Dù hiện tại thị trường dầu đã hạ nhiệt rất nhiều, Tổng thống George W. Bush vẫn khẳng định quyết tâm khai thác thêm các nguồn dầu nội địa để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu từ ngoài về.
Ngày 2/9, lại một lần nữa lên tiếng kêu gọi Quốc hội bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí trước khi Quốc hội trở lại làm việc một khi bão Gustav kết thúc.
Tổng thống Mỹ Bush. Ảnh AP. |
"Khi bão Gustav kết thúc, Quốc hội trở lại làm việc và một công việc rất quan trọng chắc chắn sẽ cần thảo luộn và thấu hiểu, là việc chúng ta cần thêm dầu nội địa", ông Bush phát đi thông điệp từ Nhà Trắng.
Trước đó, ngày 14/7, Tổng thống Bush đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí ngoài khơi nước Mỹ, trong bối cảnh giá dầu leo thang từng ngày suốt nhiều tháng trước đó.
"Điều này có nghĩa là khoảng cách giữa những người dân Mỹ tới những mỏ dầu khí khổng lồ ngoài khơi chỉ còn cách có một động thái từ phía Quốc hội Mỹ mà thôi", thông cáo của Tổng thống Mỹ Bush phát đi từ Nhà Trắng ngày 14/7 đã nêu rõ.
Nếu quyết tâm của được Quốc hội phê chuẩn thì các doanh nghiệp khai thác dầu có thể chuẩn bị và bắt đầu vươn tay tới những mỏ dầu khí khổng lồ ngoài khơi nước này, vốn lâu nay nằm ngoài phạm vi khai thác.
Lời kêu gọi trên của Tổng thống Bush sẽ được đáp lại?
Cho tới lúc này, các đảng viên Dân chủ ở cả hai viện Quốc hội Mỹ vẫn bác bỏ kêu gọi trên của Tổng thống George W. Bush, với lý do động thái trên làm ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường nước Mỹ.
Hiện tại, Mỹ mới chỉ cho khai thác một phần nhỏ ở vùng Vịnh Mexico và ở đó thì ngoài hoạt động khai thác còn diễn ra thường xuyên việc nhập khẩu dầu. Còn các vùng biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương bao quanh nước Mỹ vẫn chưa được phép khai thác.
Quốc hội Mỹ đã thông qua Lệnh cấm khai thác ngoài khơi những vùng biển trên, từ năm 1983.
Giá xăng dầu tăng quá nhiều suốt thời gian qua khiến người tiêu dùng Mỹ đau đầu và cuống cuồng lo tiết giảm chi phí. Nhiều người cảm thấy tức giận và bất bình.
Khi giá dầu lên cao có thể gây thiệt hại to lớn cho các nước nhập khẩu nhiều dầu như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, đặc biệt là những nước chủ yếu dùng dầu nhập khẩu như Nhật, Đức... và tác động đến kinh tế toàn cầu nói chung, làm cho thương mại quốc tế và đầu tư suy giảm.
Do vậy, có khả năng việc Tổng thống Bush chính thức bỏ lệnh cấm khai thác dầu ngoài khơi nước Mỹ sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua, dù vấp phải khó khăn từ các đảng viên Dân chủ.
-
Nhật Vy (Theo Xinhua, Reuters, AP, AFP)