Theo các chuyên gia Trung Quốc và phương Tây, bê bối sữa nhiễm độc ở TQ khiến 4 em thiệt mạng, hơn 6.200 bé bị ốm không chỉ cho thấy những bất cập về mặt quản lý mà còn cả sự thiếu hụt đạo đức kinh doanh.
Người đàn ông trong ảnh đang cầm bịch sữa của công ty Tam Lộc - nguyên nhân khiến con ông phải nhập viện. (Ảnh: AFP)
Theo tờ The Christian Science Monitor, scandal sữa nhiễm hóa chất melamine cho thấy một sự bất cập ở Trung Quốc, đó là trong khi Chính phủ đang ra sức cải thiện nền kinh tế thì vẫn có một bộ phận người dân bất chấp quy định pháp luật, đặt lợi ích bản thân lên trên hết.
"Trung Quốc cũng vấp phải những vấn đề như bất kỳ một nền kinh tế thời kỳ quá độ nào khác. Tuy nhiên, những thách thức sâu sắc và cơ bản hơn mà nước này phải đối mặt là sự thiếu hụt có hệ thống đạo đức kinh doanh", ông Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu tại trường đại học Seton Hall ở South Orange, New Jersey - Mỹ nhận xét.
"Bạn không thể kiểm tra toàn bộ dây chuyền sản xuất thực phẩm. Có nhiều thứ phụ thuộc vào sự thay đổi trong quy tắc xã hội. Mọi người phải thừa nhận rằng sự liêm chính cũng là vấn đề cần chú ý", giáo sư chính trị trường Đại học Chicago Dali Yang nói thêm.
Vấn đề đạo đức
Tuần trước, tập đoàn bơ sữa hàng đầu của Trung Quốc, Tam Lộc, thừa nhận sữa bột cho trẻ em mà họ sản xuất ra hồi đầu năm nay nhiễm hóa chất melamine. Các bác sĩ tại một số tỉnh thành của Trung Quốc đã phát hiện được hơn 6.200 em nhỏ uống loại sữa này bị sỏi thận, hỏng thận. Kể từ tháng 5 tới nay, đã có 4 em thiệt mạng vì sữa Tam Lộc, nhưng nhiều quan chức Trung Quốc cảnh báo số nạn nhân sẽ còn tăng mạnh.
Hôm 16/9, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết, không chỉ có Tam Lộc mà 22 công ty khác cũng bị phát hiện sản xuất sữa bột chứa melamine. Trong số này có cả một số hãng lớn như Tập đoàn công nghiệp Nội Mông Yili - nhà cung cấp sữa cho Thế vận hội Bắc Kinh.
Các nhân viên điều tra cho biết, những người bán cho Tam Lộc sữa nguyên liệu mà họ thu mua từ nông dân, đã pha hóa chất melamine (loại thường dùng để sản xuất nhựa và phân bón) vào sữa để tăng hàm lượng protein.
Hai anh em họ Canh, chủ một cơ sở thu mua sữa ở Thạch Gia Trang, - nơi nhà máy Tam Lộc đóng đô, đã bị bắt hôm 15/9 với cáo buộc pha melamine vào sữa mà họ bán cho Tam Lộc, Tân Hoa xã cho biết. Vài giờ sau đó, hai nhà cung cấp sữa khác cho tập đoàn này cũng bị bắt.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 18 người bị bắt giữ, gồm cả một nam giới bị nghi bán trái phép hóa chất melamine.
Sự việc trên khiến Tam Lộc đặc biệt lúng túng vì công ty này luôn được coi là chuẩn mực và được miễn các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm của Chính phủ từ tháng 12/2005. Tam Lộc là liên doanh giữa công ty nhà nước của Trung Quốc với công ty sữa Fonterra của New Zealand.
Sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 7 tuổi của Tam Lộc được Tổng cục Kiểm định Chất lượng Quốc gia Trung Quốc (AQSIQ), xác nhận là "sản phẩm được miễn kiểm tra" trong 3 năm, website của cơ quan này cho biết.
Giấy chứng nhận trên đồng nghĩa với việc "các sản phẩm sẽ được miễn trừ các cuộc kiểm tra chất lượng và thanh tra do Chính phủ tiến hành", website của AQSIQ giải thích. Đổi lại, AQSIQ cho biết, "công tác tự kiểm tra trong nội bộ phải được tăng cường". Hiện nay, có 47 công ty sữa ở Trung Quốc được miễn trừ kiểu trên, theo AQSIQ.
Lỗ hổng trong quản lý
Công ty Tam Lộc không những không phát hiện được chất melamine trong sữa bột mà cho tới giờ họ còn không thể giải thích được tại sao mãi tới 11/9 mới công bố sự việc dù đã nhận được đơn khiếu nại từ tháng 3, và biết về vụ sữa nhiễm độc vào ngày 6/8.
Vụ việc được đưa ra ánh sáng chỉ sau khi đối tác New Zealand trong công ty Tam Lộc là Fonterra - nắm 3 vị trí trong ban điều hành, thông báo sự việc cho các nhà ngoại giao nước nhà và tiếp đó chuyển thông tin lên Chính phủ Trung Quốc.
Fonterra đã cố gắng suốt nhiều tuần để loại sữa trên bị thu hồi nhưng chính quyền cấp địa phương ở Trung Quốc (thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc - PV) chỉ ngồi im, Thủ tướng New Zealand Helen Clark hôm 15/9 cho biết. "Ở cấp địa phương... tôi cho rằng ban đầu họ tìm cách che giấu sự việc".
Năm ngoái, sau một loạt những bê bối về an toàn thực phẩm liên quan tới đồ ăn cho vật nuôi, đồ hải sản, thuốc đánh răng, Trung Quốc đã cam kết thắt chặt kiểm soát, đặc biệt với loại thực phẩm xuất khẩu. Tháng 12 năm ngoái, sau 3 tháng nghiên cứu, một luật mới về an toàn thực phẩm đã được trình lên Quốc hội và tháng trước Cục Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã được thiết lập trực thuộc Bộ Y tế.
Tuy nhiên, theo Richard Suttmeier, chuyên gia về an toàn sản phẩm Trung Quốc của trường đại học Oregon, "việc cải tổ các quy định chỉ là một phần của vấn đề". "Không có gì mà bạn chỉ cần chỉ tay thì nó được giải quyết", ông nói.
Giáo sư Suttmeier cho rằng, dù có gần nửa triệu công ty sản xuất và chế biến thực phẩm, (theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc), thì nước này vẫn còn nhiều nhà sản xuất tư nhân mà Chính phủ không thể kiểm soát hết.
Cần phải tiến hành một loạt cải tổ từ thị trường vốn (đóng cửa những công ty làm ăn sai trái) tới hệ thống pháp lý nhằm cho phép người tiêu dùng bị thiệt hại kiện doanh nghiệp, giáo sư Suttmeier nói.
Dẫu vậy, theo một số chuyên gia, thì vụ bê bối cũng có mặt tích cực. "Đó là người dân sẽ quan tâm nhiều hơn tới an toàn thực phẩm", giáo sư Ren Fazheng thuộc Đại học Nông nghiệp ở Bắc Kinh nhận xét. "Chính phủ và xã hội sẽ chú ý nhiều hơn tới vấn đề này... và các cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành nhiều biện pháp hơn, vì vậy mức độ kiểm tra cũng được cải thiện".
-
Hoài Linh (Theo Christian Science Monitor, CNN)