Một thế hệ trước đây, sữa bột khan hiếm tới mức nó trở thành một trong những mặt hàng mà người dân khi ra nước ngoài lùng mua đầu tiên.
Một em nhỏ đang phải điều trị tại bệnh viện do uống sữa nhiễm hóa chất (Ảnh: AFP)
Bùng nổ ngoài tầm kiểm soát
Và hiện tại, các sản phẩm sữa tràn ngập trong những giá hàng siêu thị, và theo giới phân tích thì sự bùng nổ sữa đã vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Vụ phát hiện ra sữa bột nhiễm hóa chất vừa rồi, theo họ, mới chỉ là một dấu hiệu cho thấy việc phát triển không có kiểm soát trong ngành công nghiệp sữa, với những quy định vệ sinh còn bất cập còn các chuẩn an toàn ít được coi trọng.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu kiểm tra tất cả các sản phẩm sữa và cam kết sẽ nâng cao quy chuẩn chất lượng sau khi bốn trẻ em tử vong, hơn 6.200 em khác bị ốm vì uống sữa nhiễm hóa chất độc hại. Qua kiểm tra đã phát hiện một số lô hàng của những công ty sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc cũng có hóa chất.
"Công nghiệp sữa đã phát triển quá nhanh. Các nhà sản xuất sữa biết cách làm thế nào để đối mới sản phẩm, nhưng họ phớt lờ vấn đề chất lượng sữa nguyên liệu", Liêu Bình, quản lý Qũy tư vấn Tiêu thụ Công nghiệp sữa Minh Đài tại Thượng Hải cho biết.
"Tất cả đều chỉ phụ thuộc vào chính nhà cung cấp sữa, và họ đưa ra những chuẩn của riêng họ", Liêu nói.
Scandal sữa bột trẻ em là vụ thứ hai xảy ra trong vài năm nay. Năm 2004, ít nhất 13 em đã tử vong và hơn 200 em bị suy dinh dưỡng do uống sữa không hoặc có ít chất dinh dưỡng.
Các nhà điều tra cho hay, những người cung cấp sữa nguyên liệu, với hy vọng kiếm thêm lợi nhuận, đã đổ nước vào sữa, rồi trộn hóa chất melamine nhằm tăng hàm lượng protein trong sữa.
Melamine thường được sử dụng trong ngành sản xuất vải, keo dán, đồ dùng gia đình... Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết chất này gây ra chứng sạn thận và sau đó sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ở trẻ, thậm chí nếu người trưởng thành sử dụng cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của thận.
Theo Trần Liên Phương, một nhà phân tích sữa ở Công ty Tư vấn Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, hầu hết các nhà sản xuất sữa ở Trung Quốc đều thiếu các thiết bị cần thiết để dò tìm các loại hóa chất.
Chỉ có ít nhà máy và nông trại tuân thủ quy định an toàn, và thậm chí nếu họ làm như vậy, thì những quy định chất lượng mà Trung Quốc ban hành từ thập niên 80 tới nay cũng đã quá lỗi thời.
Sản lượng sữa tại Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong thập niên qua lên đến hơn 33 triệu tấn sữa/năm. Các nông trang đua nhau gia nhập công nghiệp sữa. Trung Quốc có khoảng 15 triệu con bò sữa, và là nước sản xuất sữa lớn thứ ba thế giới.
Các siêu thị có hàng chục sản phẩm sữa với cam kết có lợi tối đa cho sức khỏe. Mọi gia đình từ thành thị đến nông thôn, đều cho con uống sữa chai mỗi ngày, vì cho rằng, bú sữa mẹ bất lợi và quá cổ điển.
Thu hồi các sản phẩm nhiễm hóa chất. (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, khoảng 80% sữa được sản xuất từ các nông trại nhỏ, những người nông dân thiếu các thiết bị hiện đại hoặc thiếu hiểu biết về công nghệ làm sữa. Thức ăn cho vật nuôi khan hiếm, chất lượng thấp, điều kiện vệ sinh luôn là câu hỏi được đặt ra ở các nông trại kiểu này.
"Ở Trung Quốc, những nhà cung cấp sữa nguyên liệu phần lớn là nông dân thiếu kỹ năng khoa học. Một số người nuôi bò giống như chăn nuôi lợn", ông Trần nói. "Bạn có thể hình dung ra rằng, nếu nguồn ban đầu đã nhiễm bẩn, thì sản phẩm cuối cùng sẽ thế nào?".
