Với tư cách là Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, Obama sẽ viết nên một chương mới trong một câu chuyện dài, bắt đầu bằng sự chiếm hữu nô lệ, ngược đãi và vẫn chưa kết thúc bằng sự bình đẳng.
Các thách thức về kinh tế và đối ngoại đang chờ đón tân Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, Obama đã nhất quyết rằng lịch sử sẽ nhớ đến ông như một tác nhân của sự thay đổi, chứ không phải chỉ là biểu tượng của nó. Và điều đó sẽ không hề dễ dàng.
Thượng nghị sĩ bang Illinois đã trở thành một ứng cử viên Tổng thống thành công theo nhiều cách: chất thi ca hào sảng của nghệ thuật hùng biện kết hợp với sự nhạy bén về những khía cạnh thực tiễn cơ bản trong việc tổ chức chiến dịch vận động tranh cử.
Còn một nhân tố nữa, đó là sự may mắn. Ngay cả cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng, vốn dấy lên những câu hỏi về năng lực quản lý kinh tế của đảng Cộng hoà, cũng trở nên hữu ích đúng vào thời điểm mà Obama và đối thủ John McCain đang bám đuổi nhau rất sát trong các cuộc thăm dò dư luận.
Thực hiện các cam kết
Nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái. Nước Mỹ, vốn đang lún sâu vào hai cuộc chiến hao tốn tiền của và công sức ở ngoại quốc, hiện đối mặt với những câu hỏi cần lời giải đáp nhanh chóng.
Dẫu vậy, Obama sẽ có trong tay ít nhất một thứ tài sản mà không một ông chủ Nhà Trắng nào giành được kể từ cố Tổng thống Kennedy: Sự tín nhiệm rộng khắp của cộng đồng quốc tế. Điều đó một phần xuất phát từ một thực tế giản đơn rằng Obama không phải là George W. Bush và phần khác vì nhiều người tin rằng, bằng cách lựa chọn một người da màu làm Tổng thống lần đầu tiên, nước Mỹ dường như đang khép lại một trong những chương đen tối hơn trong lịch sử của họ.
Tất nhiên, hiện người ta cũng không biết rõ sự ủng hộ của thế giới dành cho Obama lớn đến mức nào hay nó sẽ kéo dài trong bao lâu và liệu có giúp ích nhiều để ông có thể giải quyết được vấn đề cấp bách nhất hiện nay đối với nền kinh tế Mỹ.
Obama đã hứa sẽ cắt giảm thuế cho 95% người dân Mỹ và rất nhiều thứ khác có thể tiêu tốn tiền của, ví dụ như mang tới dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn cho 45 triệu người dân không có bảo hiểm y tế ở nước này và một lực lượng giáo viên mới với thu nhập được cải thiện cho hệ thống giáo dục phổ thông.
Không một dự án nào như trên là chi phí thấp. Trong khi đó, tân Tổng thống Mỹ lại phải thừa hưởng từ người tiền nhiệm sự thâm hụt ngân sách lên tới hàng trăm tỉ USD mỗi năm và một món nợ quốc gia dự kiến vượt qua mức 11 ngàn tỉ USD.
Dù có khả năng thực hiện được các cam kết của mình trong quá trình vận động tranh cử hay không, Obama sẽ vận dụng triệt để tài năng giao thiệp xuất chúng của mình - điều được chờ đợi sẽ là một đặc trưng ghi dấu thời kỳ cầm quyền của ông.
Chèo lái vượt khủng hoảng
Obama là một nhà hùng biện tài năng. Và đúng vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng và sự hoài nghi lan rộng khắp cả nước thì người dân Mỹ rất cần được lãnh đạo bởi một tổng thống có khả năng nắm bắt, định hình và đôi khi làm phấn chấn bầu không khí quốc gia.
Những khả năng trời phú đó sẽ quan trọng như nhau nếu Tổng thống Obama nhận thấy bản thân, trong tình trạng suy thoái trầm trọng của nền kinh tế đất nước, phải tìm ra lời giải đáp vì sao các cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử đang bị trì hoãn thực hiện hoặc thậm chí bị gạt bỏ.
Người dân Mỹ đánh giá Obama như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ thành công của Obama trong việc thực thi một cam kết khác trong chiến dịch tranh cử - mục tiêu mờ mịt hơn về việc đưa người Mỹ xích lại gần nhau.
Chiến thắng của Obama đã dấy lên những hy vọng và kỳ vọng lớn lao của nhiều người dân da màu ở Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Tân tổng thống tự xem mình là một nhân vật về cơ bản có khả năng đoàn kết các ý kiến khác biệt. Trong các bài hùng biện của mình, vị tổng thống mới từng có nhiều phát biểu khẩn thiết đề cập tới việc phải đoàn kết một xã hội đã bị chia rẽ, để cả người già và người trẻ, da đen và da trắng, giàu và nghèo cũng như đồng tính hay không đồng tính cùng bắt tay nhau vì một mục đích chung.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, điều đó khiến Obama dường như đang rất mong mỏi nước Mỹ trở nên tốt đẹp hơn. Người ta chờ đợi để được chứng kiến ông sẽ làm cách nào để mang tương lai tươi sáng ấy tới một đất nước vẫn còn những chia rẽ sâu sắc về sắc tộc và phát triển nhờ động lực từ quá trình cạnh tranh chính trị.
Chính sách ngoại giao
Hãy chú ý đến việc sử dụng rộng rãi công cụ Internet trong việc thực thi quan điểm của Obama. Nhóm chiến dịch của Thượng nghị sĩ bang Illinois đã rất sáng tạo khi tận dụng các trang web để quyên quỹ và thu hút đội ngũ những người tình nguyện. Obama có thể đã nung nấu ý tưởng tương tự trong đầu đối cho vai trò lãnh đạo Nhà Trắng của ông.
Obama sẽ nhận thấy bị sát hạch và có thể bị đánh giá dựa vào các vấn đề đối ngoại như người tiền nhiệm Bush. Ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ phải tìm ra chiến lược giải thoát cho cuộc chiến Iraq mà không làm tăng vị thế quyền lực của Iran trong khu vực.
Và tất nhiên, vấn đề tham vọng hạt nhân của Iran cũng không thể bị sao nhãng. Tổng thống Obama sẽ phản ứng như thế nào trước áp lực đòi đánh bom lò phản ứng hạt nhân của Iran nhằm ngăn chặn chính quyền Tehran phát triển bom nguyên tử, từ phía Israel hoặc từ chính các tư lệnh quân đội của ông? Chúng ta có thể sẽ sớm biết câu trả lời cho điều này.
Tại Afghanistan, Obama từng đề cập tới việc phái thêm nhiều lính Mỹ và hoàn thành cuộc chiến chống quân khủng bố al-Qaeda. Nói bao giờ cũng dễ hơn làm và nếu chiến dịch tăng cường cho Afghanistan thất bại, nó sẽ phản ánh sự đánh giá của Obama và gây tổn hại đến vị thế của ông.
Barack Obama đã làm nên lịch sử bằng việc giành được cương vị lãnh đạo nước Mỹ. Khi Obama nỗ lực ghi dấu ấn lịch sử theo cách bản thân đã làm được khi trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, ông sẽ phải chịu áp lực từ những kỳ vọng rất cao của công chúng. Obama sẽ cần có nhiều tài năng và tất cả may mắn đã giúp ông bước vào Nhà Trắng.
-
Thanh Bình (Theo BBC)