Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice hôm 3/12 đã thúc giục Pakistan hợp tác toàn diện trong cuộc điều tra các vụ tấn công khủng bố tại thành phố Mumbai (Bombay) của Ấn Độ, đồng thời cảnh báo Ấn Độ kiềm chế những hành động có thể gây xung đột trong khu vực.
Hành động cân bằng trên nhằm kiềm chế căng thẳng giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân này mặc dù chuyến công du của bà Rice chủ yếu thể hiện sự đoàn kết và cảm thông của chính quyền Bush với người dân Ấn Độ, sau khi các vụ tấn công ở Mumbai khiến gần 200 người thiệt mạng, gồm 6 người Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ tại Ấn Độ (AP)
’’Đây là thời điểm mọi người hợp tác. Pakistan có trách nhiệm đặc biệt làm điều đó và làm một cách minh bạch, đầy đủ, nhanh chóng. Đây là thông điệp mà chúng tôi đã chuyển tới Pakistan’’, bà Rice phát biểu tại một cuộc họp báo ở New Delhi vào tối 3/12.
Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee đã dùng những ngôn từ gay gắt đối với Pakistan, nói rằng các nhóm chiến binh ở đó dính líu tới các cuộc khủng bố ở Mumbai. Các quan chức Mỹ cũng đã quy trách nhiệm cho các nhóm ở Pakistan.
’’Tôi đã thông báo với bà Rice rằng không còn nghi ngờ gì nữa các cuộc tấn công khủng bố Mumbai do những cá nhân tới từ Pakistan tiến hành và những kẻ chỉ huy chúng sống ở Pakistan’’, ông Mukherjee nói. Ông cũng nói rằng Ấn Độ bỏ ngỏ mọi lựa chọn đối phó với Pakistan.
Pakistan đã hứa hành động song khăng khăng rằng nước này cần bằng chứng cụ thể. Pakistan cũng cho biết sẽ không chấp nhận yêu cầu của Ấn Độ giao 20 người bị truy nã mà New Delhi nói rằng đang sống ở Pakistan. Khi được hỏi liệu bà có thúc ép Pakistan giao 20 người này hay không, bà Rice đã lảng tránh câu hỏi.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ nói rõ rằng Ấn Độ nên phản ứng thận trọng để không làm căng thẳng leo thang giữa hai nước. Ấn Độ và Pakistan đã có ba cuộc chiến tranh kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1947.
Nhằm gây sức ép hơn nữa với Pakistan, Tư lệnh hàng đầu của Mỹ đã bay tới Islamabad trong khi bà Rice đang ở Ấn Độ, hối thúc Pakistan tăng cường chiến dịch chống các nhóm chiến binh sau các cuộc khủng bố ở Mumbai. Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã hối thúc Pakistan ’’tích cực điều tra mọi mối liên hệ với các nhóm ở Pakistan và có những hành động cụ thể hơn chống lại các phần tử cực đoan’’.
Chính phủ Ấn Độ đã bị chỉ trích vì không quan tâm tới những cảnh báo về nguy cơ khủng bố sắp xảy ra. Bà Rice, từng là cố vấn an ninh Mỹ khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 và cũng bị chỉ trích tương tự, nói rằng rất khó để diễn dịch thông tin cảnh báo và sử dụng thông tin đó để ngăn chặn một cuộc tấn công.
-
Minh Sơn (theo Reuters, BBC)