Quân đội Mỹ cảnh báo sẽ ngừng các chiến dịch quân sự và những giúp đỡ sống còn trên khắp Iraq từ 1/1/2009 nếu Chính phủ nước này không chấp nhận một thỏa thuận mới về tình trạng của quân Mỹ hoặc tái ủy nhiệm sứ mệnh của Liên hợp quốc (LHQ) đối với nhiệm vụ của lính Mỹ ở Iraq.
Lính Mỹ truy lùng quân nổi dậy tại Iraq. (Ảnh: Britanicca)
Nhiều chính trị gia Iraq coi động thái trên giống như "thư tống tiền", một quan chức cấp cao của Iraq nói với báo McClatchy hôm 26/10.
Ngoài việc ngừng toàn bộ các hành động quân sự, lực lượng Mỹ cũng sẽ dừng mọi hoạt động hỗ trợ kinh tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác đối với Iraq, phó Tổng thống Iraq Tariq al Hashimi cho hay.
Theo ông Hashimi, Tướng Ray Odierno - Tư lệnh hàng đầu của Mỹ tại Iraq đã liệt kê ra 10 lĩnh vực có thể bị ngừng trong lá thư dài 3 trang và việc sự đe dọa ngấm ngầm này đã khiến các lãnh đạo Iraq rất ngạc nhiên. "Chúng tôi đều thấy bất ngờ. Nhiều người còn coi thái độ này là hăm dọa".
Tướng Odierno chưa có bình luận gì vào ngày 26/10 nhưng quan chức Đại sứ quán Mỹ cho hay, danh sách dài mà ông Hashimi mô tả đã được chuyển cho Chính phủ Iraq.
Trong số những trợ giúp mà Mỹ đang làm cho Iraq có việc bảo vệ biên giới chính, cho hoạt động xuất khẩu lẫn vận chuyển dầu qua sông Shatt al Arab để tới Vùng Vịnh và kiểm soát giao thông đường không qua bầu trời Iraq.
Thỏa thuận về tình trạng lực lượng Mỹ, vốn kêu gọi rút quân Mỹ khỏi Iraq vào cuối năm 2011, được cho là có thể giải quyết hàng loạt vấn đề tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, thay vì hoàn tất 10 ngày trước đây thì nó lại gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị trong nội bộ Chính phủ Iraq - vốn do người Shi’ite nắm giữ, và giữa Iraq với Mỹ.
Lo ngại một trận chiến lớn sẽ xảy ra ở Quốc hội Iraq, Thủ tướng Nouri al Maliki đã khẩn khoản đề xuất sửa đổi thỏa thuận từ Nội các và kêu gọi tiến hành một cuộc họp để xem xét lại văn bản này vào chiều 26/10.
Tuy nhiên, hai đảng chính của người Shi’ite là đảng Dawa của ông Maliki và Hội đồng Tối cao Hồi giáo của Iraq không thể đưa ra một danh sách đầy đủ các đòi hỏi và cuộc họp buộc phải hoãn tới 28/10, các thành viên khác trong Nội các cho biết.
Theo phó Tổng thống Hashimi, Iran - nước hậu thuẫn cho hai đảng trên, đang gây sức ép buộc lãnh đạo Iraq không chấp nhận thỏa thuận với Mỹ.
Hơn nữa, các lãnh đạo đảng phái, gồm cả ông Hashimi đều nói rằng Thủ tướng Maliki phải chịu trách nhiệm về thỏa thuận nhưng nhà lãnh đạo này chưa sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận nếu liên minh Shi’ite của ông và nhiều thành viên các đảng khác không cùng ông chịu nóng chính trị.
-
Hoài Linh (Theo McClatchy)