221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1130981
Iraq: Biểu tình rầm rộ chống thỏa thuận an ninh với Mỹ
1
Article
null
Iraq: Biểu tình rầm rộ chống thỏa thuận an ninh với Mỹ
,

Hàng nghìn người ủng hộ giáo sĩ Shiite Muqtada al-Sadr đã xuống đường biểu tình ở trung tâm Thủ đô Baghdad của Iraq hôm 21/11 để phản đối một thỏa thuận an ninh với Mỹ. Họ còn đốt cả hình nộm của Tổng thống Bush.

Biểu tình tại Baghdad (ảnh THX)
Giáo sĩ Sadr, người phản đối kịch liệt mọi thỏa thuận với Mỹ, đã kêu gọi cuộc biểu tình này hồi tuần trước. Các lực lượng an ninh Iraq đã thắt chặt an ninh, phong tỏa khu vực biểu tình, chặn mọi ngả đường dẫn tới khu vực này.

Trong thời gian diễn ra biểu tình, giáo sĩ Abdul Hadi al-Muhammadawi đã thay mặt cho Sadr đọc một tuyên bố trước đám đông, khẳng định sự đoàn kết giữa người Shiite và Sunni ở Iraq và cuộc biểu tình sẽ diễn ra hòa bình để ’’thể hiện sự phản đối của người Iraq đối với thỏa thuận an ninh này’’.

’’Tôi lặp lại các yêu cầu của tôi đòi kẻ chiếm đóng rời Iraq mà không ký bất kỳ thỏa thuận hay thiết lập các căn cứ quân sự. Chính phủ phải biết rằng chính nhân dân Iraq đã giúp họ trong những lúc khó khăn. Nếu chính phủ hất cẳng kẻ chiếm đóng, mọi người dân Iraq sẽ sát cánh với chính phủ’’, Muhammadawi trích lời al-Sadr. Al-Sadr, hiện đang ở Iran, đã gọi Mỹ là ’’kẻ thù của đạo Hồi’’, tuyên bố những người ủng hộ ông trong các nhóm vũ trang cũng như hòa bình sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy quân Mỹ khỏi Iraq.

Cuộc biểu tình diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Iraq là Hoshyar Zebari nói rằng Quốc hội nước này vẫn có thể thông qua hiệp định an ninh với Mỹ. Theo hiệp định này, quân đội Mỹ sẽ được phép ở lại Iraq thêm ba năm nữa. Quốc hội Iraq dự kiến bỏ phiếu vào tuần tới.

Tuy nhiên, phe đối lập gồm những người ủng hộ giáo sĩ Sadr cho rằng ngay cả khi được thông qua, thỏa thuận này vẫn gây chia rẽ tại một quốc gia đang cố gắng hòa giải sau chiến tranh. Những người phản đối cáo buộc thỏa thuận an ninh với Mỹ là một sự đầu hàng trước các quyền lợi của Mỹ bất chấp việc Thủ tướng Nouri al-Maliki, một người Shiite, nói rằng hiệp định cuối cùng sẽ mang lại chủ quyền toàn vẹn cho Iraq.

Nội các Iraq đã thông qua thỏa thuận trên. Điều đó có nghĩa là thỏa thuận có khả năng được thông qua tại Quốc hội 275 ghế, nơi các đảng cầm quyền chiếm ưu thế.

  • Minh Sơn (theo AP, THX)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,