Cuộc khẩu chiến giữa Moscow và Washington về kế hoạch lá chắn tên lửa ở Đông Âu của Mỹ đã diễn ra trong một thời gian dài, vậy thực tế là hệ thống này đe dọa Nga như thế nào và Mỹ cần phải có nó ra sao?
Bất đồng sâu sắc
Lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu là nguyên nhân bất đồng Nga Mỹ (Ảnh: Rian)
Tháng 8, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Ba Lan để nước này có thể đặt tên lửa tại một căn cứ trên biển Baltic. Trước đó một tháng, Washington cũng đạt thỏa thuận xây dựng một trạm radar với Cộng hòa Czech.
Các thỏa thuận trên đã hình thành một phần của kế hoạch lá chắn tên lửa châu Âu của Mỹ nhằm chống lại mối đe dọa từ các quốc gia mà nước này coi là hiếu chiến, ví dụ như Iran. Gần đây, Iran đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo Shahab-3, có thể bay xa tới 2.000km.
Tuy nhiên, Nga cho rằng kế hoạch này của Mỹ là không cần thiết, và nó đe dọa tới an ninh quốc gia Nga. Moscow dọa trả đũa bằng quân sự nếu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được dựng lên.
Mỹ dự định làm gì?
Mỹ tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa trên là nhằm phá hủy các tên lửa đạn đạo bay tới từ những nước như Iran và CHDCND Triều Tiên. Hệ thống này bao gồm các căn cứ radar ở Alaska và California tại Mỹ, Fylingdales tại Anh. Một căn cứ radar khác cũng đang được Mỹ dự tính thiết lập tại Greenland.
Tên lửa chống tên lửa, hay còn gọi là tên lửa đánh chặn hiện đã được Mỹ triển khai tại Alaska (40 quả) và California (4 quả). Ngoài ra, còn 130 tên lửa đánh chặn khác được đặt trên các con tàu. Nhiệm vụ của tên lửa đánh chặn là đánh trúng tên lửa đạn đạo ngay ở trên không, Mỹ cũng có loại tên lửa dùng để phá hủy tên lửa đang bay tới ở giai đoạn cuối.
Hiện, Mỹ còn định đặt thêm 10 tên lửa đánh chặn tại một ngọn tháp ở Ba Lan, xây dựng một trạm radar tại Cộng hòa Czech.
Washington hy vọng rằng việc xây dựng căn cứ ở Cộng hòa Czech có thể bắt đầu vào năm 2009 và hệ thống radar hiện đặt tại Kwajalein Atoll, quần đảo Marshall sẽ được chuyển sang Czech một khi căn cứ ở đây hoàn tất. Ngoài ra, nước này có kế hoạch đặt tên lửa đánh chặn đầu tiên ở Ba Lan vào năm 2011 và hệ thống sẽ đi vào hoạt động đầy đủ từ 2012.
Tại sao phải triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu?
Mỹ tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực này bị hổng.
Hiện nay, với hệ thống phòng thủ đặt trên biển và trên đất liền, Mỹ có thể đẩy lùi mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu hoặc lực lượng Mỹ tại châu Âu một ngày nào đó có thể bị Iran đe dọa, do vậy, cần đặt một hệ thống bảo vệ ở châu Âu, Washington cho hay.
Có khả thi hay không?
Về lý thuyết, tên lửa đánh chặn có thể phá hủy mục tiêu ở trên trời và đánh trúng đầu đạn đang bay tới.
Mô hình hệ thống đánh chặn tên lửa
Tuy nhiên, với "tốc độ đóng" (là tốc độ mà khi tên lửa đánh chặn và tên lửa đang lao tới tiến gần nhau trong màn đánh chặn) giữa tên lửa đánh chặn và mục tiêu là 24.000 km/h - tương đương 6,5 km/giây thì nhiệm vụ đánh chặn này còn khó hơn nhiều so với việc đánh trúng đầu đạn này bằng một đầu đạn khác.
