Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ thêm 12 người trong vụ bê bối sữa nhiễm hóa chất. Tính đến hôm nay (18/9), đã có 4 trẻ em tử vong, hơn 6.200 em bị ốm do uống sữa bẩn.
Nhân viên siêu thị làm thủ tục thu hồi sữa Tam Lộc tại Hợp Phì, An Huy (Trung Quốc).
Cảnh sát Hà Bắc cho hay, hiện 18 người đã bị bắt giữ. Những cuộc kiểm tra sữa bột trên phạm vi toàn Trung Quốc vẫn tiếp tục, cảnh sát đã tịch thu được hơn 200kg hóa chất melamine.
Trong số 12 người mới bị bắt, có 6 người bán hóa chất melamine, những người còn lại bị cáo buộc bán sữa nhiễm bẩn.
Một số nhà cung cấp sữa nguyên liệu cho công ty Tam Lộc - chuyên sản xuất sữa bột - đã thú nhận trộn hóa chất melamine vào sữa để gia tăng hàm lượng protein.
Hôm 17/9, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tổ chức cuộc họp Nội các đặc biệt bàn về cuộc khủng hoảng sữa bột trẻ em. Nội các Trung Quốc đã thừa nhận, thiếu các quy định trong việc nâng cao các chuẩn lương thực thực phẩm. "Vụ sữa bột trẻ em Tam Lộc phản ứng sự hỗn loạn trên thị trường sản phẩm sữa và kẽ hở trong việc giám sát, quản lý", Nội các Trung Quốc nhấn mạnh.
Sau khi xảy ra vụ sữa nhiễm bẩn, các bậc phụ huynh ở Trung Quốc, những người có khả năng đã cố gắng tìm mua sữa bột nhập khẩu, ở khu vực phía nam, người dân còn tới Hong Kong xếp hàng tìm mua các loại sữa nhãn hiệu nước ngoài
Nỗi tức giận
Scandal sữa nhiễm hóa chất đã khiến các bà mẹ, ông bố Trung Quốc nổi giận, rất nhiều người trong số họ đã mua loại sữa rẻ tiền để cho con ăn.
Người ta đã hoài nghi về việc kiểm soát chất lượng thực phẩm nói riêng và chất lượng sản phẩm nói chung sau khi xảy ra hàng loạt các vụ bê bối gần đây tại Trung Quốc.
Hàng nghìn nhân viên kiểm tra, kiểm định đã được điều động đến các nhà máy sản xuất sữa, cũng như mọi đại lý bán sữa trên toàn Trung Quốc.
Các bậc phụ huynh thì xếp hàng ở những bệnh viện, cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe cho con cái. Nhiều người tỏ ra tức giận khi Tam Lộc - công ty đầu tiên bị phát hiện bán sữa nhiễm hóa chất, lại "ém nhẹm" vụ việc lâu đến thế.
Ít nhất đã có 6.244 em bị ốm vì uống sữa bột nhiễm bẩn, 4 em tử vong, nhưng con số dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Kết quả kiểm tra cho thấy, 69 lô hàng từ 22 công ty sữa có chứa chất cấm sử dụng. Hai trong số các công ty này có sản phẩm xuất khẩu sang các nước như Bangladesh, Yemen, Gabon, Burundi, và Burma.
- Kỳ Thư (Theo BBC, CNN)