Vòng đàm phán tiếp theo của hội đàm 6 bên nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ diễn ra vào ngày 8/12, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cho biết.
Cuộc hội đàm sẽ diễn ra sau khi CHDCND Triều Tiên dừng mọi hoạt động qua lại tại biên giới với nước láng giềng giàu có là Hàn Quốc nhằm bày tỏ sự bất bình trước lập trường cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc.
Cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng (Ảnh Rian)
Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời về việc CHDCND Triều Tiên đang muốn gì và tại sao các cường quốc trong khu vực lại muốn hội đàm vào những tuần cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông Bush.
* Chương trình nghị sự gồm những gì?
Sáu bên tham gia hội đàm sẽ tìm kiếm một thỏa thuận về cách thanh tra và xác minh tuyên bố của Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân nước này, cũng như các bước mà Triều Tiên thực thi để vô hiệu hóa khu liên hợp hạt nhân có từ thời Xô Viết là Yongbyon - nơi có thể sản xuất đủ số plutonium để tạo ra 6-8 quả bom hạt nhân.
Cuộc thảo luận sẽ cho phép Hàn Quốc, Nhật, Nga và Trung Quốc chính thức phê chuẩn thỏa thuận mà Mỹ và Triều Tiên đạt được vào tháng 10 về việc xác minh - theo đó, các thanh tra sẽ được tiếp cận toàn bộ những nơi được công bố là khu vực hạt nhân.
Nói một cách chính thức, cuộc hội đàm cũng đồng nghĩa với việc khởi động thảo luận về giai đoạn tiếp theo, những bước phá hủy vĩnh viễn chương trình hạt nhân của Triều Tiên và nước này sẽ nhận được thêm trợ giúp về kinh tế.
* Tại sao lại diễn ra vào lúc này?
Theo các nhà phân tích, cuộc họp diễn ra vào thời điểm này vì Bình Nhưỡng tin rằng Tổng thống Bush có thể nhượng bộ khi ông sắp về hưu này tìm kiếm một di sản về ngoại giao.
Triều Tiên được Mỹ đưa khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố vào tháng 10 bất chấp chỉ trích của Mỹ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa. Quyết định này là một phần trong nỗ lực khôi phục các bước tiến trong việc thực thi thỏa thuận đạt được vào năm 2005.
Kể từ đó, Bình Nhưỡng đã nối lại việc vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân, và chỉ giảm tiến độ trong tháng này, với lập luận các bên trong hội đàm cũng trì hoãn chuyển cho họ viện trợ năng lượng như đã hứa.
* Triều Tiên muốn đạt được gì?
Bình Nhưỡng muốn có viện trợ bổ xung ngoài 1 triệu mét khối dầu nặng hoặc những thứ có giá trị tương đương để đổi lấy việc họ phá hỏng cơ sở hạt nhân và tiết lộ thông tin về hoạt động hạt nhân. Giới phân tích và một số quan chức các nước nhận định, Triều Tiên có lẽ muốn tìm kiếm phần bổ sung cho bất kỳ một cuộc thanh tra cơ sở hạt nhân nào của họ - hành động vốn bị coi là xâm phạm.
* Mục tiêu cuối cùng là gì?
Mục tiêu cuối cùng của thỏa thuận đạt được hồi tháng 9/2005 là Triều Tiên vô hiệu hóa toàn bộ chương trình hạt nhân và vũ khí của nước này để nhận viện trợ năng lượng, gồm cả lò phản ứng hạt nhân không thể chuyển giao công nghệ.
Thỏa thuận cũng đề cập tới tới hòa bình vĩnh viễn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Mỹ, Nhật.
Thực thi tất cả các bước như vậy sẽ tốn nhiều năm. Việc thực thi thỏa thuận giải trừ vũ khí lấy viện trợ theo thỏa thuận năm 1994 giữa Mỹ và Triều Tiên kéo dài gần một thập niên mới sụp đổ.
-
Hoài Linh (Theo Reuters)