Cơ quan Tình báo Anh ở hải ngoại (MI6) đã báo cáo với Thủ tướng Tony Blair trước cuộc chiến Iraq rằng một nguồn tin cấp cao của Baghdad khẳng định Saddam Hussein không có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Thông tin này đã được chuyển cho Mỹ nhưng đã bị Nhà Trắng ém nhẹm, một cuốn sách mới cho biết.
Ông Tony Blair luôn sát cánh bên Tổng thống Mỹ George W. Bush trong vấn đề Iraq. (Ảnh: Reuters)
Theo cuốn sách này, cựu Thủ tướng Blair đã gửi một mật vụ hàng đầu của Anh tới Trung Đông năm 2003 - ba tháng trước khi cuộc chiến Iraq được tiến hành - để thu thập đủ thông tin tình báo nhằm tránh khỏi chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ George W. Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney đã gạt bỏ mọi tuyên bố hoặc bằng chứng có thể dẫn tới việc dừng quyết định tấn công quân sự đối với Iraq.
Trong cuốn The Way of The World, tác giả đoạt giải Pulitzer Ron Suskind cũng nói rằng Nhà Trắng đã ra lệnh cho CIA phải làm giả một lá thư viết tay tự cho là của Giám đốc Cơ quan Tình báo Iraq gửi tới Saddam Hussein. Lá thư này, được đưa ra ánh sáng 9 tháng sau khi cuộc chiến nổ ra, nhằm chứng minh một mối liên hệ giữa chế độ Đảng Baath với al-Qaeda.
Sự giả mạo này - vốn bị Nhà Trắng thẳng thừng bác bỏ - đã được chuyển cho một nhà báo Anh ở Baghdad và được tờ The Sunday Telegraph đưa tin cứ như thật vào ngày 14/12/2003. Theo tác giả Suskind, bài báo trên đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận ở Mỹ và giúp Nhà Trắng có một cái cớ mới cho quyết định xâm lược Iraq. Nhà Trắng gọi cáo buộc này là phi lý.
Ông Suskind cho hay, vào đầu năm 2003, MI6 đã phái một trong những mật vụ hàng đầu của cơ quan này là Michael Shipster tới khu vực. Tại Jordan, ông Shipster đã bí mật gặp gỡ Tahir Jalil Habbush, Giám đốc Cục Tình báo Iraq.
Các cuộc gặp của hai người này đã được Nigel Inkster, nguyên Phó Giám đốc MI6, xác nhận. Ông Inkster còn chứng thực rằng điệp vụ Shipster được ông Habbush khẳng định rằng không có vũ khí trái phép ở Iraq. Tuy nhiên, tối qua (5/8), ông Inkster từ chối bình luận.
Sir Richard Dearlove, nguyên Giám đốc Cục Tình báo Anh, cũng từng trả lời phỏng vấn của Suskind. Tác giả cho biết Sir Richard xác nhận có các cuộc gặp và thông tin của Shipster. Ông nói thêm rằng ông đã đặt câu hỏi tại sao Thủ tướng Blair lại không hành động dựa trên thông tin tình báo.
Tác giả Suskind viết, Sir Richard đã bay tới Washington vào tháng 2/2003 để trình bày báo cáo về thông tin của Habbush cho Giám đốc CIA lúc đó, ông George Tenet. Báo cáo này nêu rõ, theo Giám đốc Cục Tình báo Iraq, Saddam Hussein đã ngừng chương trình hạt nhân vào năm 1991 - cùng năm ông ta phá hủy chương trình vũ khí hóa học, và đã chấm dứt chương trình vũ khí sinh học vào năm 1996. Những lời khẳng định này hóa ra đúng là sự thật.
Giám đốc Tenet đã báo cáo cho Tổng thống Bush và Cố vấn an ninh quốc gia của ông khi đó là Condoleezza Rice. Tác giả Suskind viết: "Nhà Trắng sau đó giấu nhẹm thông tin của Habbush".
Rob Richer, cựu sĩ quan CIA thuộc bộ phận Cận Đông, nói với Suskind: "Người Anh muốn tránh chiến tranh. Nhưng Tổng thống Bush muốn tiến hành cuộc chiến ở Iraq ngay từ những ngày đầu tiên ông lên nhậm chức".
Ông Habbush đã được đặt vào danh sách những người Iraq cần truy nã gắt gao nhất của Nhà Trắng. Tuy nhiên, theo tác giả Suskind, ông này đã được CIA trả tiền vào tháng 10 năm 2003 để viết một lá thư giả tới Saddam, đề ngày 1/7/2001, với nội dung rằng kẻ được cho là đầu sỏ vụ tấn công 11/9 Mohammed Atta đã tập dượt "sứ mệnh" của mình tại Iraq. Đây chính là bức thư mà The Sunday Telegraph đăng tải.
Về cáo buộc giả mạo thư, ông Tenet nói: "Không hề có mệnh lệnh như vậy từ Nhà Trắng truyền cho tôi, hoặc theo như tôi được biết, không một ai thuộc CIA dính dáng đến bất cứ một nỗ lực nào như vậy".
Về Habbush, Tenet nói rằng những tuyên bố trong cuốn sách là bịa đặt hoàn toàn. Ông này cho biết cựu Giám đốc cục Tình báo Iraq đã "không thể thuyết phục nổi" người Anh rằng ông có "tin mới để cung cấp bằng con đường tình báo".
- Thanh Hảo (Theo Times Online)