221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1135999
Một ngày với "khu rừng mưa" ở Chiapas
1
Article
null
Một ngày với 'khu rừng mưa' ở Chiapas
,

"Khu rừng mưa" ở Chiapas, bang cực nam của Mexico, từng được nhắc đến nhiều trên báo chí, nhưng khác với cách cảm nhận khoa học của các nhà thám hiểm, Matt Gross với niềm yêu thích du lịch đặc biệt, đã có một cái nhìn thoáng hơn nhưng cũng rất sâu sắc. 

 

Sông Lacantún nhìn từ nhà hàng tại khu nhà nghỉ sinh thái. (Ảnh: NYT)

 

"Thành phố" hoang dã

 

Tiếng chim hót, côn trùng kêu và suối nước chảy róc rách gần đó hòa trộn với tiếng những con khỉ saraguato thi thoảng lại rít lên từng hồi trầm đục, đầy ám ảnh vọng khắp khu rừng mưa nhiệt đới.

“Đây giống như một thành phố vậy”, César nói. Nó đầy rẫy những con phố, khu phố và biển quảng cáo.

Đối với César, “thành phố” này là nhà. Đối với tôi, nó xa lạ, không giống với bất kỳ nơi nào tôi từng đến ở Chiapas, bang cực nam của Mexico. Và đó cũng là mục đích tới đây của tôi: Đến thăm một trong những khu sinh quyển bị đe dọa của đất nước này.

Ở nơi đây có các loài phong lan hiếm, cây thảo dược, gỗ quý và loài báo đốm châu Mỹ đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Tôi có một ngày để thăm thú mọi thứ. Mặc dù thời gian như thế quá ngắn ngủn, đặc biệt là trong mùa mưa, những trận mưa như trút khiến cho việc đi lại trở thành một thách thức, nhưng tôi vẫn phải cố gắng.

Khu nghỉ dưỡng lạ lùng

Từ khu đổ nát của người Maya tại Bonampak, tôi nhảy lên một chiếc xe buýt loại nhỏ (giá vé khoảng 12USD) chạy dọc theo biên giới phía đông của Mexico giáp với Guatemala.

Sau khoảng 6 tiếng đồng hồ, tôi được thả xuống một ngã ba vắng vẻ. Đó là ở Reforma Agraria, một xã có một khu rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, vẻ hoang vắng chỉ bề ngoài. Khi tiến sâu hơn vào bên trong, tôi có thể nhìn thấy những ngôi nhà nhỏ xíu và chỉnh tề. Đây không phải là một nơi xám xịt, đầy bùn và xơ xác.

Nằm ở cuối con đường là khách sạn của tôi, Las Guacamayas, khu nhà nghỉ sinh thái duy nhất ở đây. Thật khó có thể mường tượng có một khách sạn như vậy đón chờ bạn ở tại bìa rừng.

 

Con đường nho xanh mướt. (Ảnh: Filmika)

Giàn nho đan kín tạo nên một đường vòm tới một cây cầu bắc qua một khu khá yên tĩnh, dẫn tôi tới các căn buồng đầy ấn tượng và một nhà hàng hai tầng nhìn ra sông Lacantún đỏ nặng phù sa do trời mưa tầm tã nhiều tháng trời.

Gregorio, nhân viên lễ tân nhã nhặn, chỉ cho tôi phòng nghỉ. Đó là một căn phòng thoáng đáng, sạch sẽ, với một chiếc giường ấm áp.

Thông thường, giá một buồng này là 650 peso/đêm, nhưng tôi đã thương lượng giảm được 10% do tôi là vị khách duy nhất ở đó.

Tôi có cảm giác phong cách phục vụ ở Las Guacamayas rất chuyên nghiệp -- một khu nhà nghỉ sinh thái thực thụ.

Chẳng có việc gì để làm vào chiều hôm đó, vì theo Gregorio, những chuyến đi vào khu rừng mưa chỉ thích hợp nhất vào buổi sáng. Vậy nên tôi đi loăng quăng ở khu tầng trệt, và Gregorio, để thực hành tiếng Anh, đã chỉ cho tôi thấy những con khỉ saraguato đang ẩn mình trên tít ngọn cây cao.

Khi mặt trời bắt đầu lặn, tôi tới nhà hàng, cũng là nhà hàng duy nhất trong xã này, và gọi bữa tối. Vừa thưởng thức đồ ăn vừa lắng nghe tiếng hú của bầy saraguato, quả thực là một cách thư giãn kỳ lạ.

