Gần đây, cướp biển đã trở thành tin nóng hổi như bóng đá hay cuộc thi hát Eurovision và nhiều người vẫn ngạc nhiên là nó còn tồn tại. Tuy nhiên, tại sao chẳng ai cảm thấy bất ngờ là vào thế kỷ 21 vẫn còn loại tội phạm phổ biến như vậy? Thực tế là, cướp biển không phải cái gì ghê gớm mà chỉ như tội phạm đường phố.
Nạn cướp biển chưa từng biến mất
Hình đầu lâu xương chéo thường đại diện cho cướp biển. (Ảnh: Rian) |
Cướp biển cũng có thời kỳ thăng trầm nhưng chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Thế kỷ 21 đã tạo ra cả những cuộc cách mạng công nghệ lẫn các vấn đề toàn cầu, và một trong trong số đó là nạn cướp biển. Bây giờ cướp biển cũng vẫn là mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế như thủa xưa.
Biển Carribbe luôn là nơi bị hải tặc quấy phá và là khu vực nguy hiểm với cả du thuyền lẫn các tàu chở hàng lớn. Trong suốt nhiều thế kỷ, nạn cướp biển hoành hành mạnh ở khu vực ngoài khơi Indonesia, ở eo biển Malacca và biển Đông song không một nơi nào có thể so sánh với Somalia. Thậm chí là Nigeria, từng đứng đầu châu Phi về nạn cướp biển, hiện giờ cũng phải nhường bước trước Somalia.
Về cách thức hoạt động thì những tên cướp biển ra tay y hệt như những gì đã được mô tả trong tiểu thuyết. Một chiếc tàu cao tốc nhỏ hay một chiếc xuồng đuổi theo một tàu chở hàng hoặc tàu đánh cá và những tên hải tặc nhảy lên đó. Nếu là một chiếc tàu nhỏ, chỉ cần nhảy qua hoặc nếu tàu lớn, chúng dùng dây thừng có gắn móc hoặc mấu neo. Để ngăn không cho các thủy thủ đẩy chúng ngã xuống nước và đe dọa những người trên tàu, bọn cướp biển thường dùng súng hoặc lựu đạn để tấn công.
Một vụ tấn công diễn ra trong khoảng thời gian trung bình từ 10-20 phút. Trong thời gian này, bọn cướp biển hoặc chiếm tàu hoặc từ bỏ kế hoạch. Ngay khi nhóm cướp biển lên được boong tàu, thì chiếc tàu đã nằm trong tay chúng và những thủy thủ là dân thường không thể kháng cự trước những kẻ tấn công có vũ trang.
Somalia là độc nhất vô nhị
Somalia là nơi Chính phủ hoạt động không hữu hiệu kể từ 20 năm qua và nó lại có vị trí địa lý lý tưởng, dọc theo một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới - Vịnh Aden. Ngoài ra, Somalia là nơi duy nhất trên thế giới nơi những con tàu bị cướp (gồm cả những tàu chở dầu khổng lồ) có thể bị giữ cho tới khi các chủ tàu trả tiền chuộc để cứu các thủy thủ.
Hàng năm, có tới 20.000 con tàu đi qua Vịnh Aden, hoặc mỗi ngày có 250 tàu. Kể từ đầu năm nay, hải tặc đã cướp hơn 30 tàu hàng.
Hiện giờ, Somalia có từ 4 tới 5 băng cướp biển, gồm tổng số hàng nghìn thành viên, và sức mạnh của chúng đã tăng lên nhanh chóng.
Trong bốn tháng qua, số tiền chuộc trung bình mà bọn cướp biển nhận được là 1,5-1,7 triệu USD trong khi vài tháng trước, con số này không vượt quá một triệu. Năm nay, nghề cướp biển đã đem lại cho Somalia 40 triệu tiền mặt. Với quốc gia nghèo như Somalia, nơi 10USD cũng là một gia tài thì số tiền hàng triệu đôla quả là vô cùng lớn.