Và khủng hoảng lòng tin
Những ngày này, hàng trăm cha mẹ Trung Quốc tất bật, chen chúc đưa con tới bệnh viện xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Họ không thể tìm nổi câu trả lời, có thể cho con dùng loại sữa an toàn nào.
Diêu Hạo Cách, em bé mới 11 tháng tuổi đã mang trong người hai viên sỏi thận lớn. Em uống sữa Tam Lộc từ khi sinh ra vì cha mẹ em đều phải đi làm. Họ sợ hãi khi thấy cô bé sốt, và đi nước tiểu vàng sẫm. Chưa bao giờ họ nghĩ rằng, con gái họ bị sỏi thận vì uống sữa.
Và bây giờ, rất nhiều em như Hạo Cách, đều phải đang nằm điều trị tại bệnh viện Hòa Bình ở Thạch Gia Trang.
"Chúng tôi không kiếm được nhiều tiền, nhưng chúng tôi muốn mua sữa loại tốt cho con", cha em nói. Cha của Hạo Cách là một người lao động chân tay, đến từ thịt trấn nhỏ cách Thạch Gia Trang một giờ đi xe lửa.
"Chúng tôi nghĩ đó là loại sữa tốt, và bây giờ lại xảy ra chuyện này. Chúng tôi cũng đã tiêu tốn khá nhiều tiền", cha em cho biết.
Hôm 19/9, các nhà kiểm định chất lượng thực phẩm Trung Quốc tuyên bố, đã phát hiện ra sữa nước cũng có hóa chất. Kết quả kiểm tra cho thấy, gần 10% các mẫu thử lấy từ những lô hàng của Tập đoàn sữa Mông Ngưu và Tập đoàn Công nghiệp Yili - hai nhà sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc - có chứa hóa chất melamine. Sữa của công ty Bright Dairy tại Thượng Hải cũng trong tình trạng tương tự.
Trung tâm an toàn thực phẩm Hong Kong đã ra lệnh thu hồi sữa, sữa chua và kem cũng như tất cả các sản phẩm của Yili sau khi tìm thấy melamine ở 8 trong 30 mẫu thử sản phẩm sữa Yili tại Hong Kong.
Người ta đặt ra nhiều câu hỏi về việc ém nhẹm vụ bê bối của tập đoàn Tam Lộc cùng một số quan chức địa phương.
Công ty sữa này thông báo đã nhận được những lời than phiền về sản phẩm sữa bột từ đầu tháng 3, kiểm tra phát hiện ra hóa chất trong sữa đầu tháng 8, nhưng tới 11/9 mới thông báo thu hồi sữa sau khi công ty sữa New Zealand có cổ phần ở Tam Lộc đã báo cáo lên Chính phủ New Zealand, sau đó là Chính phủ Trung Quốc.
Không chỉ có ở Tam Lộc, cơ quan kiểm soát chất lượng Trung Quốc đã phát hiện ra 1/5 nhà sản xuất sữa bột ở Trung Quốc có sản phẩm nhiễm hóa chất melamine.
"Chúng tôi tin ai đây? Tôi không biết nữa? Một công ty lớn như vậy còn có vấn đề, thì tôi thực sự không biết ai còn đáng tin", một phụ nữ họ Dương 31 tuổi đang chờ ở phía ngoài văn phòng của Tam Lộc, cho biết.
Dương mang theo một hộp sữa Tam Lộc để trả lại. Hộp sữa này có giá 21,6USD - số tiền không nhỏ với các gia đình lao động ở Trung Quốc.
"Chuyện gì sẽ xảy ra với thế hệ tương lai? Liệu chỉ có sỏi thận không? Còn những vấn đề gì khác nữa?", Dương hỏi.
Một phụ nữ họ Vương, có con trai một tuổi đã uống sữa Tam Lộc được hai tháng, thì tỏ ra không còn tin tưởng gì. "Bây giờ, tôi chẳng biết cho con uống loại nào, tất cả đều có vấn đề".
Ở gần một cơ sở chế biến Tam Lộc, hàng trăm người đang chờ đợi để trả lại hàng. Có tấm banner đỏ treo ngay trước nhà máy ghi rõ: "Hãy chú ý tới an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cộng đồng".
-
Kỳ Thư (Theo AP)