Theo nguồn tin từ Quốc hội Pakistan thì cơ quan lập pháp này đã chính thức chấp nhận đơn từ chức của Tổng thống Pervez Musharraf.
Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf (Ảnh: AFP)
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia PTV ngày 18/8, Chủ tịch Quốc hội Pakistan Fahmida Mirza cho hay thông báo chính thức về việc chính thức chấp nhận đơn từ chức của ông Musharraf đã được thông qua và phát đi tới các cơ quan liên quan.
Theo Hiến pháp Pakistan thì Chủ tịch thượng viện sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng thống lâm thời của đất nước trong trường hợp Tổng thống đương nhiệm từ chức.
Ông Musharraf cho biết: "Vì lợi ích cá nhân, tôi có thể có quyết định khác. Nhưng như tôi đã từng nói, trước hết phải vì đất nước Pakistan ... Sau khi thảo luận với các cố vấn luật pháp và những người ủng hộ chính trị thân cận, tôi đã quyết định từ chức. Đơn xin từ chức của tôi sẽ được chuyển tới Chủ tịch quốc hội hôm nay (18/8)".
Theo ông Musharraf, quyết định rút lui của ông nhằm tránh cho Pakistan ngày càng lún sâu vào bất ổn. Ông Musharraf nói thêm rằng: "Tôi không đòi hỏi điều gì cả. Tôi sẽ để cho người dân Pakistan quyết định tương lai của mình".
Tổng thống Musharraf cũng lên tiếng cáo buộc những kẻ đối lập đã vu khống ông. Ông khẳng định: "Về cơ bản, Pakistan bình yên dưới thời tôi cầm quyền. Đáng tiếc, một số phần tử hành động vì những lợi ích bất di bất dịch đã đưa ra những cáo buộc giả mạo chống lại tôi và lừa dối người dân.
Họ nói rằng trong 9 năm qua, các vấn đề kinh tế và việc thiếu điện ở Pakistan là do các chính sách của chúng tôi. Điều này hoàn toàn sai và dối trá ... Họ chưa bao giờ nghĩ tới việc đất nước sẽ bị tổn hại như thế nào".
Tổng thống Musharraf, hiện 65 tuổi, đã lãnh đạo Pakistan gần 9 năm qua. Sau khi lên nắm quyền trong một cuộc binh biến hồi năm 1999, ông đã biến Pakistan trở thành một đồng minh chiến lược chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, sự tín nhiệm của cử tri trong nước đối với ông Musharraf ngày càng sụt giảm. Nhiều người Pakistan đổ lỗi tình trạng bạo lực gia tăng ở nước này bắt nguồn từ quan hệ đồng minh giữa Islamabad - Washington.
Danh tiếng của ông Musharraf tiếp tục bị tổn hại vào năm 2007 khi ông sa thải hàng chục thẩm phán và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông Musharraf cũng ngày càng bị cô lập kể từ khi phe đối lập giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 2, lập ra chính phủ liên minh chống đối ông.
Hồi đầu tháng 8, liên minh cầm quyền do đảng của cựu Thủ tướng bị ám sát Benazir Bhutto đứng đầu, đã công bố kế hoạch luận tội tổng thống vì các cáo buộc vi phạm hiến pháp và phạm những tội ác khác.
Chính phủ liên minh đã gây sức ép buộc ông Musharraf phải rút khỏi ghế lãnh đạo nếu không muốn bị luận tội. Tuy nhiên, cho tới trước ngày 18/8, ông Musharraf vẫn nhất quyết bác bỏ yêu cầu này.
-
Nhật Vy (Theo CNN, AFP, AP)