Cơ quan giám sát năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 25/9 cho biết CHDCND Triều Tiên sắp trục xuất các thanh sát viên của Liên hợp quốc khỏi nhà máy hạt nhân Yongbyon có từ thời LB Xô viết cũ ở nước này.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yu Myung-hwan (Ảnh Reuters)
Bình Nhưỡng cũng đồng thời lên kế hoạch tái khởi động cơ sở hạt nhân trên vào tuần tới, kéo lùi kết quả thực hiện một thoả thuận giải trừ hạt nhân đổi lấy viện trợ cũng như gây áp lực với Washington.
"Chúng ta đang lâm vào tình trạng khó khăn và có thể sắp quay trở về điểm xuất phát", Ngoại trưởng Hàn Quốc phát biểu trước một hội nghị chuyên đề.
Ông Yu Myung-hwan, người vừa trở về sau một chuyến công du tới Mỹ để tham dự các cuộc thương lượng với giới chức CHDCND Triều Tiên và Mỹ, nói rằng Bình Nhưỡng có thể đang nỗ lực gây sức ép đối với chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Bush và vị lãnh đạo tiếp theo của Nhà Trắng.
Ông Yu nhận định: "Có thể quyết định kéo lùi các bước vô hiệu hoá chương trình hạt nhân là một chiến lược của Bình Nhưỡng, liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ".
Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc, với mong muốn đạt được một thành công về chính sách đối ngoại trong vài tháng cầm quyền còn lại, chính quyền Bush có thể sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ cuối cùng. Nếu không, Bình Nhưỡng sẽ ở vị trí mặc cả lợi thế hơn khi tân tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2009.
Ông Yu tuyên bố trước giới truyền thông rằng hiện vẫn còn các thanh sát viên hạt nhân của Liên hợp quốc và Mỹ tại nhà máy Yongbyon của CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng có thể muốn họ lưu lại để chứng kiến họ tiến hành những bước quan trọng đầu tiên nhằm tái khởi động cơ sở hạt nhân chủ chốt này.
Tờ Washington Post hôm 26/9 bình luận rằng thoả thuận giải trừ hạt nhân có thể đã đổ vỡ một phần vì CHDCND Triều Tiên cho rằng, kế hoạch của Washington về cơ chế thẩm định các tuyên bố hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ trao cho các thanh sát viên quốc tế quá nhiều cơ hội tiếp cận quốc gia này.
Cụ thể là, các thanh sát viên có quyền chụp ảnh và quay video về bất cứ địa điểm hạt nhân khả nghi nào; lưu lại tại một địa điểm lâu tới chừng nào mà họ cho là cần thiết cũng như lặp lại các chuyến công du, thu thập và mang đi các mẫu vật cần kiểm nghiệm.
CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu vô hiệu hoá cơ sở hạt nhân Yongbyon hồi tháng 11/2007 theo một thoả thuận kí kết với Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đổi lại, Bình Nhưỡng cũng đã nhận được các chuyến hàng dầu nhiên liệu nặng và các đồ cứu trợ khác.
Mới đây, Hàn Quốc nhấn mạnh các hoạt động viện trợ cho nước láng giềng có thể bị ngừng lại do CHDCND Triều Tiên chấm dứt việc thoả thuận giải trừ hạt nhân.
-
Thanh Bình (Theo Reuters, VOA, AFP)