Hôm 14/8, Tổng thống Pakistan Musharraf đã kêu gọi hòa giải để giải quyết các vấn đề kinh tế và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở đất nước này giữa lúc ông chịu áp lực ngày càng lớn để từ chức.
Ông Musharraf hiện đang ở vị trí trung tâm của một cuộc khủng hoảng chính trị kể từ đầu năm 2007 tới nay.
Tổng thống Musharraf
Nguy cơ ông mất chức Tổng thống đã khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại về sự ổn định của quốc gia Hồi giáo có vũ khí hạt nhân này. Mỹ cũng cho rằng Pakistan là nơi ẩn náu của các thủ lĩnh al-Qaeda. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Musharraf rõ ràng đã không thuyết phục được chính phủ liên minh từ bỏ ý định phế truất ông.
Vài giờ sau, trong bài phát biểu mừng 62 năm độc lập, Thủ tướng Gilani nói rằng chính phủ của ông tin vào sự hòa giải giữa các chính đảng. ’’Kỷ nguyên đàn áp đã chấm dứt mãi mãi. Sự độc tài đã trở thành một câu chuyện của quá khứ’’, ông Gilani nói. Thủ tướng Pakistan cũng nói về chiến dịch chống lại chủ nghĩa cực đoan. ’’Cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố là cuộc chiến vì sự sống còn của chúng ta’’.
Cựu Thủ tướng Sharif, người bị Musharraf lật đổ năm 1999, nói rằng Tổng thống phải đối mặt với những hậu quả do hành động của chính ông gây ra. ’’Nếu một ai đó vi phạm luật pháp, người đó nên bị phạt hay được thưởng?’’, ông nói tại Lahore.
Phát ngôn viên đảng Nhân dân Pakistan, đảng đứng đầu liên minh cầm quyền, cho biết tiến trình luận tội ông Musharraf vẫn được tiến hành nếu ông Musharraf không từ chức.
Câu hỏi chính hiện nay là quân đội sẽ phản ứng ra sao. Lãnh đạo liên minh cầm quyền nói rằng quân đội và cơ quan an ninh chính của lực lượng này sẽ không can thiệp để bênh vực "ông chủ" cũ của họ.
Uy tín của ông Musharraf đã giảm mạnh khi ông sa thải các thẩm phán của Tòa án Tối cao và áp đặt tình trạng khẩn cấp để lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ nữa.
-
Minh Sơn (theo Reuters)