Scandal sữa nhiễm hóa chất của Trung Quốc đã bắt đầu từ tháng 12/2007 nhưng phải tới những ngày gần đây, khi số nạn nhân được xác nhận đã tăng lên tới hàng chục ngàn em nhỏ, người ta mới biết được tường tận "đường đi nước bước" trong vụ bê bối này.
Nhân viên kiểm định chất lượng Malaysia thu hồi các sản phẩm sữa Trung Quốc trong một siêu thị. (Ảnh: Reuters)
Tháng 12/2007: Tập đoàn Tam Lộc nhận được những than phiền của người tiêu dùng rằng, sữa bột của họ khiến trẻ em bị ốm, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời kết quả điều tra của Hội đồng Nhà nước cho biết.
Tháng 6/2008: Tam Lộc biết sữa bột của họ có chứa hoá chất melamine.
Ngày 30/6: Cơ quan kiểm soát chất lượng Trung Quốc nhận được thông tin có năm em nhỏ ở tỉnh Hồ Nam phải nhập viện vì các triệu chứng sỏi thận, tất cả các bệnh nhi này đều uống sữa bột Tam Lộc.
Ngày 24/7: Một bác sĩ nhi khoa nói với các quan chức cơ quan kiểm soát chất lượng Trung Quốc rằng, ông đã chứng kiến 9 trường hợp bệnh nhi bị mắc sỏi thận do uống sữa bột Tam Lộc.
Ngày 2/8: Chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, nơi Tập đoàn Tam Lộc đóng đô, đã báo cho Tam Lộc về vụ sữa bột của hãng nhiễm độc. Trong một cuộc họp ở hãng này, tập đoàn sữa Fonterra của New Zealand – nhà đầu tư chính ở Tam Lộc – đã biết về các trường hợp bệnh nhi ốm vì dùng sữa – và yêu cầu thu hồi sản phẩm khẩn cấp.
Ngày 6/8: Tam Lộc thu hồi sữa bột từ các nhà phân phối, nhưng không công bố việc thu hồi trước công chúng.
Ngày 8/8: Thế vận hội Olympic Bắc Kinh khai mạc và kéo dài tới 24/8.
Ngày 5/9: Fonterra báo cáo lên Thủ tướng New Zealand Helen Clark về vấn đề sữa nhiễm độc. Ba ngày sau, bà Clark yêu cầu các quan chức New Zealand thông báo cho Bắc Kinh.
Ngày 9/9: Quan chức thành phố Thạch Gia Trang báo cáo vụ việc cho chính quyền tỉnh Hà Bắc. Một ngày sau, tỉnh Hà Bắc báo cáo với chính quyền trung ương.
Ngày 11/9: Tam Lộc công khai thu hồi 700 tấn sữa bột trẻ em. Chính phủ trung ương cam kết sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người chịu trách nhiệm. Tân Hoa xã thông báo có hàng chục trẻ em bị mắc sỏi thận và một em đã tử vong.
Ngày 13/9: Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Cường cho hay, 432 em dùng sữa bột Tam Lộc đã bị sỏi thận. Ông Cao chỉ trích việc Tam Lộc chậm trễ trong việc cảnh báo thông tin ra công chúng, đồng thời yêu cầu điều tra toàn bộ công ty sản xuất sữa bột trẻ em ở Trung Quốc. Phó tỉnh trưởng Hà Bắc cho hay, chính quyền đã thu giữ 2.176 tấn sữa Tam Lộc và thu hồi 8.218 tấn.
Ngày 15/9: Số trẻ em bị ốm vì uống sữa nhiễm độc đã tăng tới hơn 1.200 trường hợp, hai em tử vong. Cơ quan kiểm soát chất lượng Trung Quốc cho hay, nguyên nhân vụ sữa bẩn từ chính nhà cung cấp sữa nguyên liệu, nông dân đã trộn hoá chất độc hại vào sữa. Phó Chủ tịch Tập đoàn Tam Lộc xin lỗi người dân vụ bê bối, nhưng không giải thích việc chậm trễ công bố thông tin.
Ngày 16/9: Qua điều tra khắp 109 công ty sữa bột trẻ em, Trung Quốc phát hiện ra 22 đơn vị có sản phẩm chứa hoá chất melamine. Tổng Giám đốc Tập đoàn Tam Lộc Thiên Văn Hoa bị sa thải khỏi ban giám đốc.
Ngày 17/9: Hai công ty sữa lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn sữa Mông Ngưu và Tập đoàn Công nghiệp Yili thu hồi sản phẩm sữa bột. Bộ trưởng Y tế Trung Quốc cho hay, ba bệnh nhi đã tử vong và hơn 6.200 em bị ốm. Trung Quốc triển khai 5.000 nhân viên kiểm tra chất lượng đến các công ty sản xuất sữa trẻ em.
Ngày 18/9: Chính quyền địa phương bắt giữ thêm 12 người liên quan tới vụ bê bối. Cảnh sát đã thu giữ được hàng tấn hoá chất melamine.
Ngày 19/9: Cuộc khủng hoảng lan rộng sau khi Trung Quốc tuyên bố, kết quả kiểm tra cho thấy sữa nước do ba công ty sữa hàng đầu Trung Quốc sản xuất cũng có hoá chất độc hại.
Ngày 21/9: Bộ Y tế Trung Quốc cho hay, số trẻ em bị ốm do dùng sữa nhiễm độc đã tăng tới gần 53.000 em, trong đó có 12.892 em còn đang điều trị tại bệnh viện, 104 em trong tình trạng nguy kịch. Hongkong thông báo về trường hợp bệnh nhi đầu tiên bị ốm vì sữa bẩn bên ngoài Trung Quốc đại lục. Một em nhỏ 3 tuổi đã mắc chứng sỏi thận sau khi uống các sản phẩm sữa từ Trung Quốc.
Ngày 22/9: Ông Lý Trường Giang - Tổng cục trưởng Tổng cục Kiểm định Chất lượng quốc gia Trung Quốc từ chức.
-
Kỳ Thư (Theo AP)