Một cựu quan chức Trung Quốc vừa đưa ra nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc không suy thoái, nhưng sẽ điều chỉnh giảm sau chuỗi dài những năm tăng trưởng nóng.
"Lạm phát, thời tiết khắc nghiệp, động đất mang tính huỷ diệt và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu những tưởng đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc tới bờ vực suy thoái, song mọi sự không quá xấu như lo ngại", ông Cheng Siwei, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thường trực Quốc hội Trung Quốc đưa ra nhận định.
Tuy nhiên, một sự điều chỉnh giảm sau chuỗi dài những năm tăng trưởng nóng là cần thiết cho kinh tế Trung Quốc, tránh cái gọi là hạ cánh cứng", ông Cheng Siwei nói thêm.
Trong lúc này, Chính phủ Trung Quốc dường như cũng đã chuẩn bị cho việc khắc phục hậu quả từ lạm phát, thời tiết khắc nghiệp, động đất mang tính huỷ diệt và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu đồng thời cũng đang tìm cách nâng đỡ nền kinh tế, tránh bị tăng trưởng nóng và hạ cánh cứng nhưng cũng tránh nguy cơ suy thoái.
Chính vì vậy mà ngay sau khi hoàn tất thắng lợi sự kiện Olympic, người khổng lồ kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng quay về với thực tại quan trọng của mình bằng những động thái rõ ràng nhằm xốc lại nền kinh tế khổng lồ trước những biến động khó lường của thế giới.
Công nhân xây dựng tuyến đường sắt tới vùng xa xôi. (Ảnh Xinhua). |
Giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp
Chính sách mới nhất và gây chú ý của Trung Quốc trong việc xốc lại nền kinh tế khổng lồ để có thể chống chọi với những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài là việc nước này vừa rồi đã quyết định giảm đáng kể các chi phí cho doanh nghiệp nhỏ - đối tượng tạo sức bật linh hoạt nhất cho nền kinh tế Trung Quốc.
Theo chính sách mới, bắt đầu từ 1/9/2008 thì một loạt các loại phí đánh vào doanh nghiệp nhỏ bấy lâu nay, vẫn thường quy là chi phí hành chính, đã được dỡ bỏ. Tổng hợp các loại chi phí này thậm chí lớn gấp đôi các sắc thuế đánh vào doanh nghiệp.
Do vậy, các doanh nghiệp rất phấn khởi và giới chuyên gia cũng đánh giá cao việc dỡ bỏ đó, coi đây là việc làm sẽ tạo động cơ cho đối tượng tạo sức bật linh hoạt nhất cho nền kinh tế Trung Quốc có thêm điều kiện đóng góp cho đất nước, đặc biệt là trong việc tạo thêm việc làm mới hàng năm cho quốc gia đông dân này.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Gần đây chính quyền Trung Quốc liên tiếp có những động thái được đánh giá là hết sức mạnh mẽ nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất Mỹ cũng như sự ốm yếu của các đầu tàu kinh tế thế giới hiện nay.
Trợ giúp các nhà xuất khẩu gặp khó
Trước đó, Thứ trưởng Bộ thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cho biết chính phủ nước này đang xem xét giúp đỡ các nhà xuất khẩu trong nước gặp khó khăn.
Theo ông Cao, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ trên cơ sở khó khăn cụ thể của các nhà xuất khẩu, đặc biệt trong vấn đề tín dụng và sự tăng giá của đồng Nhân Dân tệ (NDT).
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống 17,6% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn gần 7% so với các năm gần đây. Điều này đã dấy lên việc kêu gọi chính phủ nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu tiếp cận với các khoản tín dụng rẻ hơn cũng như yêu cầu ngừng tăng giá đồng NDT, động thái khiến hàng hoá của Trung Quốc đắt giá hơn.
Bởi vậy, nhiều nhà xuất khẩu mong đợi chính phủ khôi phục chính sách thoái thuế giá trị gia tăng (VAT) xuất khẩu đối với một số ngành, trong đó có may mặc và dệt may. Một số nguồn tin nội bộ cho hay việc thoái thuế VAT có thể được tăng thêm 4% lên 15%.
Tuy nhiên, ông Cao cho rằng mối lo ngại về việc tăng trưởng xuất khẩu chậm lại (giảm 5,7% điểm trong nửa đầu năm 2008) là quá thổi phồng, và Trung Quốc hoàn toàn lạc quan và có dự đoán tích cực về triển vọng xuất khẩu trong nửa cuối năm nay. Do vậy, dù không đề cập cụ thể về vấn đề thoái thuế, Thứ trưởng Cao cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chính sách không khuyến khích xuất khẩu các hàng hóa ô nhiễm cao và sử dụng tốn kém năng lượng, đồng thời khẳng định việc tạo cân bằng trong cán cân thương mại vẫn là một chính sách chính thức.
Kế hoạch kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 54 tỷ USD
Bên cạnh những hỗ trợ mang tính chính sách nêu trên, chính phủ nước này cũng đang lên kế hoạch trợ giúp nóng bằng "tiền tươi thóc thật".
Cụ thể, Trung Quốc đang xem xét kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 54 tỷ USD (370 tỷ Nhân dân tệ), bao gồm cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đề xuất bao gồm 220 tỷ Nhân dân tệ cho chi tiêu chính phủ và 150 tỷ Nhân dân tệ cắt giảm thuế này, chưa được thông qua lần cuối cùng.
Nhóm lãnh đạo tài chính trung ương, gồm các quan chức cao cấp từ các cơ quan chính phủ khác nhau, hiện đã ủng hộ kế hoạch này nhưng vẫn cần phải trình Quốc vụ viện xem xét.
Mục đích của đề xuất này là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đà tăng trưởng chậm lại do việc thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ và Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ làm việc về chi tiết của kế hoạch này.
-
Nhật Vy (Theo Xinhua, CNN, Reuters)