Tại các siêu thị của Trung Quốc, một sự thay đổi rõ ràng sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine là, người tiêu dùng trở nên quan tâm nhiều hơn tới các thành phần trong loại thực phẩm mà họ mua.
Người Trung Quốc mua rau tại siêu thị (Ảnh: AFP)
Trong một siêu thị ở Thượng Hải, một người bán hàng mặc chiếc tạp dề xanh và vàng đang cố nói to với các khách hàng những câu đại loại như: "Không chất bảo quản! Không bột ngọt!".
"Bạn càng thuyết phục được khách hàng là sản phẩm không có chất phụ gia thì hàng của bạn bán càng chạy", Trần Tú Ngân, 20 tuổi giải thích khi mời khách mua hàng nếm thử súp gà.
Sự tin tưởng đối với thực phẩm Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất sau khi xì căng đan sữa nhiễm melamine bùng phát và làm 4 trẻ chết, 53.000 em nhập viện. Melamine là hóa chất dùng trong sản xuất nhựa nhưng cũng có thể làm hàm lượng protein trong sữa tăng cao giả tạo.
Hiện, ngay cả khi người tiêu dùng Trung Quốc muốn biết nhiều hơn về những gì có trong thực phẩm thì thông tin vẫn bị hạn chế. Các chuyên gia cảnh báo chất gây ô nhiễm ngầm vẫn là một vấn đề lớn với người tiêu dùng Trung Quốc.
Trước khi bê bối sữa nhiễm độc bùng phát, đã có những chỉ trích công khai về việc melamine được cho vào đồ ăn của vật nuôi, lợn được tiêm steroid và một lượng lớn thuốc kháng sinh được rải xuống những bể nuôi cá.
Thẩm Hiểu Đệ, 67 tuổi, một người dân ở Thượng Hải nói, kể từ khi có vụ sữa bẩn, việc kiểm tra thành phần thực phẩm đối với ông quan trọng hơn nhiều việc xem xét nhãn hiệu hay hương vị. Hiện giờ ông vẫn lúng túng với các nhãn hiệu và thiếu hụt thông tin.
"Tất cả những gì tôi biết là chất bảo quản lẫn thuốc kháng sinh đều không tốt, và nếu sản phẩm nào đó có ít chất nhân tạo, nó sẽ an toàn hơn", ông Thẩm nói trong khi vẫn chăm chú nhìn vào hộp sữa hương dâu. "Có 8% sữa tươi, vậy phần còn lại là gì?"
Giáo viên Tấn Gia Vũ cũng có lo ngại như vậy khi xem gói giăm-bông. Dù giá cả khác nhau nhưng thành phần của chúng giống nhau, gói hàng không ghi rõ số % thịt hay chất phụ gia", Tấn giải thích.
"Tôi không phải là nhà hóa học. Làm thế nào mà tôi biết được phụ gia tổng hợp là như thế nào", Tấn nói và lắc đầu. "Điều khác biệt duy nhất mà tôi có thể thấy là giá cả. Tôi đoán rằng hàng đắt thì tốt hơn".
Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đưa ra luật mới về thực phẩm, đòi hỏi các công ty phải nêu thành phần sản phẩm rõ ràng nhưng không nói rõ là tất cả thành phần phải đưa lên nhãn hàng.
"Một số người đang che giấu thành phần sản phẩm để trốn tránh việc bị giám sát", Trần Liên Phương, nhà phân tích công nghiệp thực phẩm thuộc công ty tư vấn buôn bán hàng nông nghiệp Orient tại Bắc Kinh nhận xét.
Nhiêu Bình Phàm, nhà khoa học thực phẩm có tiếng cho biết, một vấn đề lớn khác là các nhà sản xuất nhỏ (nhiều người trong số này thiếu hiểu biết về an toàn thực phẩm) hiện đang thống trị ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc.
"Những người buôn bán bất hợp pháp thường sử dụng chất thay thế rẻ tiền có giá trị dinh dưỡng thấp, bạn có thể nhìn thấy sự tham lam trong mắt họ. Sự ngu dốt khiến họ không biết sợ là gì", ông Rao, giáo sư trường đại học Phúc Châu nói.
Theo ông Nhiêu, khủng hoảng sữa chứng tỏ sự thiếu hụt các tiêu chuẩn và tuân thủ quy định là vấn đề lớn với ngành thực phẩm. "Gian lận thường khiến các quy định và sự giám sát của Chính phủ mất hiệu lực. Các công ty sữa biết rằng tiền có thể giúp họ tránh được những cuộc kiểm tra chất lượng".
Sẽ có thêm nhiều bê bối xảy ra nếu Chính phủ Trung Quốc không siết chặt việc kiểm tra và trừng phạt, ông David Gong - người đứng đầu ban chuyên môn tại một công ty thực phẩm đóng tại Thâm Quyến cho hay. "Đó chỉ là phần nổi của tảng băng".
-
Hoài Linh (Theo AFP)