Căn cứ chính của những tên hải tặc là thành phố Eyl ở Vùng Sừng châu Phi. Đời sống ở đây được nâng cao, đường phố tràn ngập ôtô đắt tiền và các ngôi nhà hiện đại mọc lên như nấm. Một thanh niên Somalia chọn cướp biển là nghề nghiệp chính, hiên ngang đi lại trên đường phố Eyl một cách tự tin, túi chật cứng đôla và miệng phồng lên vì lá Khat - một loại ma túy địa phương. Ban ngày, trẻ em ở thành phố này tới trường học và ban tối chúng có thể chơi bóng đá hoặc làm hải tặc.
Phần thưởng của hải tặc
Nhiều người đã vội vã đặt tên cho chiếc tàu chở dầu cực lớn, bị hải tặc cướp và kiểm soát - Sirius Star là giải xổ số song điều đó không hề đúng. Những tên hải tặc chưa giật được giải thưởng nhưng đang cố làm điều đó.
Giải thưởng của cướp biển là những con tàu chở container. Thử tưởng tượng rằng một con tàu chở 5.000 tới 6.000 và thậm chí là 12.000 chiếc container trên đó, mỗi container lại chứa đầy hàng hóa sản xuất tại châu Á, từ pháo hoa cho dịp năm mới, chất tẩy rửa cho tới các hàng hóa đắt tiền dành cho những cửa hiệu hàng đầu ở thủ đô các nước châu Âu.
Hàng hóa trên một con tàu như vậy trị giá tới hàng trăm triệu đô la và nếu một chiếc tàu lớn chở 10.000 container hoặc hơn thì giá trị sẽ lên tới cả tỷ USD. Những món hàng này không phải là dầu nên không thể dỡ xuống hoặc bán ở Somalia nên nó sẽ được chia ra và chuyển tới các nước khác hoặc được bán trên chợ đen.
Tuy nhiên, may mắn là những con tàu chở container, đặc biệt là loại vượt biển, thường là loại khó bị cướp nhất vì nó đồ sộ và chạy với tốc độ cao, cao nhất trong số các tàu chở hàng thương mại 40km/h. Nhưng, vụ cướp tàu Sirius Star cho thấy, mọi việc đều có thể xảy ra.
Cách đối phó với cướp biển
Cách đầu tiên cũng là thông dụng nhất hiện nay. Các tàu bè tuần tra ở một phần của vùng Vịnh nhưng không nhắm bắn vào cướp biển chừng nào chúng chưa tấn công các tàu bè thương mại đang qua lại. Thực tế cho thấy, họ thường bắn cảnh cáo và rất ít khi công khai tấn công và tiêu diệt. Việc tuần tra như vậy đã cứu thoát hơn một con tàu nhưng nó khó có thể tiêu diệt tận gốc nạn cướp biển vì các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn.
Thuyền viên một chiếc tàu Tây Ban Nha bị hải tặc Somalia bắt cóc, trả lời phỏng vấn báo chí sau khi được thả. (Ảnh: Corbis) |
Cách thứ hai mang tính kiên quyết hơn. Tàu và trực thăng thường nổ súng tiêu diệt bất kể là những tên hải tặc đang tấn công tàu bè hay chỉ đang đi săn lùng con mồi. Tuy nhiên, điều này có thể gây rắc rối cho những thủy thủ đã bị bắt và thủy thủ của những con tàu khác cũng vẫn bị bắt cóc.
Cách thứ ba là đổ quân xuống tàu và tiêu diệt hoặc bắt giữ càng nhiều tên hải tặc càng tốt. Tuy nhiên, phương pháp này là nguy hiểm nhất, dân thường sẽ bị thiệt mạng trong khi quân đội bị buộc tội là tàn bạo và phạm tội ác chống lại loài người.
Vẫn có cách thứ tư đó là dùng người Hồi giáo địa phương như một cái vuốt mèo. Tuy nhiên, Somalia đang gần như bị những kẻ cực đoan hay đảng hồi giáo cực đoan Al Shahab thâu tóm.
