Sau nhiều tháng tăng cao, giá dầu hiện đã giảm, báo Spiegel của Đức đã có cuộc nói chuyện với Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Nobuo Tanaka về giá dầu trong tương lai, số lượng dầu còn lại trên thế giới.
(Ảnh: Spiegel) |
SPIEGEL: Thưa ông Tanaka, ông có biết IEA đã dự đoán giá dầu vào năm 2010 như thế nào trong một cuộc nghiên cứu cách đây 3 năm không?
Tanaka: Không, tôi không làm việc tại IEA vào thời điểm đó. Hãy nói cho tôi biết.
Đó là 35USD/thùng
Vậy chúng ta đã sai lầm.
Tại sao tất cả các nhà quan sát thị trường dầu, không chỉ có IEA, lại dự đoán sai lệch so với những diễn biến về giá như vậy?
Nhu cầu về dầu thô tăng nhanh hơn nhiều so với dự đoán, đặc biệt là ở các thị trường đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi các nước sản xuất dầu mỏ lại không tăng năng suất một cách thích đáng. Do đó, thị trường trở nên khó khăn.
Ông khiến cho vấn đề trở nên đơn giản. Nhưng thưa ông, những ước lượng không chính xác cũng dựa trên thực tế rằng có ít thông tin đáng tin cậy trên thị trường, đặc biệt về sản lượng dầu.
Thị trường thiếu sự minh bạch cần thiết, nếu không nó đã hoạt động tốt hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn về năng suất của hơn 700 mỏ dầu quan trọng hàng đầu thế giới. Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố vào tháng 11 tới. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem tiềm năng các mỏ dầu lớn đến đâu và sản lượng khai thác tại các mỏ dầu tư nhân giảm tới mức độ nào. Tôi rất tò mò muốn biết kết quả.
Liệu ông có tin là sẽ nhận được những thông tin đáng tin cậy từ các nhà sản xuất dầu mỏ?
Đó là một câu hỏi thẳng thắn. Chúng tôi có thể lấy thông tin một cách dễ dàng từ những quốc gia sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC như Mỹ hoặc Na Uy. Trong khi đó, có nhiều nước lại coi sản lượng dầu của họ là bí mật quốc gia. Họ không cho chúng tôi xem xét sổ sách và không cho phép chúng tôi tiếp cận nguồn dự trữ. Trong những trường hợp đó, chúng tôi phải lấy thông tin từ các nhà cố vấn trong ngành dầu và từ các công ty tham gia hỗ trợ quá trình sản xuất và xử lý dầu thô.
Nhưng ngay cả những chuyên gia như vậy cũng lấy tin từ các nguồn tin thứ cấp. Liệu ông có thể dự đoán về sản lượng các mỏ dầu lớn ở Ảrập Xêút hay không? Có phải áp lực ở những mỏ dầu này bị giảm và phải bơm thêm nhiều nước để dầu nổi lên bề mặt - việc này sẽ làm tăng chi phí sản xuất và cho thấy trữ lượng đang giảm?
Dĩ nhiên chúng tôi muốn thị sát tận nơi, nhưng chúng tôi có thể làm gì? Đó là quyết định có chủ quyền của các nước sản xuất. Chúng tôi chỉ có thể dự đoán một cách thông minh.
Vậy câu trả lời ở đây vẫn chỉ là xấp xỉ? Theo ông, còn bao nhiêu dầu tồn tại trên thế giới?
Dù không nắm được đầy đủ thông tin nhưng tôi nghĩ IEA vẫn có thể đưa ra một con số tương đối chính xác. Chúng tôi tin rằng về nguyên tắc, nguồn dự trữ vẫn dồi dào, đủ cho sản xuất tới năm 2030. Tuy nhiên, vấn đề là ở trên mặt đất. Các nước đầu tư không đủ cho việc khai thác các nguồn dự trữ mới cũng như không mở rộng các cơ sở cũ. Việc này tạo cho chúng tôi lý do để lo lắng.
