Cuộc khủng hoảng ở Nam Ossetia bắt đầu leo thang khi quân đội Grudia mở một cuộc tấn công vào đêm 7/8 nhằm giành lại quyền kiểm soát vùng li khai này. Tuy nhiên, đây là một nước cờ sai lầm.
Một chung cư ở thành phố Gori, miền Trung Grudia, bị hư hại nặng do các cuộc không kích của Nga (AP)
Đáp lại hành động quân sự của Grudia, Nga đã điều hàng trăm xe tăng và binh sĩ tới Nam Ossetia để bảo vệ lính gìn giữ hòa bình Nga cũng như người dân Nam Ossetia. Nga cũng oanh kích các mục tiêu quân sự khắp Grudia nhằm buộc Grudia ngừng chiến. Giao tranh cũng diễn ra ác liệt giữa quân đội Grudia với quân đội Nga và lực lượng li khai ở Nam Ossetia.
Nam Ossetia là một trong ba vùng của Grudia, trong đó có Abkhazia và Ajaria, đã được hưởng địa vị bán tự trị theo hiến pháp Liên Xô. Các lực lượng li khai ở mỗi vùng đã quyết định đi theo Moscow sau khi Liên Xô tan rã và đã chống lại mọi nỗ lực kiểm soát của nhà nước mới Grudia.
Đã có nhiều cuộc xung đột không phân thắng bại giữa chính quyền Grudia với Nam Ossetia và Abkhazia trong quá khứ. Thực trạng đó phản ánh hai sự thật quan trọng. Thứ nhất, Grudia không có đủ sức mạnh quân sự hoặc ý chí chính trị để kiểm soát các vùng li khai này. Thứ hai, sự tồn tại của những người trung thành với Moscow ở các vùng trên đã trao cho Nga một giấy phép can thiệp vào các vấn đề của một nước cộng hòa mà Nga coi là nằm trong tầm ảnh hưởng vĩnh viễn của Nga.
Vấn đề chủ quyền
Do vậy, ở một mức độ nào đó, sự độc lập của Grudia luôn bị hạn chế do nằm sát một nước láng giềng mạnh. Khi Nga thoát khỏi những khó khăn kinh tế của thời kỳ Boris Yeltsin và trở thành một cường quốc mạnh, quyết đoán về ngoại giao và xuất khẩu nhiều năng lượng dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, hạn chế đó ngày càng trở nên rõ hơn và khó giải quyết hơn.
Tổng thống Mikhail Saakashvili của Grudia - một chính trị gia nói tiếng Anh thành thạo và đã từng du học ở Mỹ - luôn cẩn trọng khi nhấn mạnh muốn quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Tuy nhiên, nỗ lực của ông giành lại quyền kiểm soát Nam Ossetia luôn khiến ông mâu thuẫn với Moscow. Ông cho rằng vùng này đã trở thành nơi trú ẩn của tội phạm và tham nhũng song kỳ thực đó là vấn đề chủ quyền.
Sau khi Liên Xô tan rã, phương Tây hứa hẹn với các quốc gia như Grudia về địa vị thành viên đầy đủ trong câu lạc bộ các nước phương Tây và điều đó có nghĩa là quyền gia nhập Nato cũng như Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia như Ba Lan và CH Séc tương đối dễ dàng khi đi theo con đường đó bởi rốt cuộc họ chỉ là các nước vệ tinh thuộc Đông Âu cũ mà thôi. Các nước cộng hòa Baltic - Lithuania, Latvia và Estonia - cũng có thể, mặc dù khó khăn hơn.
Các nước trên đã là các quốc gia độc lập ở châu Âu, nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh cũ tại lục địa này và đã bắt đầu tiến trình hội nhập với phương Tây khi mà Nga vẫn đang vật lộn với những khó khăn thời hậu Liên Xô.
Ít kỳ vọng
Đối với Moscow, Grudia hoàn toàn khác các quốc gia nói trên. Trước tiên, Grudia nằm ở biên giới phía nam của Nga, tại vùng Caucasus bất ổn và Kremlin không muốn thấy sự hiện diện của Nato tại một nơi bạo lực và không thể dự đoán này.
Quan trọng hơn, Grudia là một phần của cái mà Nga coi là một trung tâm ảnh hưởng - người Nga đã chứng kiến các đường biên giới của họ thay đổi trong những thế kỷ gần đây theo những biến động chính trị song họ tin quyền ảnh hưởng của họ tại các khu vực nhất định vượt qua cả vị trí chính xác của các đường biên giới này.
Ông Saakashvili - một chính trị gia thân phương Tây và có nhiều tham vọng cho Grudia - có xu hướng làm cho tình hình phức tạp hơn.
TIN LIÊN QUAN
Các lãnh đạo phương Tây sẽ thừa nhận rằng trong quá khứ họ đã đưa ra những đảm bảo đối với các nước cộng hòa như Grudia. Tuy nhiên, thế giới ngoại giao là thế giới của chủ nghĩa thực dụng và những đảm bảo này phải được nhìn nhận trong bối cảnh tổng thể: phương Tây muốn duy trì mối quan hệ tốt nhất có thể với Moscow.
Do vậy, Grudia có thể mong đợi nhiều lời kêu gọi kiềm chế và ngừng bắn từ phương Tây song không nên kỳ vọng gì thêm. Rốt cuộc thì Mỹ cần sự hợp tác của Nga về các vấn đề cấp bách hơn, chẳng hạn như Triều Tiên, và các thành viên khác thuộc liên minh phương Tây như Đức sẽ không muốn đối đầu với một quốc gia đáp ứng đa phần nhu cầu năng lượng của họ.
Giải pháp tức thì
Tổng thống Saakashvili đã so sánh hành động quân sự của Nga hôm 9/8 với cuộc xâm lược Ba Lan mà Đức quốc xã tiến hành năm 1939 hay sự kiện Liên Xô can thiệp vào Tiệp Khắc năm 1968. Trong cả hai trường hợp đó, các nền dân chủ phương Tây đã không sẵn sàng hành động hoặc không thể đảo ngược tình thế. Và ông Saakashvili hy vọng lần này phương Tây sẽ phản ứng mạnh hơn bằng những ví dụ ông đã lựa chọn cẩn thận.
Chắc chắn ông sẽ thất vọng.
Chưa hết, Washington thậm chí khó có thể đồng ý với một yêu cầu của Grudia: sử dụng máy bay vận tải quân sự của Mỹ để đưa lính chiến đấu Grudia từ Iraq về nước nhằm hỗ trợ cho quân đội Grudia đang tham chiến ở Nam Ossetia. Nếu Mỹ làm theo yêu cầu này, Nga có thể coi Mỹ đang tham gia trực tiếp vào một cuộc xung đột vũ trang với Nga.
Ngay cả khi Grudia giành lại quyền kiểm soát Nam Ossetia trong cuộc chiến này, chiến thắng đó sẽ đồng nghĩa với những tổn thất nặng nề và kéo theo đó là một cuộc chiến tranh du kích do lực lượng li khai Nam Ossetia tiến hành. Như vậy, Nam Ossetia vẫn sẽ bất ổn.
Điều tốt nhất mà Bộ Ngoại giao Mỹ và các nước châu Âu có thể hy vọng là một giải pháp ngoại giao tức thì nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay, tiếp theo là hoạt động cứu trợ nhân đạo cũng như cam kết lâu dài về đối thoại giữa Moscow và Tbilisi.
Với tình hình phức tạp ở vùng Caucasus này, đạt được những mục tiêu hạn chế trên cũng không dễ dàng.
-
Minh Sơn (theo BBC, RIA)