Hành trình tìm vẹt lửa

Sáng hôm sau, tôi tìm hiểu và biết được rằng Reforma Agraria là một xã khá mới. Xã này được thành lập vào năm 1980 với 40 gia đình thuộc nhóm dân tộc thiểu số Chinantecsoo, chuyển đến từ Oaxaca. Trong nhiều năm, họ đã trồng các loại cây truyền thống như ngô, đậu và sôcôla nhưng rõ ràng họ có thành công lớn với việc trồng ớt.

Khi thập niên 1990 qua đi, cộng đồng này đã trở nên quan tâm đến việc bảo tồn, đặc biệt là liên quan đến loài vẹt lửa Trung Mỹ (guacamaya). Kể từ khi đó, Reforma Agraria đã và đang nuôi những loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng trong điều kiện nuôi nhốt, cũng như bảo vệ môi trường sống của chúng.

Tôi và César đều hy vọng phát hiện ra loài vẹt lửa guacamaya ngay trong buổi sáng đầu tiên ấy. Khu vực mà César dẫn tôi qua nằm trong phạm vi bảo hộ của xã này, và có một con đường mòn hẹp, đầy bùn chạy ngoằn nghèo qua những bụi cây.

Độ ẩm ở đây cao đến mức thấu kính bên trong chiếc máy quay của tôi bị hơi nước phủ mù mịt, song cơn mưa đã trút nước suốt đêm qua đã ngớt đi phần nào. Muỗi bu quanh chúng tôi thành từng đàn dày đặc, và tôi phải kéo cao mũ trùm đầu lên để bảo vệ mặc dù điều đó làm tôi nóng đến vã mồ hôi.

 

Loài vẹt Trung Mỹ. (Ảnh: Sma)

Tuy nhiên, César dường như không buồn để ý đến những con côn trùng này. Khi chúng tôi cố dò dẫm đi qua những quả đồi trơn trượt và vượt qua cây cầu độc mộc bắc ngang qua những con suối, anh ấy nói rằng từng ở nhiều đêm ở trong khu rừng này, ngủ không màn, không lều suốt trong hai, ba ngày trước khi quay trở lại với thế giới văn minh.

Mặc dù khu rừng mưa này thoạt đầu trông có vẻ hoang dã, song thực ra nó rất có tổ chức. Con đường mòn của chúng tôi, dù cho có đầy bùn, nhưng có những đường cắt rất hợp lý. Chúng tôi không hề bị cây rừng cản lối. César thậm chí chẳng buồn mang theo một con dao rựa.

Đây là một cuộc tản bộ thú vị, mặc dù đổ rất nhiều mồ hôi, qua một khu rừng mưa nhỏ, nhưng chúng tôi đã không thấy được một con vẹt lửa nào, những cây phong lan thì mới chỉ hé nụ chứ chưa ra nở hoa hẳn, và mãi đến cuối đường mòn chúng tôi mới gặp được một gia đình khỉ.

Theo César, những khu rừng mưa như thế này đang bị đe dọa bởi bọn lâm tặc và thậm chí là cả những người dân thường muốn khai phá đất để trồng trọt.

Anh nói: “Mối đe dọa lớn nhất đối với khu rừng mưa này là khi con người chặt phá cây cối”.

Những ý kiến bình luận của César cũng chính là những gì tôi đã được nghe thấy ở San Cristóbal de las Casas. Cisco Dietz, một nhiếp ảnh gia người Mỹ sở hữu phòng trưng bày Studio Cerrillo, thậm chí còn dự định mở một bảo tàng hoa phong lan để bảo tồn các loài phong lan quý hiếm mà ông tìm thấy.

“Đề án phong lan do tôi khởi sự vào năm 1994, khi chứng kiến sự hủy hoại kinh khủng đang diễn ra ở Chiapas”, Cisco nói với tôi trong vườn cây xanh tốt nhà mình. Ông cho biết, nhiều người thậm chí là những người dân bản địa, cho rằng phong lan chỉ là cỏ dại mà thôi.

Nhưng xét đến những gì đang diễn ra ở Chiapas, nơi tập trung người dân bản địa nghèo khổ, các gia đình chủ đất giàu có, những công ty khổng lồ, phần tử chống đối về chính trị, những kẻ buôn ma túy, buôn người và cả những du khách yêu thích loài vẹt lửa đuôi dài, thì thật khó có bất cứ cơ quan nào đủ sức chăm lo cho tất cả.

Thật đáng khích lệ khi thấy một xã nhỏ như Reforma Agraria coi trọng vấn đề bảo tồn, nhưng việc đó chỉ diễn ra trên quy mô rất nhỏ. Điều tốt nhất mà xã này có thể làm là bảo tồn khu vực của mình và hy vọng những vùng khác cũng làm điều tương tự.

  • Thi Thi (theo NewYork Times) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,