Vậy hậu quả của việc này là gì?
Chúng tôi biết rằng sản lượng đã giảm mạnh. Theo thống kê của chúng tôi, số lượng dầu tại các mỏ hiện có trên toàn thế giới đã giảm trung bình 5% một năm. Điều này có nghĩa là mỗi năm chúng ta cần thêm 3,5 tỷ thùng dầu một ngày chỉ để bù đắp cho lượng mất đi. Cùng lúc đó, nhu cầu lại tăng lên khoảng 1 triệu thùng dầu một ngày. Sự thiếu cân bằng này càng cho thấy rõ thị trường khó khăn như thế nào. Một khoảng cách lớn đang tăng lên.
Liệu có nguy cơ về sự đình trệ trong cung cấp dầu không thưa ông?
Như chúng ta đều thấy, trong tình hình hiện nay nếu có một sự gián đoạn nhỏ trong sản xuất cũng gây ra bất ổn và khiến giá dầu tăng vọt. Do đó, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất. Tôi thường liên lạc với Tổng Thư ký OPEC Salem el-Badri... Chủ tịch OPEC Chakib Khalil và Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêút Ali al-Naimi. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi có thể hợp tác với nhau một cách ăn ý và phản ứng linh hoạt trong vòng 24 tiếng.
Giá dầu đã giảm một chút trong những tuần qua. Liệu cuộc khủng hoảng gần đây thực sự đã qua?
Chúng tôi vẫn cẩn trọng trong đánh giá. Đương nhiên, chúng tôi thấy nhu cầu về nhiên liệu ở Mỹ đã giảm và Ảrập Xêút muốn tăng sản lượng hàng ngày lên 2,5 tỷ thùng dầu. Những dấu hiệu như vậy cũng được phản ánh qua giá dầu. Chúng tôi mong đợi thị trường sẽ ổn định trong vòng một hoặc hai năm tới. Sau đó, tình hình lại có thể trở nên căng thẳng. Giá dầu chưa tới 20 USD/thùng như hồi 10 năm trước có lẽ là việc mà chúng ta không thể chứng kiến một lần nữa.
Liệu ông có cho rằng giá dầu sẽ giảm mạnh?
Chúng ta sống trong thời đại mà năng lượng có giá rất cao và mọi việc sẽ không quay lại như xưa. Nếu chúng ta muốn tránh khủng hoảng trong tương lai, các nước sản xuất dầu phải nâng cao năng suất đáng kể.
Có phải các thành viên OPEC là những nơi duy nhất có thể cung cấp thêm dầu không thưa ông? Và, đến giờ họ vẫn kiểm soát nguồn dự trữ lớn nhất?
Đúng, đó là nơi chúng ta đặt mọi hy vọng vào đó. Chỉ có các nước OPEC mới có thể nâng cao năng suất đáng kể.
Các nước thuộc vịnh Persian cũng có kế hoạch tự mình tinh lọc dầu. Khu vực đó sẽ không chỉ đi đầu trong sản xuất dầu mỏ mà còn đi đầu trong việc tạo ra các sản phẩm về dầu như xăng và chất đốt. Như vậy, thế giới sẽ dựa dẫm hơn nữa vào OPEC và các công ty dầu thuộc sở hữu của chính phủ có phải không?
Đúng vậy và việc đầu tư như thế là rất hợp lý. Thật không may là các nước tiêu thụ ở phương Tây đã thất bại trong việc hiện đại hóa ngành lọc dầu - một thực tế khó giải quyết vì nó tạo nên nhu cầu phải xử lý thêm ngày càng nhiều sulfurous, dầu nặng - vốn rất tốn kém. Nếu, trong tương lai các nhà sản xuất muốn tự mình làm việc đó thì tại sao lại không được. Chúng ta đã phụ thuộc vào họ vì vậy chẳng có vấn đề gì cho dù họ chỉ cung cấp dầu thô hay các sản phẩm của nó.
-
Hoài Linh (Theo Spiegel)