Mặc dù vậy, những người ủng hộ lá chắn tên lửa của Mỹ vẫn cho rằng hệ thống trên không chỉ hoạt động bình thường mà là hoạt động rất chính xác. Nhưng, theo các nhà chỉ trích, dù đã chi tới 100 tỷ USD, Lầu Năm Góc vẫn chưa thể chứng tỏ hệ thống trên có thể hoạt động trong điều kiện bình thường.
Các tổ chức khoa học độc lập ở Mỹ cho biết, việc thử nghiệm khả năng đánh chặn của hệ thống đã diễn ra đúng kịch bản, hệ thống phòng thủ được cung cấp thông tin chi tiết về vụ tấn công từ trước. Các tổ chức này cũng khẳng định hệ thống phòng thủ có thể dễ dàng phá vỡ kế hoạch của những kẻ tấn công trong tương lai.
Tại sao Nga phản đối?
Moscow cho rằng việc Mỹ triển khai tên lửa ở Ba Lan, trạm radar tại Cộng hòa Czech có thể đe dọa an ninh nước này. Và rằng, hiện thời hệ thống này còn nhỏ nhưng nó có thể được mở rộng, trạm radar ở Czech có thể dùng để do thám Nga.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo: "Nga sẽ không phát điên về lá chắn tên lửa của Mỹ nhưng sẽ nghĩ tới các cách trả đũa".
Lầu Năm Góc thì cho rằng "đó chỉ là những từ ngữ hiếu chiến khiến châu Âu lo lắng".
Sự phản đối của Nga đối với kế hoạch lá chắn tên lửa Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn sau khi Mỹ ký thỏa thuận sơ bộ với Ba Lan vào tháng 8/2008, thời điểm mà Moscow và phương Tây đang đối đầu về việc quân Nga tham gia giao tranh tại Grudia.
Một viên tướng cấp cao của Nga tuyên bố, hành động của Ba Lan sẽ bị trừng phạt. Phái viên Moscow tại NATO cho biết, đã tới lúc thỏa thuận trên phơi bày thông tin rằng Moscow chứ không phải Tehran, là mục tiêu của lá chắn tên lửa Mỹ.
Nga có đề xuất lựa chọn nào khác không?
Moscow gợi ý Mỹ sử dụng trạm radar mà Nga thuê ở Azerbaijan, quốc gia có chung biên giới với Iran.
Cựu Tổng thống Putin cũng đề nghị Mỹ dùng trạm radar ở phía nam nước Nga và đề xuất hợp tác với Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu khác về hệ thống phòng thủ chung.
Tuy nhiên, Mỹ không mấy quan tâm tới những sáng kiến trên.
Mối đe dọa châu Âu nghiêm trọng tới đâu?
Quân đội Iran cho biết, các tên lửa Shahab-3 của nước nay có thể bay xa 2.000km. Điều này có nghĩa, tên lửa của Iran có thể chạm tới đông nam châu Âu và tấn công các mục tiêu ở một số nước thành viên NATO như Hy Lạp, Bulgaria hoặc Romania.
Nga tuyên bố, với tầm bay hạn chế của tên lửa Iran thì kế hoạch về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là không cần thiết. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, thương thuyết, chứ không phải đe dọa, sẽ là cách tốt nhất để đối phó với những mối lo xuất phát từ Iran.
Nhà Trắng tuyên bố, các vụ thử nghiệm tên lửa Shahab-3, mới nhất của Iran không làm thay đổi lập trường của Mỹ về việc thiết lập lá chắn phòng thủ ở châu Âu.
Ba Lan và Czech có đồng ý cho Mỹ triển khai tên lửa, radar?
Giao kèo vẫn chưa thực sự hoàn tất.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã ký thỏa thuận với Chính phủ Czech về việc xây dựng một trạm radar tại Brdy, phía tây nam Prague, nhưng việc này còn phải chờ Quốc hội Czech phê chuẩn.
Chính phủ Cộng hòa Czech sẽ cần sự ủng hộ của một số đảng đối lập để thỏa thuận được thông qua.
