Israel đang tăng cường khả năng tấn công quân sự và dường như tin tưởng rằng một cuộc tấn công quân sự sẽ làm tê liệt chương trình hạt nhân của Tehran.
Một máy bay chiến đấu Israel đang hạ cánh
Israel đã mua 90 máy bay chiến đấu F-16l có thể mang đủ nhiên liệu để bay tới Iran và sẽ nhận 11 chiếc nữa vào cuối năm nay. Nước này cũng mua hai tàu ngầm Dolphin mới của Đức có khả năng bắn các đầu đạn hạt nhân, nâng tổng số tàu ngầm mà nước này sở hữu lên 5 chiếc.
Mùa hè 2008, Israel đã tiến hành các cuộc tập trập trên không tại Địa Trung Hải. Động thái này đã gây ra sự tranh cãi quốc tế về việc liệu đó có phải là cuộc diễn tập cho một cuộc tấn công đang tới gần hay không, một lời cảnh cáo đối với Iran hay chỉ là một cách buộc các đồng minh tăng cường ép Tehran ngừng chương trình hạt nhân.
Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài, tình báo Israel đang hoạt động trong lãnh thổ Iran.
Israel càng lo ngại hơn về chương trình hạt nhân của Iran sau khi các quan chức Mỹ bác bỏ phản ứng của Tehran trước gói đề xuất của các cường quốc. Israel coi bom hạt nhân trong tay của Iran là một mối đe dọa trực tiếp đối với sự tồn tại của Nhà nước Do Thái. Israel tin rằng Tehran sẽ có đủ uranium được làm giàu để chế tạo một quả bom hạt nhân vào năm tới hoặc muộn nhất là 2010.
’’Nếu tình báo Mỹ, Israel hoặc châu Âu có bằng chứng rằng Iran đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân, sau đó Israel sẽ có phản ứng thích hợp với mối đe dọa hiện tại. Israel ghi nhận nghiêm túc những tuyên bố của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad về việc phá hủy Israel’’, Phó Thủ tướng Israel Shaul Mofaz, nói tại một diễn đàn chính sách ở Washington hồi tuần trước.
Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia Israel đang tranh cãi liệu Israel có thể phá hủy chương trình hạt nhân của Iran hay không. Nhiệm vụ này sẽ phức tạp hơn nhiều so với cuộc không kích năm 1981 của Iran vào lò phản ứng hạt nhân Osirak mà Iraq đang xây dựng hoặc cuộc không kích vào một cơ sở hạt nhân tương tự ở Syria năm ngoái.
Tại Iran, các cơ sở hạt nhân nằm rải rác khắp đất nước, một số nằm dưới đất trong khi một số khác lại nằm dưới lòng núi, không giống cơ sở hạt nhân ở Iraq và Syria. Cuộc tấn công của Israel vào Syria dường như cho thấy Israel sẵn sàng đánh phủ đầu Iran. Tuy nhiên, chắc Israel sẽ chỉ tấn công nếu có sự đồng ý của Mỹ. Hiện chính quyền Bush đang thiên về giải pháp ngoại giao hơn là quân sự để giải quyết bế tắc quanh chương trình hạt nhân của Iran.
Israel không mấy hài lòng trước những tín hiệu gần đây rằng Washington có lẽ đang lùi xa khỏi giải pháp quân sự. Trong các chuyến thăm Israel gần đây, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Mike McConnell và Chủ tịch Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân Michael Mullen, đã mang thông điệp tới Israel rằng Mỹ chưa bật đèn xanh để tấn công Iran vào lúc này.
Các quan chức cấp cao Israel nói rằng họ lo ngại về lập trường ngày càng mềm mỏng của Mỹ với Iran. Nhằm xoa dịu những lo ngại này, tuần trước các quan chức trong chính quyền Bush đã đảm bảo với Bộ trưởng Quốc phòng Israel tại Washington rằng Mỹ không loại trừ khả năng tấn công quân sự vào Iran. Mỹ cũng đang tìm cách bán cho Israel một hệ thống dò tên lửa tiên tiến để chống lại mọi cuộc tấn công tương lai của Iran.
Do cộng đồng quốc tế vẫn thiên về giải pháp ngoại giao và cấm vận Iran nên một cuộc tấn công của Israel dường như sẽ không sớm xảy ra. Tuy nhiên, nếu tấn công, Israel sẽ phải chống lại khả năng quân sự được tăng cường của Iran, trong đó có 29 hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M1 mà Iran mua của Nga năm 2007 trong hợp đồng trị giá 700 triệu USD. Nga và Iran cũng đang thỏa thuận về việc bán cho Iran các tên lửa đất đối không S-300 mà hiện đại hơn Tor-M1. Iran còn có kho tên lửa tầm xa Shahab-3 mà Israel hy vọng chống lại bằng hệ thống tên lửa phòng thủ Arrow.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Israel cần các máy bay có khả năng tấn công nhiều mục tiêu và mang những quả bom có khả năng xuyên thủng các hầm ngầm của Iran. Israel cũng có thể cần điều động bộ binh tấn công các địa điểm khó khăn nhất mặc dù các nhà hoạch định quân sự Israel cho rằng lựa chọn đó là quá nguy hiểm.
Mỹ có khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân Iran tốt hơn Israel. Tuy nhiên, chi phí của một cuộc tấn công như vậy đối với cả Mỹ và Israel là rất lớn. Iran, quốc gia khai thác dầu lớn thứ tư thế giới, có thể ngừng sản xuất dầu và phong tỏa eo biển Hormuz chiến lược, đẩy giá dầu lên cao và làm các nền kinh tế phương Tây rơi vào khủng hoảng. Quân đội Mỹ ở Iraq sẽ càng bị sa lầy do cuộc tấn công có thể khiến các chiến binh Shiite tức giận. Cuộc tấn công cũng sẽ khiêu khích các chiến binh ở Lebanon và dải Gaza.
Theo chuyên gia Israel Meir Javedanfar về các vấn đề Iran, có lẽ điều quan trọng nhất là mọi cuộc tấn công quân sự vào Iran - đặc biệt là các cuộc tấn công được tiến hành trong khi vẫn còn có thể giải quyết bất đồng bằng ngoại giao - cuối cùng chỉ làm Iran tăng quyết tâm chế tạo vũ khí hạt nhân mà thôi.
-
Minh Sơn (theo AP)