Bộ Dầu mỏ của Iraq hôm 10/8 cho biết nước này và Trung Quốc dự kiến sẽ khôi phục lại một thoả thuận dầu mỏ trị giá 1,2 tỉ USD, từng bị huỷ bỏ sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến đánh Iraq vào năm 2003.
Tuyên bố được đưa ra sau một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hussain al-Shahristani và Đại sứ Trung Quốc tại Baghdad.
Ngành công nghiệp dầu mỏ Iraq bị đình đốn sau hàng thập kỉ phải hứng chịu các cuộc chiến tranh (Ảnh AFP)
Theo nhà chức trách Iraq, hai bên đã lên kế hoạch kí kết hợp đồng đầu tiên nhằm khai thác mỏ dầu Ahdab, nằm gần tỉnh Wasit, cách thủ đô Baghdad hơn 160km về phía đông nam, vào cuối tháng 8. Các chuyên gia ước tính có thể sản xuất khoảng 115.000 thùng dầu mỗi ngày tại mỏ này.
Năm 1997, chính quyền của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein từng kí thoả thuận với tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc bất chấp việc các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc không cho phép những vụ giao dịch trực tiếp với ngành dầu mỏ của Iraq. Hai nước đã tái khởi động các cuộc đàm phán về việc nối lại hợp tác vào tháng 10/2006.
"Iraq và Trung Quốc mong muốn thể hiện sự hợp tác thông qua việc phê chuẩn thoả thuận khai thác mỏ Ahdab", trích tuyên bố của Bộ Dầu mỏ Iraq.
Hiện, nhà chức trách hai bên vẫn chưa công bố thêm chi tiết về việc hợp tác trên. Tuy nhiên, nếu được kí kết, đây sẽ là thoả thuận dầu mỏ đầu tiên từ thời ông Saddam được chế độ mới ở Iraq khôi phục lại.
Iraq là nước có trữ lượng dầu mỏ dồi dào, ước tính trên 115 tỉ thùng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này đã bị đình đốn sau hàng thập kỉ phải hứng chịu các cuộc chiến tranh, lệnh trừng phạt của LHQ, tình trạng bạo lực và sự phá hoại.
Khi an ninh được cải thiện, Iraq đang cố gắng mời gọi các công ty nước ngoài tới giúp tăng sản lượng dầu thô từ mức 2,5 triệu thùng mỗi ngày như hiện tại lên 3 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm 2008 và 4,5 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm 2013.
Nhiều công ty khẳng định đã kí hợp đồng với chính quyền Saddam và đòi hỏi chính phủ mới ở Iraq phải tôn trọng những thoả thuận này hoặc ưu tiên cho họ kí kết các thoả thuận mới. Tuy nhiên, nhà chức trách Iraq nhất quyết từ chối các yêu cầu trên và nhấn mạnh việc khai thác nguồn tài nguyên khí đốt và dầu mỏ của nước này sẽ được đưa ra đấu thầu.
-
Thanh Bình (Theo AP)