Trong khi đó, họ vẫn vấp phải sự phản đối của công chúng đối với kế hoạch này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, 2/3 người dân Czech không muốn kế hoạch trên được triển khai.
Ba Lan cũng đã ký một thỏa thuận sơ bộ với Mỹ về việc cho Mỹ đặt tên lửa tại một căn cứ tại Biển Baltic vào tháng 8/2008. Đổi lại, Mỹ sẽ giúp Ba Lan "nâng cao chất lượng" lực lượng vũ trang.
Thỏa thuận giữa Ba Lan và Mỹ vẫn cần phải được phê chuẩn thêm và Chính phủ trung tả của Thủ tướng Donald Tusk đang cân nhắc phải suy nghĩ thấu đáo hơn chính phủ tiền nhiệm - vốn bị mất quyền lực hồi tháng 10/2007.
Có thỏa thuận quốc tế nào kiểm soát các hành động trên không?
Không.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) từ năm 2001. Hiệp ước này giới hạn việc phòng thủ tên lửa của Nga và Mỹ, mỗi nước chỉ có một hệ thống.
Lễ ký thỏa thuận lá chắn tên lửa giữa Mỹ và Ba Lan.
Hiện thời, hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga vẫn đang hoạt động ở quanh Moscow.
Mỹ chọn cách bảo vệ đất nước bằng tên lửa chiến lược tại Bắc Dakota nhưng hệ thống phòng thủ này đã không còn hoạt động.
Hiện nay, nhiều người Nga không hài lòng với hệ thống chống tên lửa của Mỹ tại châu Âu và cho rằng đó là kết quả của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM, Nga lo ngại Mỹ sẽ tiến đến đâu tiếp sau kế hoạch này.
Thời gian qua, Nga tuyên bố đã thử nghiệm hàng loạt tên lửa nhiều đầu đạn mới, loại RS-24. Loại này được thiết kế với khả năng vượt qua được mọi hệ thống phòng thủ tên lửa. Moscow cũng đang nghiên cứu chế tạo tên lửa hành trình mới.
Mỹ tuyên bố không lo ngại về kế hoạch của Nga.
Liệu đây có phải là khởi đầu cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới?
Bây giờ thực sự là một thời kỳ khó khăn khi các bên luôn nghi kỵ lẫn nhau. Hy vọng Mỹ và Nga sẽ trở thành những đồng minh thân thiện hơn cho tới giờ không còn tồn tại. Sự ngờ vực sẽ còn tiếp diễn nhưng gọi đó là Chiến tranh Lạnh mới thì vẫn chưa phải như vậy.
Tháng 5/2008, Tổng thống Nga Medvedev nắm quyền lãnh đạo đất nước thay cho Tổng thống Vladimir Putin và cho tới giờ ông vẫn giữ quan điểm của người tiền nhiệm - phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Bush sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1/2009 và Tổng thống mới có thể có quan điểm khác về vấn đề này. Tuy nhiên, đến lúc này, hai ứng viên Tổng thống - John McCain của đảng Cộng hòa và Barack Obama của đảng Dân chủ vẫn đề cập tới mối đe dọa xuất phát Iran
Mỹ, Nga có những tên lửa đạn đạo nào?
Moscow và Washington đã giảm đáng kể số vũ khí còn tồn kể từ thời Chiến tranh Lạnh nhưng cả hai bên vẫn giữ lại hàng nghìn tên lửa và đầu đạn hạt nhân.
Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược được Tổng thống Bush và Tổng thống Putin ký kết năm 2002, mỗi bên sẽ giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống mức cao nhất là 2.200 đầu đạn vào năm 2012.
Nga có riêng một hệ thống radar cảnh báo sớm, nhiều tên lửa đánh chặn tầm ngắn đặt ở các căn cứ quanh Moscow và một loạt bãi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa trên toàn quốc.
-
Hoài Linh (Theo BBC, USUC)