Đảng này khét tiếng với việc các thẩm phán của họ thông qua bản án ném đá tới chết một bé gái 13 tuổi mà trước đó bị 3 người đàn ông cưỡng hiếp. Các thẩm phán kết luận rằng cô bé đã khiêu khích người khác khi phơi bày bản thân một cách cẩu thả trước ánh sáng ban ngày.
Phát ngôn viên của Al Shabab Sheikh Al Mansoor, hôm 15/11 nói, cướp biển không phải là hải tặc mà là các chiến binh đang chiến đấu chống lại việc đánh bắt cá trái phép ở ngoài khơi Somalia. Theo ông này, các tàu chiến tới Vịnh Aden vì các quốc gia có tàu muốn biến Somalia thành thuộc địa của họ.
Hiện nay, các chiến binh của Al Shabab đang lùng sục thành phố Haradere để tìm kiếm những kẻ vô đạo đã cướp con tàu chở dầu khổng lồ Sirius Star từ tay đồng hữu của họ (chủ tàu Sirius Star là Ảrập Xê-út).
Như vậy, rõ ràng là các chiến dịch quân sự tại vùng Vịnh Aden không thể chấm dứt, nó phải làm cho vịnh này là nơi an toàn cho các con tàu, dù có việc gì xảy ra ở Somalia đi chăng nữa. Cuộc chiến chống cướp biển đã trở thành mặt trận chống du kích ở vùng biển quốc tế, giống như cuộc chiến chống chiến binh ở Iraq hay Afghanistan.
Tương lai của cướp biển
Những tên hải tặc Somalia là nông dân hoặc ngư dân không được học hành. Vũ khí của nhóm này rất đơn giản và thô sơ: Súng trường, lựu đạn, các phương tiện truyền thông thô sơ và thiết bị điều khiển.
Nhưng một khi những phương tiện này kết hợp với những tội phạm sừng sỏ, lính biệt kích có kinh nghiệm giao chiến hoặc những đứa trẻ thành thạo vi tính và các biện pháp theo dõi con mồi (thường là tàu bè) thì điều gì sẽ xảy ra? Dường như chắc chắn là cộng đồng tội phạm trên khắp thế giới sẽ học hỏi kinh nghiệm của cướp biển Somalia và tìm hiểu được cách thực thi những phi vụ.
Ví dụ về cướp biển Somalia gây kinh hãi ở việc nó có thể mở rộng quy mô. Mối đe dọa từ cướp biển cũng không nhỏ hơn so với mối đe dọa từ những kẻ khủng bố. Khủng bố là những kẻ cuồng tín trong khi cướp biển là một hoạt động không liên quan tới cá nhân. Nhiều người sẵn lòng tham gia các băng nhóm cướp biển có nhiều tiền bạc thay vì bỏ mạng vì lý tưởng.
Thế kỷ 21 chứ không phải thế kỷ 18
Tàu thuyền trên toàn cầu chuyên chở khoảng 90% tổng số hàng hóa trên thế giới. Không có hoạt động nào khác lại mang tính quốc tế và toàn cầu hóa như việc chuyên chở hàng hóa bằng tàu biển.
Hãy nhìn một chiếc tàu chở container trên đường tới châu Âu, chủ của nó là người Đài Loan, cờ của Singapore và được một đội thủy thủ gồm người Anh, Philippines, Indonesia... Chiếc tàu chở hàng nghìn container, vài trăm chiếc sẽ được chuyển sang Nga.
Đó là các tàu hàng thời hiện đại. Khi cuộc sống và công việc của bạn liên quan tới nó, bạn bắt đầu nhìn thế giới giống như một thể thống nhất, các ranh giới trở nên mờ nhạt. Trong thế kỷ 21, với công nghệ tiên tiến và hiện đại, không một quốc gia nào có thể tự tồn tại và được định hướng bằng lợi ích riêng.
Các bên cần thiết phải nhất trí và tìm ra các cách thức mới nhằm đáp trả những nguy hiểm và đe dọa của hiện tại lẫn tương lai. Cướp biển hôm nay và ngày mai chỉ có thể bị trấn áp qua những nỗ lực chung và nghiêm túc của các nước.
-
Hoài Linh (Theo Rian)