Tòa án Công lý Quốc tế dự định hôm nay (15/10) sẽ quyết định về việc có yêu cầu Nga ngừng ngay những hành động mà Grudia gọi là "thanh trừng sắc tộc" tại Nam Ossetia và Abkhazia hay không.
>>> Toàn cảnh chiến sự Nga-Grudia
Toà án Công lý Quốc tế. (Ảnh: Wiki) |
Moscow và Tbilisi đã giao chiến trong 5 ngày hồi tháng 8 nhằm kiểm soát hai khu vực trên, nơi mà hiện nay Nga coi là hai quốc gia độc lập và Grudia cho rằng đó là phần lãnh thổ của nước này.
Ngay sau cuộc chiến, Grudia đề nghị tòa án cao nhất của LHQ áp đặt các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn cái mà họ gọi là chiến dịch phân biệt chủng tộc kéo dài 2 thập niên do Nga và các liên minh của Nga là lực lượng ly khai gây ra với người thiểu số Grudia tại khu vực.
Một ban bồi thẩm gồm 15 vị đầu tiên sẽ ra quyết định liệu họ có quyền hạn, trước khi quyết định, áp đặt các biện pháp khẩn cấp hay không. Các mệnh lệnh của Tòa án Công lý Quốc tế là bắt buộc phải thi hành nhưng cơ quan này không có cách nào buộc nước nào đó phải thực thi.
Tòa án này sẽ mất nhiều năm để giải quyết vụ Grudia. Tbilisi kiến nghị tòa án buộc Nga phải bồi thường vì vi phạm Công ước triệt tiêu mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1995.
Tại phiên tòa sơ bộ hồi tháng trước, các luật sư của Grudai cáo buộc lực lượng Nga, dân quân địa phương và lính đánh thuê tiến hành một chiến dịch giết hại và cưỡng ép di dời khỏi nơi ở tại lãnh thổ nước này kể từ đầu những năm 1990. Grudia tuyên bố, chiến dịch như vậy đã khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng và buộc 10% dân số nước này phải rời bỏ nhà cửa.
Tina Burjaliani, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tư pháp Grudia tuyên bố trước tòa rằng: "Người thiểu số Grudia buộc phải rời bỏ nhà cửa vì một chiến dịch quấy nhiễu và khủng bố".
Đại sứ Nga tại Hà Lan Kirill Gevorgian đã bác bỏ cáo buộc trên và nói tuyên bố mang động cơ chính trị đó là vô lý.
Các luật sư của Moscow kêu gọi Tòa án Công lý Quốc tế bác bỏ đề nghị của Grudia về việc can thiệp vì quân đội Nga đã rút khỏi Nam Ossetia và Abkhazia và hàng nghìn người tị nạn đã trở về nhà.
Tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner nói, Nga đã đáp ứng hạn chót mà EU đề ra về việc rút hàng trăm quân khỏi các dải đất thuộc Grudia, nằm ngoài Nam Ossetia và Abkhazia. Tuy nhiên, quan chức này nói thêm, Moscow mới chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ được ghi trong thỏa thuận hòa bình mà Tổng thống Pháp làm trung gian.
Quyết định của tòa án sẽ được đưa ra khi đại diện của Nga, Grudia và các tổ chức quốc tế chủ chốt sẽ họp tại Geneva để thảo luận về an ninh và ổn định ở Caucasus.
-
Hoài Linh (Theo AP)