221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1096266
Thế giới lo ngại về chiến sự ở Nam Ossetia
1
Article
null
Thế giới lo ngại về chiến sự ở Nam Ossetia
,

Các chính phủ trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về thương vong dân thường trong cuộc xung đột vũ trang ở Nam Ossetia và kêu gọi các bên liên quan chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.

> Toàn cảnh chiến sự Nga - Grudia

Xung đột vũ trang ở Nam Ossetia đang đẩy nhiều người dân vào cảnh khốn cùng. (Ảnh: AP)

Theo thông cáo báo chí của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan này sẽ viện trợ khẩn cấp 1 triệu Euro (1,53 triệu USD) cho người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Số tiền này sẽ dùng để trợ giúp y tế, nước và hệ thống vệ sinh, lương thực, chăn màn, quần áo, nơi trú ẩn...

EC "vô cùng lo ngại về cuộc chiến và lấy làm tiếc trước thiệt hại về người mà cuộc chiến gây ra", ông Louis Michel, Cao ủy phụ trách Viện trợ nhân đạo và Phát triển của EU, nói. "Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch đó".

Tại Geneva, ông Antonio Guterres, Cao ủy LHQ về người tị nạn, đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về thương vong bên trong và xung quanh Nam Ossetia.

"Xung đột gây thương vong cho dân thường và đẩy nhiều người vào cảnh nguy khốn. Nhiều người đang cần sự giúp đỡ và không ít người cố tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn", ông này nhấn mạnh trong một thông báo.

"Việc cấp thiết hiện nay là các tổ chức nhân đạo làm sao với tới được những người bị ảnh hưởng, những người buộc phải di dời hoặc đảm bảo cho dân chúng bị kẹt trong vùng chiến sự tới được những nơi an toàn hơn càng sớm càng tốt".

Tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng, hôm 9/8, đã bày tỏ lo ngại về xung đột vũ trang tại Nam Ossetia và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, nối lại đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột.

"Việt Nam hết sức lo ngại về xung đột vũ trang ở Nam Ossetia làm thiệt mạng nhiều dân thường và binh sĩ gìn giữ hòa bình tại đây. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, nghiêm chỉnh thực hiện các hiệp định đã được ký kết và sớm nối lại đàm phán hòa bình trên cơ sở đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan", ông Lê Dũng nói. 
 

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, diễn ra rạng sáng 8/8 tại New York, đại diện Việt Nam tại Hội đồng, Đại sứ Lê Lương Minh, cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng tăng lên trong khu vực và cho rằng, việc sử dụng vũ lực sẽ không thể giải quyết vấn đề xung đột mà chỉ phá vỡ hy vọng tìm kiếm giải pháp cho tình hình. 

Thủ tướng Nga Vladimir Putin thăm một nạn nhân tại bệnh viện chiến trường ở Vladikavkaz, thủ phủ Bắc Ossetia. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Italy, Franco Frattini, hôm 10/8, cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức xung đột ở Nam Ossetia. Trong một buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky TG 24, ông Frattini nhấn mạnh, Thủ tướng Silvio Berlusconi thực sự lo lắng về tình hình hiện tại ở Nam Ossetia.

Thủ tướng Berlusconi đã thảo luận với Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - về các giải pháp có thể cho cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Italy cho rằng, các bên quan tâm khó có thể nối lại đối thoại nếu không chấm dứt chiến tranh.

Theo báo chí địa phương, Thủ tướng Berlusconi đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Putin và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong khu vực.

Đức Giáo hoàng Benedict cũng kêu gọi ngừng ngay cuộc chiến và mong muốn các cường quốc giúp đỡ tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

"Hy vọng thiết tha nhất của tôi là các hành động quân sự sẽ ngừng ngay lập tức và các bên sẽ kiềm chế, tránh để xảy ra xung đột và bạo lực tồi tệ hơn", Giáo hoàng Benedict nói trong bài phát biểu hôm qua.  

Nam Ossetia tuyên bố độc lập khỏi Grudia vào đầu những năm 1990 và nằm dưới quyền điều hành của một chính phủ li khai kể từ đó mặc dầu không được cộng đồng quốc tế công nhận độc lập.

Đêm ngày 7/8, binh sĩ Grudia đã bắt đầu một chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng của Nam Ossetia trong một nỗ lực nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực. Đáp trả, lính Nga đã tiến vào vùng li khai này để chiến đấu với quân đội Grudia.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói, Grudia phải rút toàn bộ quân đội khỏi Nam Ossetia và ký với khu vực ly khai này một thỏa thuận ràng buộc pháp lý về việc không sử dụng vũ lực thì mới có thể bình thường hóa tình hình tại đây.

Khi điện đàm với Tổng thống Pháp, ông Medvedev còn tuyên bố Grudia phải thực hiện các bước đi này một cách vô điều kiện.

Hôm qua, Grudia đã chuyển tới Đại sứ quán Nga ở Tblisi công hàm về ngừng bắn. "Grudia sẵn sàng khởi động các cuộc đối thoại ngay lập tức với Liên bang Nga về chấm dứt tất cả các hành động thù địch và một lệnh ngưng bắn", hãng tin Interfax trích dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Grudia.

Bộ này cho biết, tất cả các lực lượng vũ trang của Grudia đã rút khỏi vùng xung đột và một hành lang nhân đạo đã được thiết lập cho dân thường và người bị thương đi lánh nạn.

Bộ Ngoại giao Nga xác nhận họ đã nhận được công hàm song cho biết giao chiến vẫn tiếp tục trong khu vực và Grudia vẫn chưa rút toàn bộ binh sĩ khỏi Nam Ossetia.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, nước này đã cảnh báo khả năng cấm các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga trở lại căn cứ Sevastopol của Grudia sau khi họ triển khai tới bờ biển Grudia.

"Để ngăn chặn các tình huống trong đó Ukraine bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự... Ukraine dùng quyền cấm tàu chiến và thuyền bè liên quan quay trở về lãnh địa Ukraine cho đến khi xung đột được giải quyết", trích thông báo của Bộ Ngoại giao Ukraine. 

  • Thanh Hảo (Theo Reuters,Xinhua, AP, TTXVN)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,