạnh, người sẽ lãnh đạo nước Nga theo cách thức hợp với quan điểm tự do hơn của chính ông.
Theo quan điểm của Medvedev, sự vĩ đại dân tộc không bắt nguồn từ việc bắt nạt các nước láng giềng mà là từ việc tạo ra một sự tăng trưởng bền vững và cuộc sống bình thường cho các công dân.
Chủ tịch Cuba Raul Castro (Ảnh Reuters) |
Ngày 24/2, ông Raul Castro đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba.
Raul là người đã kề vai sát cánh cùng anh trai - Fidel Castro - trong tất cả các chiến dịch, các thời khắc lịch sử của cuộc cách mạng Cuba. Dẫu không nổi tiếng ở tài hùng biện cũng như khó có thể vượt qua cái bóng quá lớn của người anh trai, song là vị bộ trưởng quốc phòng lâu năm nhất thế giới, ông là người có kinh nghiệm, uyển chuyển và đầy mưu lược.
Trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông cũng từng có 19 tháng vừa qua làm Chủ tịch tạm quyền, thay thế anh trai. Quãng thời gian đó cũng đủ được coi là thời kỳ quá độ để Raul chính thức nắm cương vị cao nhất Cuba. Ông được coi là kiến trúc sư của quân đội Cuba và là lãnh đạo của Bộ Quốc phòng trong nửa thế kỷ.
Là người yêu chuộng hòa bình, bình tĩnh, ông từng nhiều lần kêu gọi tiến hành kênh đối thoại với Mỹ. Ông cũng là người chủ trương sẽ tuyển lựa để trao quyền lãnh đạo vào tay thế hệ trẻ hơn để thực hiện thành công những chính sách cải cách.
Cựu vương Nepal Gyanendra (Ảnh abc) |
Đầu tháng 6, Quốc vương bị lật đổ của Nepal đã nhất trí sẽ rời cung điện tại Katmandu một cách hòa bình và sống như một dân thường, sau khi quốc gia ở Himalaya này tuyên bố thành nước cộng hòa.
Rời hoàng cung, ông Gyanendra chuyển tới sống tại ngôi nhà trong một khu rừng ở ngoại ô thành phố Kathmandu. Tuy nhiên, Chính phủ Nepal cho biết đây chỉ là nơi ở tạm thời cho tới khi ông tìm được nhà mới.
Cung điện Narayanhiti trở thành bảo tàng. Vương trượng và vương miện của Vua Gyanendra trở thành tài sản của chính phủ. Khoảnh khắc ông Gyanendra ra khỏi cung điện được xem là một biểu tượng chính trong sự sụp đổ của triều đại Shah - triều đại hợp nhất và trị vì Nepal từ những năm 1760.
Vợ chồng cựu Thống đốc New York Eliot Spitzer (Ảnh nj) |
Thống đốc New York Eliot Spitzer đã phải từ chức sau khi bị phát hiện dính líu đến những cuộc hẹn với gái gọi cao cấp.
Phó của ông Spitzer là David Paterson, đã trở thành Thống đốc da màu đầu tiên trong lịch sử của bang, cũng là vị Thống đốc khiếm thị đầu tiên ở Mỹ.
Với người vợ đứng sát bên cạnh, Thống đốc Spitzer đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng ông không thể cho phép “những lỗi lầm riêng” ngăn trở công việc chung. Ông Spitzer cũng một lần nữa xin lỗi mọi người vì đã sống không đúng với những chuẩn mực mà người dân thường mong đợi ở những quan chức.
“Trong suốt cuộc đời phục vụ nhân dân của tôi, tôi luôn tin rằng, bất kể mọi người ở vị trí nào hay có quyền lực như thế nào, đều phải chịu trách nhiệm về hành động của họ," ông Spitzer nói. "Vì lý do đó, tôi xin từ chức Thống đốc. Và sự hối hận sẽ luôn đi theo tôi".
Vợ chồng Thaksin (Ảnh Reuters) |
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 9/2006 - đã bị Tòa án tối cao nước này kết án hai năm tù giam vì tội tham nhũng.
Thaksin là thủ tướng Thái Lan đầu tiên bị tòa kết án tù. Bà Pojaman Shinawatra, vợ ông cũng bị ba năm tù giam vì tội trốn thuế.
Marion Jones (Ảnh sportswrap) |
Nước mắt giàn giụa, nữ hoàng điền kinh một thời Marion Jones đã thừa nhận rằng đã lừa dối người hâm mộ khi sử dụng chất kích thích trong thi đấu. Kèm theo đó là lời giã từ một sự nghiệp từng được coi là lẫy lừng.
Cô đã bị kết án sáu tháng trong tù và hai năm thử thách, lao động công ích vì tội dối trá khi sử dụng steroid (một chất trong danh mục cấm của Hiệp hội chống doping thế giới).
Yêu râu xanh Josef Fritzl
Josef Fritzl (Ảnh metro) |
Elisabeth sinh nở 7 lần, trong đó có một cặp sinh đôi. Tuy nhiên, một trong hai đứa con sinh đôi tử vong vài ngày sau khi chào đời. 6 đứa con sống sót của cô gồm 3 trai và 3 gái. Ba trong số chúng cũng bị cầm tù với mẹ trong căn hầm tối suốt thời gian qua. Ba đứa trẻ còn lại được sống bình thường với vợ chồng ông Josef.
Elisabeth đã tố cáo rằng cô đã bị cha đẻ xâm hại từ khi mới 11 tuổi.
Richard S.Fuld Jr. (Ảnh bloomberg) |
Ông Richard S.Fuld Jr., Giám đốc điều hành ngân hàng huyền thoại Lehman Brothers đã phải điều trần trước Ủy ban Cải cách Chính phủ và Giám sát Hạ viện Mỹ ngày 6/10 về nguyên nhân dẫn đến vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, làm thị trường tài chính Phố Wall chao đảo.
Trong hơn 2 giờ điều trần, Richard S.Fuld Jr., đã phải trả lời câu hỏi của các thành viên ủy ban về các chiến lược tài chính, hoạt động quản lý, và quá trình chi tiêu của ông khi còn đương nhiệm.
-
Kỳ Thư (Theo Reuter, THX, AP, BBC, AFP)